Kịch bản tái cấu trúc “chúa chổm” Evergrande: Tiến hành thủ tục phá sản, trông chờ sự tiếp quản từng phần từ phía nhà nước

23/09/2021 21:13 PM | Kinh doanh

Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ giám sát cẩn thận mọi động thái tái cấu trúc của đế chế bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới - Tập đoàn Evergrande (Hằng Đại). Vì những khoản nợ khổng lồ, việc tái cấu trúc tại Evergrande sẽ là một bước ngoặt đáng chú ý.

Lĩnh vực kinh danh chính của Evergrande là tập trung mua đất từ chính quyền địa phương, phát triển và bán căn hộ dân sinh cho khách hàng trước khi xây dựng xong. Công ty sử dụng số tiền bán được kết hợp vay nợ để đầu tư gối đầu cho việc mua thêm đất.

Phần đất dự trữ 214 triệu mét vuông của Evergrande ở Trung Quốc ban đầu trị giá 457 tỷ nhân dân tệ, với hơn 2/3 khu đất nằm ở các đô thị loại 1 và loại 2. Công ty này chỉ có 87 tỷ nhân dân tệ tiền mặt tính đến cuối tháng 6/2021 nhưng mang khối nợ 1.970 tỷ nhân dân tệ (305 tỷ USD)

Cơ quan xếp hạng S&P đã nói rằng có thể Bắc Kinh sẽ tìm cách "tái cơ cấu nợ một cách có trật tự để tối đa hóa giá trị tài sản của mình". Quá trình tái cấu trúc vừa duy trì các hoạt động phát triển bất động sản cốt lõi vừa bán các tài sản không phải cốt lõi để giảm thiểu thiệt hại cho các chủ nợ.

Chính quyền Bắc Kinh muốn tránh một gói cứu trợ thẳng thừng vì điều này có thể làm lu mờ thông điệp "thịnh vượng chung" của họ.

Nếu các chủ nợ tiến hành thủ tục phá sản đối với Evergrande, trước tiên họ sẽ phải thuyết phục một tòa án phê chuẩn thủ tục đó. Sau đó, công ty sẽ có khoảng thời gian sáu tháng để đưa ra kế hoạch tái cấu trúc theo luật pháp Trung Quốc, thời gian có thể được gia hạn thêm ba tháng.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là thời gian đó có đủ dài với khả năng duy trì các dự án xây dựng của Evergrande, giúp tập đoàn này tồn tại hay không?

Giám đốc bộ phận quản lý tài sản của Evergrande nói với Financial Times rằng công ty đã đệ trình các kế hoạch tái cơ cấu lên chính phủ từ tháng 2/2021, nhưng không có kế hoạch nào được chấp nhận.

Những người đứng đầu Evergrande đề xuất một "phương án cuối cùng": Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp sở hữu nhà nước tiếp quản hoạt động của tập đoàn trên "cơ sở từng khu vực". Cách tiếp cận này được cho là kịch bản khả thi nhất.

Được biết, chính quyền địa phương có mối liên hệ chặt chẽ với các nhà phát triển bất động sản, dựa vào họ để có nguồn thu từ việc bán đất cũng như hoạt động kinh tế.

Câu hỏi sâu hơn sau đó là việc tái cơ cấu thành công có ý nghĩa như thế nào đối với niềm tin của người tiêu dùng trong một nền kinh tế mà bất động sản trực tiếp và gián tiếp chiếm gần 28% hoạt động.

"Việc siết chặt bất động sản cần được nới lỏng, nếu không nền kinh tế phồn thịnh sẽ đi xuống", Giám đốc điều hành Evergrande nói.

Một phân tích của S&P về phiên tòa tái cơ cấu của gần 50 công ty vỡ nợ ở Trung Quốc cho thấy tỷ lệ thu hồi tiền mặt trung bình đối với các con nợ không có thế chấp là 23,7%.

Ứng Minh

Cùng chuyên mục
XEM