Không thể tập trung làm việc vì bận “canh” trả lời comment Facebook, Instagram: Thà “cai nghiện” thế giới ảo vài giờ còn hơn mất cả đời vật vã trong thất bại
"Thông báo mới" tạo ra sự chú tâm thức thời với ứng dụng của bạn. Chúng thường hiển thị thành con số, tô màu đỏ, và nổi bật trên màn hình chờ. Mục đích là khuyến khích người sử dụng phải liên tục tìm đến ứng dụng đó, tăng thời gian sử dụng, tăng nhu cầu tiêu thụ không ngừng nội dung từ nó. Và từ lúc nào đó, bạn trở thành nô lệ của nó.
01
Sáng sớm, khi tỉnh dậy và chuẩn bị buổi ngồi viết, tôi mở điện thoại và nhìn vào màn hình Notification – 64 thông báo mới, trên Whatsapp, Facebook, Twitter, Viber và Instagram.
Đọc, trả lời và có cảm xúc với 64 thông báo đó xong, tôi mất chừng 20 phút lơ mơ để quay lại trạng thái tập trung vào bài viết.
Sự xao nhãng có lẽ là căn bệnh nặng nề nhất tôi đang loay hoay, sau một thời gian dài làm việc trên các nền tảng mạng xã hội. Công việc mới đòi hỏi sự tập trung cao độ hơn trước.
"Thông báo mới" tạo ra sự chú tâm thức thời với ứng dụng của bạn. Chúng thường hiển thị thành con số, tô màu đỏ, và nổi bật trên màn hình chờ. Mục đích là khuyến khích người sử dụng phải liên tục tìm đến ứng dụng đó, tăng thời gian sử dụng, tăng nhu cầu tiêu thụ không ngừng nội dung từ nó.
Sau khi bạn mở ra, kiểm tra thông báo, một chút thỏa mãn được thêm vào trong cái bình tâm trí. Quen dần, việc kiểm tra thông báo trở thành cơn bức xúc như chờ đợi người yêu trả lời tin nhắn hay đợi kết quả cuộc thi. Nó thúc bách. Dằn vặt. Nó làm tâm trí tôi hướng về một thứ không cần thiết khi đang thực sự cần tập trung làm việc gì đó.
Có đủ loại app trên đời sản xuất thông báo mới: app tin nhắn, app mạng xã hội, app tin tức, app chơi game, app thể thao, app mua sắm…
Phải đổ đầy cái bình "thỏa mãn" cho các thông báo, người dùng sẽ mong chờ hơn, càng muốn có hơn, và thấy không đầy đủ khi không thể kiểm tra thông báo.
Tác hại của nó có thể là:
Ngăn cản bạn đi sâu vào sự tập trung: Để thực sự đi sâu vào tập trung, bạn cần làm một việc ít nhất 25 phút, theo quy trình Pomodoro. Nếu cứ 5 phút bạn phải check thông báo một lần, bạn không bao giờ tập trung đủ sâu để đào xới chủ đề cần xử lý. Tôi trải nghiệm việc này khi đang giải một bài toán, và cứ ngồi như vậy suốt một giờ, thỉnh thoảng phải kiểm tra tin nhắn, và mãi không giải xong nó. Khi tắt chuông điện thoại, tôi có thể hoàn thành bài giải tương tự trong thời gian ngắn hơn, và nhớ lâu hơn.
Làm bạn căng thẳng, khổ sở: Trông chờ – và không được thỏa mãn, sẽ khiến thêm cảm xúc tiêu cực cho bạn. Trông chờ bức ảnh mới được comment, nhưng không ai comment. Trông chờ người yêu bấm like bức ảnh, anh ấy mãi không làm. Trông chờ inbox của bạn thân, bạn chỉ "seen" không trả lời, ta cứ mở mãi màn hình tin nhắn ra đợi. Sự trông chờ mòn mỏi, ức chế, buồn, giận, hoặc thất vọng… kéo dài sẽ gây ra căng thẳng. Bạn khó có thể làm cuộc sống vui vẻ khi ở trạng thái này.
Trong một khảo sát về tác hại sức khỏe của các mạng xã hội, trong đó Instagram gây ảnh hưởng nặng nề nhất vì mạng xã hội hình ảnh này tập trung vào hình thể, vẻ ngoài bản thân, và người dùng sẽ cảm thấy mất dần tự tin nếu không thể "bằng chị bằng em" hoặc không được tán dương.
Tiêu thụ cuộc đời bạn: Để kiểm tra sự hao tốn thời gian của mình, có một ngày tôi kiểm tra thời gian mình check notification. Trước khi làm việc này, tôi đã có hai tháng giảm thời gian dùng mạng xã hội, và chỉ kiểm tra các mạng xã hội tôi dùng 2 lần/ngày.
Tuy nhiên, mớ notification là kích thích gây tốn thời gian khủng khiếp hơn ta tưởng. Tôi mất 50 phút buổi sáng để đọc hết: tin nhắn riêng trong Whatsapp, Viber, iMessage, Facebook Messenger; đọc các tựa bài báo trong mảng tin tức, và đọc hết notification trong mạng xã hội (dù không tương tác).
