Khủng hoàng 1/4 cuộc đời: Có thể đau đớn, có thể khó chịu nhưng không ai tránh khỏi

17/04/2017 09:43 AM | Sống

Nếu đã không thể tránh khỏi, chúng ta chỉ có thể chuẩn bị tâm lý thật tốt, thay đổi cách sống và tự chọn con đường riêng của mình, rồi chờ đợi khủng hoảng đi qua.

Bạn đang ở tuổi từ 20-30? Bạn cảm thấy lạc lõng trong chính gia đình mình, mất dần các mối quan hệ cũ và thua kém so với bạn bè? Bạn hoang mang trong việc xác định tương lai, không biết nên sống theo chuẩn mực đã được gia đình, xã hội định sẵn hay sống theo mong muốn của bản thân mình?

Nếu những câu trả lời trên là có thì xin chúc mừng, bạn đã bước vào giai đoạn khủng hoảng 1/4 cuộc đời.

Trẻ, bất an và tuyệt vọng

Tuổi 20, bạn biết mình sẽ không bao giờ trở thành một ngôi sao ca nhạc. Tuổi 25, bạn biết mình cũng sẽ không trở thành một nha sĩ hay bất cứ loại chuyên gia nào. Tuổi 30, bóng tối ập đến, bạn tự hỏi liệu mình có bao giờ hài lòng nổi với cuộc sống không, chưa kể giàu có hay thành đạt”, nhà văn Douglas Coupland người Canada đã từng chia sẻ như vậy.

Lứa tuổi 20 là đại lộ của những giấc mơ tan vỡ. Người ta lần lượt nói lời tạm biệt với những ước vọng thời thơ ấu, thời niên thiếu và thời thanh xuân. Người ta đối mặt với những hoang mang không ngớt về cuộc đời và tương lai.

Báo Guardian dẫn một khảo sát được hiện bởi Gumtree.com cho thấy có khoảng 86% trong số 1.100 người trẻ ở Anh được khảo sát thừa nhận họ gặp áp lực buộc phải thành công trước khi bước vào tuổi 30. Hơn 40% lo lắng về tiền bạc và nghĩ rằng mình chưa có được mức lương mong muốn. Khoảng 32% lo về con cái và áp lực hôn nhân trước tuổi,

Tại Việt Nam, số liệu được công bố trên báo chí vào tháng 3/2017 cho thấy gần 30 triệu người tương đương 30% dân số mắc các chứng bệnh về tâm lý. Khoảng 1/3 số người ở độ tuổi 20 cảm thấy bức bối, mệt mỏi.

Thực ra khủng hoảng 1/4 cuộc đời không hẳn xảy ra ở một phần tư cuộc đời mà chúng xảy ra ở giai đoạn trưởng thành của bạn, giai đoạn 25 đến 35, xoay quanh tuổi 30.

Sau đây là 4 giai đoạn cụ thể của cuộc khủng hoảng này:

Giai đoạn 1: Bạn cảm thấy bị “bó buộc” với một công việc hay một mối quan hệ hoặc cả 2 điều trên.

Giai đoạn 2: Niềm tin vào thay đổi ngày một lớn dần. Giai đoạn này cho phép khám phá những cơ hội mới, liên quan nhiều tới đam mê, sở thích và cái tôi của bạn. Từ giai đoạn 1 để chuyển tiếp sang giai đoạn 2, bạn có thể xuống dốc khá nhanh. Một vài người được hỏi, miêu tả nó giống như việc bạn bị trói buộc vào một cái vòng luẩn quẩn nhưng họ cũng cho rằng khoảng thời gian khó khăn này sẽ trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực trong tương lai.

Giai đoạn 3: Xây dựng cuộc sống mới.

Giai đoạn 4: Củng cố những cam kết mới, phản ánh đam mê, cảm hứng và giá trị mới của từng cá nhân.

Không thể tránh khỏi, chỉ có thể tìm cách kiếm soát

Khủng hoảng 1/4 cuộc đời sẽ xảy đến với mỗi cá nhân khi bước vào lứa tuổi trưởng thành, và sẽ qua đi theo thời gian. Tuy nhiên bạn có cảm thấy “đã” hay không, có thấy cảm nhận trọn vẹn hay không thì lại tùy thuộc vào từng cá nhân.

Chìa khóa cho việc kiểm soát khủng hoảng 1/4 cuộc đời đó chính là bạn cần chủ động kiếm soát hướng đi của mình cũng như lối sống mà bạn lựa chọn.

Trước hết, hãy dành thời gian để hiểu rằng khủng hoảng 1/4 cuộc đời thực sự là giai đoạn cần thiết để bạn phát triển bản thân. Ở tuổi 20, bạn đứng trước khởi đầu mới của cuộc sống, bạn có năng lượng, có sự tự do và nhiệt huyết để khám phá cuộc sống, còn khủng hoảng chỉ là một dạng thử thách để bạn vượt qua và chứng minh năng lực của mình.

Thứ hai, đừng quá cố gắng thực hiện những kỳ vọng mà người xung quanh hay chính bố mẹ áp đặt lên bạn. Hãy tự lựa chọn cuộc sống cho chính mình. Thích làm nghệ thuật, hãy học và theo đuổi ca hát, hội họa. Thích đi du lịch , tự kiếm tiền rồi lên kế hoạch để đi. Không thích lấy chồng ở tuổi 25, vậy thì cứ tự do theo đuổi sở thích cá nhân hoặc tập trung vào sự nghiệp. Chỉ có sống cuộc sống của chính mình, bạn mới cảm thấy thật sự hạnh phúc, ngược lại sẽ tạo ra lối mòn trong tư duy và sự nhàm chán trong chính con người bạn.

Thư ba, đừng bao giờ so sánh bản thân với người khác vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Bạn sợ bạn bè hơn mình, bạn thấy bạn bè có những thứ mà bạn không có, nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng chính bạn cũng đang có những thứ mà bạn bè “thèm khát”? Nếu thật sự ngưỡng mộ hay muốn trở thành người như họ thì đừng ngồi đó than thân, trách phận, hãy chia sẻ thẳng thắn và xin lời khuyên từ bạn bè.

Thứ tư, tìm được phương pháp để giải tỏa tâm lý. Dù bạn có là người mạnh mẽ đến đâu thì cũng sẽ có lúc bạn buồn bã hay bị stress, vì vậy hãy đảm bảo sẽ có ai đó ở bên cạnh bạn những lúc như vậy, để lắng nghe tâm sự của bạn. Khóc lóc, kể lể sẽ giúp bạn lấy lại bình tĩnh cũng như thoải mái hơn, nhanh lấy lại cân bằng trong cuộc sống hơn.

Dù bạn có làm gì, thì hãy luôn nhớ rằng: Nơi đầu tiên và hiệu quả nhất để bắt đầu giải quyết áp lực và khủng hoảng đó chính là bản thân bạn. Thay đổi cách sống, trở thành người mà bạn thực sự mong muốn trong tương lai là cách thức hiệu quả để vượt qua khủng hoảng.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM