Khủng hoảng giáo dục ở Mỹ khi một thế hệ nam sinh từ bỏ đại học: "Làm sao có thể bỏ mặc gia đình khó khăn để tiếp tục học lên cao?"

17/09/2021 08:23 AM | Xã hội

Tại Mỹ, số lượng nam giới vào đại học đã giảm so với nữ trong nhiều năm gần đây. Và đại dịch Covid-19 còn khiến tỉ lệ này mất cân bằng hơn một cách đột ngột.

Gánh nặng tài chính cản bước vào đại học của nam sinh Mỹ

Debrin Adon, học sinh năm cuối tại một trường trung học công lập ở Worcester, Massachusetts, Mỹ cho biết, khi em và các bạn nam cùng lớp nói về việc vào đại học, tất cả đều hướng đến một điều: "Nếu vào đại học, em sẽ phải trả rất nhiều tiền và gánh tất cả món nợ học phí này". Đó là một trong nhiều lý do khiến số lượng nam giới vào đại học đã giảm so với nữ trong nhiều năm gần đây. Và đại dịch Covid-19 còn khiến tỉ lệ này mất cân bằng hơn một cách đột ngột.

 Khủng hoảng giáo dục ở Mỹ khi một thế hệ nam sinh từ bỏ đại học: Làm sao có thể bỏ mặc gia đình khó khăn để tiếp tục học lên cao?  - Ảnh 1.

Debrin Adon

Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Sinh viên Quốc gia Clearinghouse, tỉ lệ sinh viên nam ghi danh đã giảm 7 lần so với sinh viên nữ.

Adrian Huerta, Phó giáo sư Giáo dục tại Đại học Nam California cho biết: "Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta đánh mất một thế hệ đàn ông tương lai vào tay Covid-19". Còn Luis Ponjuan, Phó giáo sư Quản lý Giáo dục tại Đại học Texas A&M phát biểu: "Đó là một cuộc khủng hoảng quốc gia".

Tuy nhiên, Adon nói rằng mình vẫn quyết định vào đại học. Bố mẹ của Adon vốn là những người Dominica nhập cư đến Mỹ, mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn cho con. Mẹ của Adon đang thất nghiệp, còn người bố thì mở một tiệm cắt tóc. Khoảnh khắc đứng trước ngôi trường gạch đỏ 135 năm tuổi, Adon đột ngột thay đổi ý định và quyết tâm vào đại học để theo đuổi ngành khoa học máy tính với mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo trung tâm nghiên cứu báo cáo, hiện nay nữ giới chiếm gần 60% tỉ lệ nhập vào vào đại học, cao đẳng trong khi nam giới chỉ chiếm hơn 40%, đảo ngược hoàn toàn so với tỉ lệ của 50 năm trước. "Đại dịch này làm nghiêm trọng hơn những điều đang xảy ra", Phó giáo sư Ponjuan cho biết.

Lynnel Reed, trưởng cố vấn dẫn dắt tại trường University Park Campus cho biết, có nhiều công việc cho các học sinh nam đến từ các trường trung học Worcester như ở cửa hàng thực phẩm, Amazon, FedEx và các công ty giao nhận khác. Gần 2/3 số sinh viên ở trường University Park được xem là gặp khó khăn về kinh tế. Trường cũng nằm trong khu lân cận với các nhà hàng thức ăn nhanh, cửa hàng rượu, bãi đậu xe và những ngôi nhà 3 tầng nơi có 3 gia đình sinh sống, mỗi tầng là một gia đình.

 Khủng hoảng giáo dục ở Mỹ khi một thế hệ nam sinh từ bỏ đại học: Làm sao có thể bỏ mặc gia đình khó khăn để tiếp tục học lên cao?  - Ảnh 2.

Lynnel Reed, trưởng cố vấn dẫn dắt tại trường University Park

"Làm sao bạn có thể rời bỏ gia đình đang gặp khó khăn để đi học đại học trong khi bạn biết rằng chỉ có thể đi làm ngay mới có thể đáp ứng được nhu cầu hàng ngày cho gia đình?", Reed cho biết.

Derrick Broom, nhà xã hội học tại Đại học Cincinnati cho biết điều này gây áp lực cho các nam sinh hơn nữ sinh. "Nó giống như người ta nhận thức rằng đàn ông thì phải tự bươn chải, độc lập", Derrick Broom cho biết. "Có một chút khác biệt ở các cô gái. Chúng tôi đang dạy họ về cách đầu tư để nhận được những khoản lương lớn hơn".

Điều này chỉ nghiêm trọng hơn bởi Covid-19. Adrian Huerta cho biết: "Thời điểm này lời giải thích hợp lý chính là: "Tôi phải tạm ngưng vì gia đình tôi cần số tiền này"". Và ngay cả khi các nam thanh niên quyết tâm học đại học muộn hơn bình thường thì những gì đã xảy ra cho thấy rằng "khả năng họ quay trở lại học để lấy bằng đại học có lẽ là rất thấp", Huerta phát biểu.

 Khủng hoảng giáo dục ở Mỹ khi một thế hệ nam sinh từ bỏ đại học: Làm sao có thể bỏ mặc gia đình khó khăn để tiếp tục học lên cao?  - Ảnh 3.

Trường University Park Campus

Loay hoay với cuộc sống mưu sinh

Mặc cho sự hấp dẫn của đồng lương đổi lại là những khoản nợ và vài năm "dùi mài kinh sử" để có được tấm bằng, thực tế cho thấy "nhiều nam thanh niên 17, 18 tuổi làm việc theo ca 12 tiếng, kết hôn, mua một chiếc xe tải, thế chấp tài sản và vào lúc 30 tuổi, cơ thể của họ đã kiệt quệ", Ponjuan cho biết. "Và giờ thì họ có một khoản thế chấp, 3 đứa trẻ để nuôi nấng và chiếc xe tải đó, không biết phải làm gì tiếp theo".

