Không tiết kiệm nổi vì phải chi gần nửa tiền lương cho thứ này, tiêu tiền xong nhiều khi còn phải khóc
Với những người lương chưa cao, tiền thuê nhà thực sự là một gánh nặng.
"Chỉ những người từng đi thuê nhà, bị chủ nhà quỵt tiền cọc, rồi bắt chuyển đi trong vòng 1 ngày, mới hiểu cảm giác mệt mỏi đến mức bật khóc. Xa bố mẹ, cố bám trụ lại ở thành phố nhưng 1 năm phải chuyển trọ 4 lần, không trách bố mẹ không giàu có, nhưng khi rơi vào tình cảnh ấy, thật lòng mình chỉ ước bố mẹ có nhà ở Hà Nội, chứ mệt mỏi quá rồi, giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ".
Trong cuộc tranh luận đang hot trên Threads mấy ngày vừa qua, có một bạn trẻ đã để lại comment như vậy. Khi những luồng ý kiến trái chiều quanh việc "nếu bố mẹ có sẵn nhà ở TP. HCM hoặc Hà Nội, bạn đã thắng trước 50% cuộc đua trên đường đời" vẫn còn chưa hạ nhiệt, có lẽ, những người đã từng rơi vào cảnh tuyệt vọng như chủ comment phía trên, mới cảm thấy đồng tình, thấm thía.
Vì suy cho cùng, không phải tự nhiên mà người ta lại bảo "an cư lạc nghiệp". Nơi ở không ổn định, còn tâm trí đâu mà cày cuốc, kiếm tiền?
Đi thuê nhà: May thì "chỉ tốn tiền", còn không, mất tiền rồi còn được thêm cái bực!
Thùy An (26 tuổi), sinh sống và làm việc ở Hà Nội đã được 7 năm, cho biết bản thân cũng đã trải qua không ít lần "đau thương" trong câu chuyện đi thuê nhà. Dù rất ngại chuyển trọ, rất muốn ở cố định 1 chỗ thật lâu, nhưng cuộc đời dường như không cho phép. Có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh mà Thùy An không thể lường trước, nên cũng không chủ động được.
"Trong 7 năm ở Hà Nội, mình chuyển trọ cũng tầm 11-12 lần rồi. Căn phòng mình đang thuê hiện tại là mình ở được lâu nhất, trộm vía cũng được hơn 1 năm. Chứ còn trước đây gần như chẳng ở đâu quá 1 năm, có năm còn chuyển trọ 2-3 lần.
Chẳng biết số mình sao nữa, rất hay gặp chủ nhà không có tâm, suốt ngày gây khó dễ, giăng camera tứ phía rồi soi để tìm lỗi phạt, tiền dịch vụ có tháng chỉ 300k mà tiền phạt lên tới gần triệu bạc, đi làm quên không tắt điện trong phòng cũng bị phạt 150k, mà rõ ràng là tiền điện mình đóng đủ chứ cũng chẳng khất bao giờ.
Rồi cả việc không hợp tính bạn cùng phòng cũng khiến mình rất mệt. Có khi chủ nhà chưa gây khó dễ, thì mấy đứa ở chung cũng không hợp tính nhau, nên lại tách ra, 1 đứa chuyển đi là toang cả phòng, người ở lại rồi cũng rục rịch tìm phòng khác.
Mình cũng rất muốn ở ghép 2-3 người cho tiết kiệm, nhưng thực sự, chỉ đến khi quyết định ở 1 mình, thì mình mới ở lâu được 1 chỗ" - Thùy An chia sẻ.
Hiện tại, 4,1 triệu đồng là tổng số tiền mà Thùy An chi ra mỗi tháng để thuê phòng trọ cũng như phí dịch vụ, điện nước.
Đồng cảnh ngộ với Thùy An là Hải Long (29 tuổi), hiện đang sinh sống và làm việc ở TP.HCM. Dù rất muốn tìm người ở cùng để đỡ tiền thuê nhà, nhưng cuối cùng, Hải Long vẫn đành rứt ruột chi 6,5 triệu đồng mỗi tháng - tương đương gần nửa tháng lương, để thuê nhà, ở 1 mình.
"Mình bị kỹ tính, nhà cửa bừa bộn là mình rất ghét, ở ghép với ai thì mình cũng là người đi dọn dẹp, mà khổ cái là mình dọn xong, bạn lại bày bừa ra. Chuyện nghe tưởng chẳng thấm vào đâu, nhưng đi làm cả ngày rất mệt mỏi, áp lực rồi, mà về nhà còn không thoải mái được nữa thì khổ vô cùng. Thế nên mình quyết định ở 1 mình, tốn tiền hơn nhưng tinh thần thoải mái thì mình ăn ít đi, chơi ít đi cũng được" - Hải Long chia sẻ.
Kinh qua đủ mọi "sóng gió" trong gần 10 năm đi thuê trọ ở thành phố, cả Hải Long và Thùy An đều đồng tình: Tốn tiền thuê nhà mà gặp được chủ nhà tốt, không gây khó dễ, không bôi ra việc để thu tiền thì là quá may mắn rồi; chứ không thì đã tốn tiền còn được thêm cái bực.
Giá thuê nhà ngày càng cao, cố "cày cuốc" lắm cũng chẳng dư mấy
Đều quá ám ảnh với việc phải chuyển trọ nhiều lần, khi thì vì bạn cùng phòng không hợp, khi thì vì chủ nhà không tốt, đến thời điểm hiện tại, cả Hải Long và Thùy An đều chấp nhận việc chi gần nửa tháng lương để có chỗ ở ổn định, dù như vậy đồng nghĩa với việc, bản thân sẽ không tiết kiệm được mấy.
"Đi tìm trọ ở thành phố là việc gì đó rất may rủi, hên thì tìm được căn giá ổn, chủ nhà tốt, xui thì như mình trước đây đấy, chưa kể mình là con gái, mỗi lần chuyển trọ là phải thuê người bê đồ, vận chuyển giúp, ngoài tiền nhà còn tốn thêm 1-1,5 triệu nữa. Thế nên khi tìm được chỗ ở phù hợp rồi, mình không muốn chuyển. Biết là không nên chi quá 30% thu nhập cho việc thuê nhà, nhưng hiện tại, mình đang chi tới 45% thu nhập cho việc này rồi. Thế nên cũng chẳng tiết kiệm được mấy, tháng nào mà không may ốm thì có khi còn âm cả tiền lương.
Nhiều khi cũng ước có bố mẹ ở gần, được ở nhà của bố mẹ để thoát cảnh đi thuê này, nhưng không được thì đành phải cố thôi" - Thùy An bộc bạch.
Còn với Hải Long, suy nghĩ về chuyện thuê nhà hay việc tiết kiệm tiền lại có phần áp lực hơn nhiều, mà theo như anh chia sẻ, thì đó là cả áp lực tự thân lẫn áp lực bên ngoài.
"Mình cũng gần 30 tuổi rồi, chưa có nhà và cũng hay bị hỏi những câu kiểu như "thế bao giờ lấy vợ?" hoặc "có tính mua nhà để lấy vợ không?". Thực sự cũng khá áp lực. Giá thuê nhà càng ngày càng thấy tăng, tiền thuê thì mình vẫn lo được, mỗi tháng cũng tiết kiệm được khoảng 5-6 triệu, nhưng so với giá BĐS bây giờ thì khoản tiết kiệm của mình chắc chưa mua nổi 1 cái nhà vệ sinh trong căn chung cư 2 ngủ" - Hải Long chia sẻ.
Cũng không ít lần, Hải Long nhen nhóm ý định chuyển trọ, tìm thuê 1 căn phòng rẻ hơn căn đang thuê, để giảm tiền thuê nhà, nhưng phòng rẻ thì rất ọp ẹp, nhìn qua đã chán, tiết kiệm được 1-2 triệu tiền thuê nhà mà chẳng tự nấu ăn được ở nhà vì phòng nhỏ, tối với cuối tuần cũng phải lết đi cà phê làm việc vì phòng bí bức, suy cho cùng, như vậy còn tốn kém hơn.
"Các bạn có nhà ở thành phố lớn, không phải đi thuê nhà và chưa từng xích mích với chủ nhà hay bạn trọ, có lẽ, khó mà hiểu được sự mệt mỏi của những người phải trải qua cảnh đó đâu" - Hải Long bộc bạch.