Ai rồi cũng có lúc gặp khủng hoảng sau tuổi 35: Đừng vội nhảy việc, hãy làm theo những lời khuyên này để "cứu vãn tình thế" khi đã ở quãng giữa của sự nghiệp
Cuộc khủng hoảng giữa sự nghiệp là một giai đoạn căng thẳng, trầm cảm hoặc trống rỗng ở độ tuổi từ 35 đến 55. Nguyên nhân thường do do bất mãn với công việc, sức khỏe, mối quan hệ, gia đình hoặc cuộc sống.
Trong thời gian này, "nạn nhân" của cơn khủng hoảng bắt đầu mất hứng thú với mọi thứ, không tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống. Đó là một giai đoạn nghi ngờ về năng lực của bản thân đối với công việc. Biểu hiện khi gặp khủng hoảng trong giai đoạn giữa sự nghiệp thường là không có sự rõ ràng về tương lai và trở nên vô vọng về công việc, mang tâm trạng chán nản hoặc những cơn trầm cảm không giải thích được. Họ không tìm thấy cho mình động cơ hay tham vọng nào ở bản thân, không những vậy thói quen ăn uống, ngủ nghỉ và sở thích hàng ngày cũng thay đổi. Ban đầu, tất cả những thay đổi hoặc triệu chứng này được chú ý bởi gia đình, bạn bè và đồng nghiệp chứ không phải bởi chính bản thân của người đó.
Mất phương hướng, mất niềm tin, lo ngại tương lai
Là một giám đốc điều hành cấp cao của một ngân hàng lớn tại Bangladesh, anh Abir Hossain, 36 tuổi, bắt đầu không hài lòng với sự nghiệp của mình. Hossain cảm thấy công việc hiện tại quá nhàm chán, đơn điệu và muốn thay đổi con đường đang đi, nhưng sợ kết quả lại còn tồi tệ hơn. Đồng thời, anh cũng không thực sự chỉ ra được những gì bản thân đang tìm kiếm và quan tâm. Càng suy nghĩ về nó, anh càng bối rối và e ngại độ an toàn khi đưa ra những quyết định chuyển đổi công việc trong tương lai.
Nếu bạn là một trong những người đang đấu tranh để thay đổi nghề nghiệp, thì bạn cũng đang ở trong một cuộc khủng hoảng giữa sự nghiệp. Thay đổi môi trường làm việc khác không phải là giải pháp duy nhất. Điều quan trọng là phải xem xét kỹ tình hình, trước khi thực hiện bước "nhảy việc", bao gồm việc đưa ra quyết định đó có thực sự là giải pháp tốt nhất hay không.
Thay đổi công việc nên là phương án cuối cùng
Ông M Zulfiquar Hussain, giám đốc điều hành của Grow n Excel, một tổ chức tư vấn và quản lý nguồn nhân lực hàng đầu ở Bangladesh cho biết: "Sự chuyển đổi hướng đi giữa sự nghiệp thường khó hơn việc thay đổi nghề nghiệp ở vị trí một nhân viên đã làm lâu năm. Sau khi làm việc từ 10-12 năm, nhân viên thường đạt đến ở một mức độ mà họ cho là tài chính và mối quan hệ xã hội ổn định. Do đó, nó đòi hỏi sự đánh giá đúng đắn để tránh một quyết định sai lầm, điều này sẽ mang lại sự ổn định, hạnh phúc và thăng tiến trong sự nghiệp".
Thay đổi công việc nên là phương án cuối cùng để giải quyết khủng hoảng giữa sự nghiệp, trừ khi sự phát triển của tổ chức hay công ty bị chậm lại và bạn không thể làm tốt được công việc dù đã cố gắng hết sức. Cuộc khủng hoảng có thể diễn ra một lần nữa tại địa điểm mới trừ khi cá nhân thực sự có thể chứng minh khả năng của mình để tăng thêm giá trị cho công ty đó.
Giám đốc điều hành Grow n Excel nói: "Cuộc khủng hoảng giữa sự nghiệp có thể được ví như một tiếng chuông báo thức. Nó không có nghĩa là chúng ta cần phải thay đổi nghề nghiệp của mình ngay lập tức, mà có thể là một lựa chọn ở giai đoạn sau, nếu cần thiết". Vì vậy, ông đề xuất các bước sau để giải quyết cuộc khủng hoảng:
Nhìn nhận lại bản thân
Điều quan trọng là phải hiểu được điểm mạnh, điểm yếu, thích, không thích của bạn, cũng như xem xét sự nghiệp và vai trò hiện tại của mình. Sau khi tóm tắt những suy nghĩ, tốt hơn là tham khảo ý kiến một chuyên gia nghề nghiệp để xác định kế hoạch nghề nghiệp và cách đạt được chúng.
Đánh giá về tài chính
Mọi tính toán là rất quan trọng nếu bạn có ý định thay đổi quyết liệt. Chúng ta cần đưa ra quyết định mà không đặt gia đình vào các rủi ro tài chính. Do đó, điều quan trọng là phải đặt thời hạn thực tế cho hành động mong muốn dựa trên đánh giá tài chính.
Tham gia vào các hoạt động tích cực
Bạn cần phải tham gia vào các hoạt động khác ngoài công việc của mình, đặc biệt là các hoạt động tích cực giúp bạn cảm thấy tốt, tinh thần thoải mái, và luôn có năng lượng như tham gia một khóa học ngoại ngữ, tập gym, chơi thể thao... Cảm thấy tốt về bản thân mình là điểm khởi đầu cho suy nghĩ tích cực và luôn luôn giúp đỡ trong việc xử lý các tình huống khó khăn.
Định hướng và kiểm tra lại năng lực của bản thân
Trong trường hợp có khoảng cách về năng lực, bạn nên tìm thấy sự thay đổi trải qua trong quá trình tái định hướng và kỹ năng ở nơi bạn học tập và được đào tạo. Trong nền kinh tế tri thức này, hầu hết các kỹ năng có thời hạn sử dụng rất ngắn và chúng ta phải đảm bảo định hướng lại và trau dồi năng lực bất cứ khi nào cần thiết. Nó giúp tăng cường khả năng xử lý của bản thân trong tương lai.
Đặt mục tiêu nghề nghiệp mới
Cuối cùng, nếu bạn cảm thấy rằng mình không có "đất" để phát triển ở nơi hiện tại thì các mục tiêu nghề nghiệp mới cần phải được thiết lập và có thể được thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong con đường sự nghiệp. Tuổi tác không phải là một rào cản và rõ ràng, nó sẽ là khó khăn nhưng thành công sẽ đạt được với sự quyết tâm mạnh mẽ và niềm đam mê.
Các chuyên gia về nghề nghiệp cũng đề xuất các tổ chức, công ty nên đối phó với cuộc khủng hoảng giữa sự nghiệp với nâng tầm quan trọng cao hơn cho sự phát triển bền vững của nhân viên. Các nhà quản lý nên tập trung hơn vào việc tăng cường sức khỏe tâm thần và cập nhật năng lực của nhân viên, giới thiệu các dịch vụ huấn luyện và tư vấn nghề nghiệp cho nhân viên, cung cấp các chương trình cố vấn và mở rộng hoặc thiết kế lại mô tả công việc để tạo ra triển vọng mới cho sự phát triển chuyên nghiệp và sáng tạo cá nhân.
Trách nhiệm ngăn chặn khủng hoảng giữa sự nghiệp nằm ở cả người sử dụng lao động và nhân viên. Hãy coi khoảng thời gian đó là một chuyện tích cực, có thể xảy ra ở bất kì thời điểm nào, biết đâu bạn lại tìm được một cảm giác bình yên sau bao giông tố của cuộc khủng hoảng này.