Không phải ai cũng đều phải học đại học. Ngành nghề tốt nghiệp nhanh và ít tốt kém, giáo dục kỹ thuật có thể mang đến những công việc có nhu cầu cao và lương tốt ở các nhóm ngành lao động tay nghề cao, tự động hóa hay các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, những sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân thường vẫn kiếm được nhiều tiền hơn những người có bằng cấp thấp hơn. Và đại dịch đã chỉ ra rằng những người có bằng cấp thấp dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Ở nước Mỹ, tỉ lệ thất nghiệp ở những người này tăng hơn gấp đôi vào mùa xuân so với tỉ lệ thất nghiệp ở những người có bằng cử nhân, Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco cho biết.

Tiếp nhận sự giúp đỡ để tự tin học lên cao

Pedro Hidalgo, một sinh viên khác tại University Park thừa nhận rằng anh chưa bao giờ có niềm tin rằng anh có thể học đại học. Sau đó, "các giáo viên trường trung học thực sự đã giúp tôi nhận ra rằng đôi khi tôi còn hơn cả những gì tôi nghĩ. Họ giúp tôi ngày càng tự tin hơn với khả năng của mình, không chỉ với tư cách là học sinh mà là một con người". Vậy là giờ đây, Hidalgo quyết tâm theo đuổi ngành tâm lý học để trở thành một nhà trị liệu lâm sàng.

 Khủng hoảng giáo dục ở Mỹ khi một thế hệ nam sinh từ bỏ đại học: Làm sao có thể bỏ mặc gia đình khó khăn để tiếp tục học lên cao?  - Ảnh 4.

Pedro Hidalgo

Anh nói rằng mình đã đưa ra quyết định này sau khi tham gia các khóa tuyển sinh kép do trường trung học của mình phối hợp với Đại học Clark mang đến. "Nó giúp các sinh viên dễ dàng chuyển tiếp lên đại học và xây dựng sự tự tin của họ", Kellie Becker – Trưởng ban cố vấn hướng dẫn tại trường trung học North phát biểu.

Đây đồng thời cũng là chương trình tuyển sinh kép khiến Abdulkadir Abdullahi quyết định trở thành sinh viên. "Tôi không nghĩ mình sẽ vào đại học. Tôi không nghĩ rằng nó có thể có ích trong thế giới thực", Abdullahi chia sẻ. "Tôi thà đi chơi với bạn của mình, thà lười biếng như thế".

Sau đó, chị gái của Abdullahi vào đại học và anh quyết định tham gia chương trình tuyển sinh kép. "Tôi tự nói với chính mình: "Ồ, mình thực sự có thể làm được điều này". Tôi luôn nghĩ học đại học là viết bài luận 20 trang mỗi tuần và phải thức đêm để hoàn thành", Abdullahi thổ lộ. Giờ thì anh dự định lấy bằng xã hội học.

Adon, Abdullahi và Hidalgo cho biết một số bạn học nam của họ vẫn còn e ngại. "Họ không nghĩ họ đủ thông minh. Họ không nghĩ họ có thể làm được, nghi ngờ bản thân mình bởi vì cuộc đời họ, những gì họ đã trải qua và được nhìn nhận", Adon phát biểu.

 Khủng hoảng giáo dục ở Mỹ khi một thế hệ nam sinh từ bỏ đại học: Làm sao có thể bỏ mặc gia đình khó khăn để tiếp tục học lên cao?  - Ảnh 5.

Abdulkadir Abdullahi

Hidalgo cho biết, trong những lớp tuyển sinh kép, lượng nữ sinh lại nhiều hơn nam và "điều đó thật đáng sợ". Abdullahi thì nói rằng: "Có nhiều điều khiến các nam thanh niên bị sao nhãng. Tôi nghĩ họ chỉ mất động lực thôi". Có một nghiên cứu từ các nhà nghiên cứu ở trường đại học Brown chỉ ra rằng, ngay từ cấp tiểu học, các bé trai dường như bị kiềm hãm nhiều hơn bé gái. "Nam sinh nhận ra rằng các giáo viên và cố vấn không tập trung vào họ như cách thầy cô đầu tư vào nữ sinh", Adrian Huerta chia sẻ. "Các giáo viên và nhà cố vấn nên quan tâm nhiều hơn đến việc bảo đảm các nam sinh làm được những điều cơ bản như ứng xử trong lớp".

Điều này đã diễn ra từ lâu khi tuyển sinh tại trường Đại học bang Worcester hiện tại có hơn 60% là sinh viên nữ. Ryan Forsyth, Phó Chủ tịch quản lý tuyển sinh của bang Worcester cho biết. Ông cũng cho rằng đại dịch đã khiến nhiều nam sinh trung học quyết định đi làm sau khi tốt nghiệp, "thay vì thấy giá trị của việc vào đại học để lấy bằng, thực sự đầu tư vào bản thân".

"Điều đó dường như sẽ không sớm thay đổi", Ponjuan chia sẻ. "Đại dịch này chỉ làm bật lên những sự thật chưa được nói ra rằng nó đang tạo ra các giải pháp ngắn hạn cho nam sinh chứ không phải cho họ cơ hội lâu dài. Về lâu dài, họ sẽ ngừng phát triển, không thể thăng tiến. Nó đã tạo ra một cảm giác an toàn sai lầm mà họ sẽ chỉ nhận được khi giao các gói hàng".

(Nguồn: hechingerreport)

Đại Lâm Mộc

Cùng chuyên mục
XEM