Khủng hoảng kinh tế leo thang, Argentina xin IMF giải ngân sớm
Giới đầu tư lo ngại Argentina không thể trả được khoản nợ chính phủ khổng lồ và có thể rơi vào cảnh vỡ nợ...
Chính phủ Argentina ngày 29/8 bất ngờ đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải ngân sớm khoản vay 50 tỷ USD, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tại quốc gia Nam Mỹ này trở nên trầm trọng hơn.
Theo tin từ BBC, Tổng thống Mauricio Macri nói động thái trên nhằm khôi phục niềm tin vào nền kinh tế Argentina.
Đồng Peso của Argentina đã mất giá hơn 40% so với USD từ đầu năm đến nay, trong khi lạm phát tăng chóng mặt. Giới đầu tư lo ngại Argentina không thể trả được khoản nợ chính phủ khổng lồ và có thể rơi vào cảnh vỡ nợ.
Số liệu chính thức cho thấy nợ công của Argentina đạt mức 321 tỷ USD vào năm 2017, tương đương khảng 57% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tăng hơn 33% kể từ khi ông Macri lên cầm quyền vào cuối năm 2015.
Sau khi đề nghị trên của Argentina được đưa ra, IMF tuyên bố đang xem xét củng cố thỏa thuận đạt được với Argentina và điều chỉnh kế hoạch giải ngân. "Tôi đã nhấn mạnh sự ủng hộ của mình với các nỗ lực chính sách của Argentina và sự sẵn sàng của chúng tôi về hỗ trợ Chính phủ Argentina trong việc phát triển các kế hoạch chính sách của họ", Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nói trong một tuyên bố.
Giới quan sát nói rằng việc Argentina đề nghị IMF đẩy nhanh kế hoạch giải ngân cho thấy sự lo ngại gia tăng của Chính phủ nước này. Khi đạt thỏa thuận vay vốn với IMF hồi tháng 5, Tổng thống Macri còn nói ông hy vọng nền kinh tế sẽ hồi phục và không cần phải tiêu đến khoản vay.
Giữa tháng này, Ngân hàng Trung ương Argentina đã nâng lãi suất lên 45%, cao nhất thế giới. Mức lãi suất này và sự hậu thuẫn của IMF không đủ để trấn an các nhà đầu tư, thể hiện qua việc đồng Peso tiếp tục mất giá.
Năm nay, nhiều nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng chứng kiến đồng nội tệ mất giá mạnh, nhưng tình hình ở Argentina bị xem là nghiêm trọng hơn.
Tốc độ lạm phát ở Argentina hiện ở mức hơn 30%, cao nhất trong số các nước G20. Chính phủ nước này chưa thể triển khai được các biện pháp cải cách kinh tế như đã hứa với IMF, chủ yếu là các biện pháp nhằm cắt giảm chi tiêu và vay mượn.
Tổng thống Macri đắc cử với lời hứa phục hồi nền kinh tế, nhưng đến nay hầu như chưa đạt bước tiến nào. Cuộc sống hàng ngày của người dân Argentina đang ngày càng trở nên đắt đỏ, bởi giá nhiều hàng hóa và dịch vụ có sự ràng buộc chặt chẽ với tỷ giá USD.
Phe đối lập ở Argentina đổ lỗi cho chính sách trung hữu của ông Macri gây ra các vấn đề kinh tế hiện nay, bao gồm xóa bỏ các biện pháp kiểm soát vốn và cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, Argentina đã ở trong tình trạng khó khăn kinh tế nhiều năm nay.
Hồi năm 2001, Chính phủ Argentina vỡ nợ và hệ thống ngân hàng của nước này gần như tê liệt. Khi đó, việc IMF từ chối giúp đỡ bị cho là một phần nguyên nhân khiến nền kinh tế Argentina suy sụp.