Khủng hoảng tại ứng dụng gửi tiền trực tuyến Yotta: Gần 300 triệu USD đóng băng, công ty trung gian phá sản, đùn đẩy trách nhiệm, người dân không biết tiền đi đâu

10/07/2024 10:05 AM | Kinh doanh

Có người phải bán nhà để xoay sở.

Trong gần 1 thế kỷ, nếu gửi tiền tiết kiệm vào một ngân hàng được bảo hiểm liên bang, khoản gửi lên tới 250.000 USD của bạn chắc chắn sẽ được bảo toàn.

Tuy nhiên, lời hứa đó - một nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái — hiện đang đối mặt với nhiều thử thách bởi cuộc khủng hoảng xoay quanh các công ty cho vay trực tuyến. Nhiều tài khoản đã bị đóng băng. Người dân không thể rút tiền tiết kiệm cả đời. Hầu hết đều không biết tiền của họ đã đi đâu và liệu mình có lấy lại được.

Sự hỗn loạn bắt đầu vào mùa xuân năm nay sau khi Synapse Technology phá sản. Công ty này vận hành phần mềm ngân hàng cho các ứng dụng cho vay trực tuyến mới nổi, chẳng hạn như Juno, Yieldstreet và Yotta.

Được hỗ trợ bởi một số nhà đầu tư mạo hiểm lớn của Thung lũng Silicon, các công ty khởi nghiệp cung cấp các tài khoản với phí thấp hơn và lãi suất cao hơn nhiều so với các ngân hàng truyền thống. Trang web bóng bẩy xuất hiện nhiều logo của FDIC - cơ quan cam kết hoàn trả các khoản tiền bị mất.

“Chơi trò chơi. Thắng lớn”, Yotta nói và cho biết công ty mình có hệ thống giống như chơi xổ số giúp tăng lợi nhuận cho một số khách hàng may mắn.

Mô hình này ngày càng phổ biến — đặc biệt là đối với những người ở độ tuổi 20 và 30. Quan trọng hơn, chúng hợp pháp.

Vấn đề là mặc dù những công ty khởi nghiệp này trông có vẻ giống như ngân hàng, song thực tế không phải vậy. Họ chỉ đơn giản thu tiền của khách hàng và chuyển qua các bên trung gian như Synapse. Synapse sau đó sẽ tiếp tục chuyển tiền đến các ngân hàng truyền thống có thể chỉ có 1 chi nhánh vật lý. Các ngân hàng, bao gồm Evolve Bank & Trust of West Memphis, Ark., theo hồ sơ, là những tổ chức thực sự quản lý tiền của người dân.

Theo The New York Times, chỉ cần một mắt xích bị trục trặc, quá trình truy cập tiền sẽ trở nên cực kỳ phức tạp.

Khi nộp đơn xin phá sản vào mùa xuân, Synapse cho biết họ chỉ có 2 triệu USD tiền mặt trong tay. Gần 300 triệu USD tiền gửi trực tuyến đã không thể truy cập.

Ngân hàng duy nhất được cấp phép và đề cập bên trên là Evolve, vậy nên nếu Evolve phá sản, tiền tiết kiệm người dân gửi tại đây chắc chắn sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, phía phá sản lại là Synapse. Khách hàng của công ty cho vay trực tuyến này không đủ điều kiện để được FDIC bảo vệ.

“Điều này thực sự chưa từng có tiền lệ”, Jason Mikula, cựu giám đốc sản phẩm của Goldman Sachs, cho biết. “FDIC hoặc bất kỳ cơ quan nào khác không có thẩm quyền pháp lý trực tiếp để can thiệp”.

Khủng hoảng tại ứng dụng gửi tiền trực tuyến Yotta: Gần 300 triệu USD đóng băng, công ty trung gian phá sản, đùn đẩy trách nhiệm, người dân không biết tiền đi đâu- Ảnh 1.

Các công ty liên quan chỉ trích lẫn nhau. Yotta, công ty liên tục quảng cáo sản phẩm của mình “được FDIC bảo hiểm”, đã thừa nhận mình không có khả năng giúp đỡ vì không nắm giữ bất kỳ khoản tiền nào. Người sáng lập Synapse, Sankaet Pathak, đổ lỗi cho Evolve rằng việc ngân hàng đóng băng các khoản tiền là “không cần thiết và mang tính trừng phạt”. Cả ông Pathak lẫn đại diện của Juno và Yieldstreet đều không trả lời yêu cầu bình luận.

Người sáng lập Yotta, Adam Moelis, con trai nhà đầu tư ngân hàng nổi tiếng Ken Moelis, cho biết ông chịu trách nhiệm sẽ cố gắng giải quyết tình hình: “Trách nhiệm của các ngân hàng và Synapse là lưu trữ và chuyển tiền cũng như tiến hành giám sát phù hợp. Đây là những điều cơ bản. Chúng tôi cảm thấy kinh khủng vì tác động của sự vụ này, tuy nhiên, việc các bên không thể giải trình và đối chiếu hàng chục triệu USD không phải là lỗi của chúng tôi”.

Ngay cả với các chuyên gia, những gì xảy ra tiếp theo vẫn chưa rõ ràng.

Thomas Holmes, người phát ngôn của Evolve, cho biết trong khi chờ đợi hướng dẫn từ tòa án, ngân hàng đã giữ lại 46 triệu USD tiền quỹ vì phát hiện ra nhiều sai sót đáng kể trong giấy tờ của Synapse.

Thẩm phán nghi ngờ rằng hàng chục triệu USD có thể sẽ không bao giờ được tìm thấy. “Đây là một tình huống rất, rất bất thường”, Thẩm phán Martin R. Barash cho biết tại phiên điều trần tuần trước.

Trong các cuộc phỏng vấn, khách hàng rất sốc khi biết rằng họ sẽ không được hưởng bảo hiểm liên bang ngay lập tức.

Erick Baum, 45 tuổi, một chuyên gia công nghệ thông tin tại Sacramento, người đã chuyển khoảng 30.000 USD tiền tiết kiệm của mình từ JPMorgan Chase sang Yotta, cho biết: “Với tôi, mọi thứ ban đầu có vẻ giống như một ngân hàng bình thường”.

Tác động từ thảm họa Synapse có thể rất sâu rộng. Phía cơ quan quản lý đã có động thái trừng phạt các ngân hàng cung cấp dịch vụ cho fintech. Bản thân Evolve thì bị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khiển trách vào tháng trước vì không giám sát tốt các mối quan hệ đối tác fintech của mình.

Hoàn cảnh khác nhau, song hầu hết các nạn nhân đều từng tin rằng sự hỗ trợ của FDIC cho Evolve đồng nghĩa với việc tiền của họ sẽ được an toàn.

“Đối với chúng tôi, có cảm giác như họ là một ngân hàng”, chủ trường mầm non Oakland nói về nhà cung cấp công nghệ tài chính của cô, một công ty xử lý học phí tên là Curacubby. “Họ sẽ giúp chúng tôi lập hóa đơn, liên lạc với phụ huynh và chúng tôi nhận được tiền”.

Chia sẻ với CNBC, chủ doanh nghiệp 62 tuổi này đã phải vay tiền và khai thác hạn mức tín dụng sau khi 236.287 USD học phí bị đóng băng vào tháng 5. Viễn cảnh nghỉ hưu sau nhiều năm cố gắng dường như đã trở nên xa vời.

“Tôi cho rằng có lẽ tôi sẽ không nhận được số tiền đó. Nếu tôi nhận được thì sẽ mất bao lâu chứ?”.

Khi Rick Davies, kỹ sư trưởng 46 tuổi của một công ty quần áo nam đăng ký tài khoản với ứng dụng tiền điện tử Juno, anh “nhớ rõ” cảm giác an tâm khi nhìn thấy logo FDIC.

“Nó nằm ở vị trí trung tâm trên trang web của họ”, Davies nói. “Họ nói rõ rằng Evolve đang thực hiện hoạt động ngân hàng, công ty mà tôi biết với tư cách là nhà cung cấp công nghệ tài chính. Toàn bộ trong có vẻ hợp pháp”.

Hiện Davies đã bị đóng băng khoảng 10.000 USD trong nhiều tuần. Anh rất tức giận vì FDIC vẫn chưa có động thái giúp đỡ người dân.

Đối với Davies, tình hình đang khá khó hiểu. Anh nghĩ việc giải quyết nhanh tình hình như trong vụ SVB sẽ khiến mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều.

“FDIC can thiệp cực kỳ nhanh chóng đối với các công ty công nghệ có trụ sở tại San Francisco, nhưng lại bất lực trước tình huống tương tự. Người tiêu dùng rất tức giận”.

Đại diện FDIC và Cục Dự trữ Liên bang đã từ chối bình luận.

Tại phiên điều trần phá sản của Synapse hồi tuần trước, một khách hàng cho biết cô sắp phải bán nhà để trả các hóa đơn. Hàng chục yêu cầu đã được gửi tới FDIC nhưng vô ích.

“FDIC đã chuyển trách nhiệm cho người dân”, một người phàn nàn.

Theo: CNBC, The New York Times

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM