Không phải thuế quan, đâu là “vũ khí” thương mại đáng sợ hơn của ông Trump?

25/05/2019 09:38 AM | Xã hội

Sau thuế quan, ông Trump đã triển khai một “vũ khí” mạnh hơn trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc...

Cho tới gần đây, cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc mới chỉ sử dụng một "vũ khí" chính là áp thuế quan lên hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, ông Trump hiện đã triển khai một "vũ khí" mạnh hơn, chính là hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Chính quyền ông Trump đã tìm cách cắt đứt sự tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ quan trọng bằng cách áp hạn chế lên việc các công ty Mỹ cung cấp linh kiện cho công ty Trung Quốc Huawei. Washington cũng được cho là đang cân nhắc đưa thêm ít nhất 5 công ty công nghệ giám sát bằng camera của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt.

Kiểm soát xuất khẩu thành "vũ khí"

Động thái trên là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Chính phủ Mỹ về mở rộng và tăng cường chế độ kiểm soát xuất khẩu mà trong nhiều thập kỷ qua đã giữ vai trò hạn chế việc cung cấp các công nghệ liên quan đến quốc phòng của Mỹ cho các quốc gia là kẻ thù và đối thủ chiến lược của nước này.

Việc ông Trump dùng đến "vũ khí" này làm dấy lên nỗi sợ rằng nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trở thành một cuộc xung đột công nghệ to lớn hơn với Trung Quốc, thì Mỹ rốt cục có thể tự làm hại tương lai kinh tế của chính mình.

Từ năm ngoái, trong những cuộc thảo luận kín, chính quyền ông Trump đã bàn với các doanh nghiệp và hiệp hội ngành về việc cập nhật và định nghĩa lại các sản phẩm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ. Quy trình này dự kiến sẽ hoàn tất sau vài tuần nữa.

Phái "diều hâu" trong chính quyền ông Trump muốn mở rộng định nghĩa nhằm áp hạn chế xuất khẩu đối với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), người máy (robot) và in 3D. Đây là những công nghệ mà các nhân vật theo đường lối cứng rắn trong Chính phủ Mỹ xem là có ý nghĩa sống còn đối với năng lực cạnh tranh của nước Mỹ.

Ngoài ra, quy định mới cũng có thể hạn chế khả năng của các công ty Mỹ trong việc thuê kỹ sư và nhà khoa học là người nước ngoài làm việc trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng, bởi tri thức mà các kỹ sư và nhà khoa học thu thập được trong quá trình làm việc cho doanh nghiệp Mỹ cũng bị xem là một cách xuất khẩu công nghệ nhạy cảm.

Chủ trương trên phù hợp với quan điểm của chính quyền ông Trump rằng an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia. Cho đến nay, Chính phủ Mỹ đã sử dụng quan điểm này để làm lý do cho việc áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu, cũng như đe dọa áp thuế quan lên xe hơi và phụ tùng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã sử dụng các công cụ kinh tế như sàng lọc kỹ hơn về an ninh quốc gia đối với các vụ đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, hay sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính để theo đuổi những mục tiêu chính sách khác như bảo vệ chuỗi cung ứng của Lầu Năm Góc và cô lập các quốc gia đối đầu với Washington như Iran và Venezuela.

Hôm thứ Năm, ông Trump miêu tả Huawei là "rất nguy hiểm", cho dù ông nói vấn đề Huawei có thể được giải quyết trong khuôn khổ một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. Và trong một động thái có thể mở rộng cuộc chiến thương mại của ông Trump, chính quyền ông đề xuất áp thuế quan lên các quốc gia bị cho là phá giá đồng tiền.

Thế tiến thoái lưỡng nan

Đối với nhiều doanh nghiệp Mỹ, hạn chế xuất khẩu là biện pháp đáng sợ hơn thuế quan. Những công ty như General Electric (GE), Google và Microsoft lo ngại rằng biện pháp hạn chế xuất khẩu sẽ khiến họ không thể cạnh tranh được ở những thị trường tốt và làm suy giảm năng lực sáng tạo của Mỹ.

Trong một lá thư gửi Bộ Thương mại Mỹ, Microsoft đã cảnh báo rằng việc áp hạn chế xuất khẩu có nguy cơ cô lập Mỹ khỏi hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu vốn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nhiều công nghệ. Microsoft cũng nói nếu được triển khai một cách sai lầm, các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới "có thể đe dọa lợi ích của Mỹ".

"Trí tuệ nhân tạo là một khái niệm rất rộng", GE cảnh báo trong lá thư của hãng này. Theo GE, việc sử dụng định nghĩa quá rộng trong hạn chế xuất khẩu có thể gây trở ngại cho những công nghệ như chẩn đoán hình ảnh trong y khoa, nơi thuật toán được dùng để chẩn bệnh, hay AI trong đồ chơi như gấu bông biết nói.

Theo giới thạo tin, trong cuộc tranh luận về kiểm soát xuất khẩu đang diễn ra trong chính quyền ông Trump, phái "diều hâu" đang có chiều hướng thắng thế. Và đây chính là điều mà các doanh nghiệp Mỹ lo sợ.

Ông Bill Reinsch, người chịu trách nhiệm về hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Mỹ thời Tổng thống Bill Clinton, nói rằng việc tìm ra đúng điểm cân bằng giữa bảo vệ an ninh quốc gia và không cản trở sáng tạo là một việc khó.

"Kiểm soát xuất khẩu sao cho đúng luôn là việc khó. Quản lý quá lỏng lẻo thì công nghệ quan trọng sẽ rơi vào tay đối thủ. Mà quản lý quá chặt thì các công ty của chúng ta sẽ không thể phát triển và sáng tạo", ông Reinsch nói.

Theo ông Reinsch, việc trừng phạt Huawei cho thấy sức mạnh của chế độ kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, nhưng cũng cho thấy thế tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh. Các biện pháp đối với Huawei hiện đã ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu và hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp Mỹ của công ty Trung Quốc này, như Qualcomm, và đó có thể mới chỉ là sự bắt đầu.

Trong một báo cáo công bố mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Công nghệ thông tin và sáng tạo (ITIF) cảnh báo rằng việc siết kiểm soát xuất khẩu công nghệ có thể khiến Mỹ mất 56 tỷ doanh thu xuất khẩu và 74.000 việc làm trong vòng 5 năm.

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM