Không tìm thấy công việc trong lĩnh vực yêu thích, Shark Linh khuyên: "Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Đừng để thị trường việc làm khắc nghiệt khiến bạn nản lòng"

28/08/2019 17:36 PM | Sống

"Nếu bạn thấy bản thân đang rơi vào tình trạng này, hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Đừng để thị trường việc làm khắc nghiệt khiến bạn nản lòng. Thay vào đó, hãy cố suy nghĩ khác biệt và tích cực."

Tìm được công việc mình yêu thích, có thể làm hăng say, không để ý đến thời gian quả là khó khăn đối với hầu hết tất cả mọi người. Số người biết mình muốn làm gì có thể là nhờ vào may mắn, hoặc cũng có thể nhờ vào những trải nghiệm.

Shark Thái Vân Linh cùng với số năm kinh nghiệm làm việc của mình đã đưa ra không ít những lời khuyên cho những bạn trẻ đang còn loay hoay với sự nghiệp riêng. Ở thời điểm hiện nay, công việc không thiếu chỉ có điều công việc này hợp với bạn và bạn cảm thấy yêu thích mà thôi. Câu hỏi mà chị Linh đặt ra đầu bài viết là "Sẽ như thế nào nếu bạn không thể tìm thấy công việc trong lĩnh lực mà bạn yêu thích?".

Nhận được sự yêu mến, ngưỡng mộ của khán giả sau chương trình thực tế Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ, không ít lần Shark Linh cũng đứng ra là người gỡ rối những vấn đề "hóc búa" liên quan đến công việc, đời sống cho các bạn trẻ. Cụ thể nội dung chị chia sẻ lần này: 

Không tìm thấy công việc trong lĩnh vực yêu thích, Shark Linh khuyên: Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Đừng để thị trường việc làm khắc nghiệt khiến bạn nản lòng - Ảnh 1.

"Sẽ như thế nào nếu bạn không thể tìm thấy công việc trong lĩnh lực mà bạn yêu thích?

Nếu bạn thấy bản thân đang rơi vào tình trạng này, hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Đừng để thị trường việc làm khắc nghiệt khiến bạn nản lòng. Thay vào đó, hãy cố suy nghĩ khác biệt và tích cực. Chúng ta rất dễ nghĩ đến các công việc liên quan trực tiếp đến những gì chúng ta thích làm nhưng chúng ta cũng cần cân nhắc những việc có quan hệ gián tiếp để mở rộng các lựa chọn của bản thân.

Ví dụ, bạn thích phân tích những con số. Lĩnh vực hiển nhiên và trực tiếp mà bạn đang muốn làm là kế toán nhưng bạn không thể tìm thấy công việc trong lĩnh vực đó. Vậy bước kế tiếp là bạn cần xác định các công việc liên quan gián tiếp đến lĩnh vực này nhưng vẫn sẽ cho phép bạn phân tích những con số.

Có nhiều công việc đòi hỏi sự hiểu biết tốt về cách phân tích và xử lý số liệu. Cụ thể một số công việc tiềm năng như:

1) Chuyên viên phân tích Marketing: theo dõi chi phí quảng cáo, nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, khám phá các xu hướng và cơ hội của thị trường, xử lý và phân tích dữ liệu marketing.

2) Nhân viên quản lý đơn hàng ngành thời trang: chỉ đạo sản xuất và marketing, quản lý ngân sách, dự đoán doanh thu và lợi nhuận, quản lý mức độ và việc phân phối hàng tồn kho.

3) Chuyên viên phân tích kinh doanh ngành chăm sóc sức khỏe: đánh giá hoạt động tài chính và tìm cách để quản lý chi phí, tìm cách tối đa hóa hiệu quả hoạt động và lợi nhuận.

Mục tiêu cuối cùng là bạn luôn luôn học hỏi trong bất cứ công việc nào bạn làm. Và các chủ đề bạn học nên hướng sâu vào một kĩ năng chính, hoặc trải rộng ra vài loại kĩ năng. Do đó, có khả năng rằng công việc liên quan gián tiếp đến lĩnh vực bạn muốn có thể thật sự tốt hơn cho sự nghiệp của bạn bởi vì bạn cũng sẽ học hỏi và hiểu biết thêm về doanh nghiệp, về khách hàng và về ngành. Vậy nên hãy giữ tâm trí cởi mở khi tìm việc nhé!"

Không tìm thấy công việc trong lĩnh vực yêu thích, Shark Linh khuyên: Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Đừng để thị trường việc làm khắc nghiệt khiến bạn nản lòng - Ảnh 2.

Shark Linh cũng đã từng đưa một lời khuyên khá ấn tượng tới một bạn khán giả tên Q, sống ở thành phố Tam Kỳ trong một chương trình kết hợp với Vietcetera như sau: "Em hiện đang thất nghiệp, cũng chưa biết làm gì. Em cũng thích kinh doanh mà không biết bắt đầu như thế nào. Chị có thể tư vấn cho em không ạ?"

Shark Linh trả lời: "Với câu hỏi này, Linh thấy vấn đề là, bởi vì mình còn trẻ nên không biết mình thích cái gì, điều này là hoàn toàn bình thường. Mục tiêu là mình phải thử để biết xem mình thích cái gì.

Có hai phương án: một là liệt kê ra hết tất cả những gì mình thích và dùng những yếu tố đó để tìm một công việc phù hợp. Tuy nhiên, trong lúc còn trẻ, mình cũng không có quá nhiều kĩ năng, vậy nên để đạt được danh sách đó có thể là hơi khó.

Phương án thứ hai là mình nên tìm một công việc mà mức lương có thể chấp nhận được với môi trường làm việc phù hợp hoặc cảm thấy thú vị. Rồi sau đó, mình cứ tiếp tục làm việc và chấp nhận sẽ bỏ ra 2 năm.

Trong năm đầu, mình sẽ tập trung vào để học hỏi để tăng trưởng kĩ năng và làm bất cứ công việc gì mà họ muốn mình làm, cũng như bỏ ra rất nhiều thời gian để tập trung vào công việc. Và tới năm thứ hai, bởi vì đã tạo dựng được nền tảng nên những dự án mà mình nhận được sẽ thú vị hơn.

Trong lúc đó, mình có thể đánh giá xem có thích các dự án này hay không. Nếu sau 2 năm, bạn vẫn có cảm giác là mình không quá thích công việc này thì lúc đó có thể dùng những kĩ năng mình đã học được rồi lấy những kĩ năng đó đối chiếu với danh sách mình đã viết trong những năm trước.

Và sử dụng những yếu tố đó để tìm kiếm một công việc khác. Lúc đó mình có thể tăng trưởng, tăng trưởng nữa."

V.D

Cùng chuyên mục
XEM