Cứ mỗi lần mở notification ra, tôi lại mất thêm 15 – 30 phút. Và việc này kéo dài đến tận 23 giờ tối. Hôm ấy, tôi mất khoảng hơn 2 giờ cho tất cả thông báo. Chưa kể, việc kiểm tra thông báo này xen giữa các giờ làm việc vào lúc không mong muốn nhất. Chúng làm công việc gián đoạn, không đi xa được.
Khi viết bài này, tôi đã thử rất nhiều cách để loại bỏ việc tốn thời gian kiểm tra thông báo trên điện thoại, mà vẫn có thể đảm bảo được công việc, vì nhiều khách hàng của tôi chỉ trao đổi qua Facebook hoặc Whatsapp.
02
Những cách sau đây là kinh nghiệm của tôi:
Xóa bỏ hoàn toàn các app mạng xã hội trong điện thoại: Tôi xóa bỏ Facebook, Twitter, Instagram. Hành động này ngăn cản cơn đói kiểm tra thông báo và chơi mạng xã hội – khiến bản thân tôi gặp khó khăn khi muốn thỏa mãn chúng. Khi cần kíp liên hệ, làm việc, tôi mở máy tính ra (việc này mất công hơn, và vì vậy nó giảm thời gian tôi tiêu phí).
Tắt toàn bộ thông báo tin nhắn trên Whatsapp, Viber, iMessage, Facebook Messenger: Tôi thực hiện tắt toàn bộ âm thanh thông báo, để không gây kích thích mất tập trung khi đang giải quyết bài vở trong khung giờ làm việc. Một bạn tôi quen dùng cách sẽ mở lại thông báo sau khung giờ làm việc.
Tuy nhiên, tôi không xài cách này, vì nhận thấy nếu để tâm trí vẫn bị kích thích như cũ, tôi sẽ có xu hướng mong chờ âm thanh này, ngay cả trong khung giờ làm việc. Vì vậy tôi tắt hẳn toàn bộ. Tôi cũng tắt notification hiển thị trên màn hình chờ của điện thoại, và cả chế độ rung khi có thông báo. Vì tất cả đều có tính năng kích thích tương tự nhau.
Tuy nhiên, tôi để lại notification hiển thị thành con số trên đầu các app. Nó cho tôi báo hiệu vừa đủ, nhưng không kích thích tôi phải cắt ngang công việc để xem.
Tôi xóa Facebook Messenger khỏi điện thoại: thay vào đó sử dụng một ứng dụng từ bên thứ ba, vì nó khiến việc duyệt tin nhắn bị chậm lại, ko tối ưu, bị ngăn cản… và khiến tôi dần nản lòng kiểm tra tin nhắn suốt ngày. Tuy nhiên, ứng dụng từ bên thứ ba này lại có ưu điểm là tôi vẫn có thể kiểm tra và trả lời các câu hỏi từ khách hàng. Và nếu có việc gì quan trọng hơn cần giải quyết, tôi xài máy tính.
Tôi quy định thời gian kiểm tra thông báo:
Tôi để điện thoại xa khỏi giường ngủ của mình và chỉ kiểm tra tin nhắn sau khi đã hoàn thành phần viết bài số 1 vào buổi sáng. Tôi thường viết khoảng 45 phút, sau đó đứng dậy đi bộ một chút và kiểm tra thông báo. Một chút này là 15 phút.
Tôi kiểm tra tin nhắn lần thứ hai vào lúc 11h30 sáng – khi phần lớn nếu có việc gì xảy ra thì khách hàng sẽ nhắn trong khung giờ này, và tôi sẽ không trả lời quá trễ. Nhưng quy định này sẽ ngăn cản tôi xao nhãng trong khung giờ làm việc tốt nhất buổi sáng.
Lần thứ ba kiểm tra thông báo là khoảng 2h30 trưa, và 2 lần nữa vào trước khi ăn tối và trước khi ngủ. Ba lần này ngắn hơn vì thường không có gì nhiều, khoảng 7 -10 phút mỗi lần.
Nếu bạn định quy định thời gian, hãy căn cứ vào thói quen nhận thông tin từ khách hàng/ sếp/ phòng ban thư giờ giấc họ hay gửi, khung giờ bạn cần giải quyết... rồi tự đặt quy định. Khung giờ trên tôi lập ra vì thói quen làm việc của mình, và nó có thể không đúng nếu quy trình công việc của bạn khác hẳn.
Đây có lẽ là một trong vài nỗ lực siêu nhỏ tôi thực hiện mà lại có được lợi ích rất nhiều trong vài tháng qua. Tôi có đủ sức để tập trung làm việc theo khung giờ cần thiết, không bị xao nhãng, và có thể đi sâu một chút vào vấn đề mình đang xử lý.
Việc ngừng kiểm tra thức thời và tắt hẳn chuông thông báo cũng khiến tôi thấy nhẹ nhõm hơn, không bị đuổi theo hay cảm giác muốn trả lời bạn bè ngay.
Quan trọng hơn, tôi muốn giành thời gian để chuyện trò, lắng nghe, đi ra ngoài trời, ngắm nhìn thiên nhiên, chơi thể thao hơn là ngồi kiểm tra một thông báo mà sau đó bực mình cả ngày vì đó chỉ là một cái comment ngu ngốc nào đó không vừa ý mình.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, trích dẫn từ blog khaidon.com)