Không phải thâm hụt thương mại, thứ công nghệ trị giá 12.000 tỷ USD mới là thứ châm ngòi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Không phải ngẫu nhiên mà các công ty di động và viễn thông lớn của Trung Quốc như Huawei, ZTE, China Mobile trở thành mục tiêu tấn công của ông Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Cuối tuần trước, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước sang 1 giai đoạn mới sau nhiều tháng hai bên đe dọa sẽ đánh thuế hàng chục tỷ USD hàng hóa nhập khẩu.
Nằm trong danh mục bị đánh thuế, các sản phẩm từ đậu tương đến ô tô đã được nhắc đến khá nhiều. Tuy nhiên, theo CNBC, thực ra thì một trong những động lực chính khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khởi động cuộc chiến thương mại lại là 1 công nghệ chủ chốt: 5G – công nghệ mạng di động mới nhất có thể cho phép người dùng tải xuống các bộ phim có dung lượng lớn chỉ trong vài giây.
Tuy nhiên không chỉ cho phép mạng di động tốc độ cao, công nghệ 5G còn mang đến nhiều điều hơn thế. 5G được cho là công nghệ sẽ hỗ trợ hệ thống cơ sở hạ tầng thế hệ tiếp theo, bao gồm từ hàng tỷ thiết bị kết nối internet theo dự kiến sẽ được kết nối với nhau trong vài năm tới đến các thành phố thông minh và xe không người lái.
Công nghệ 5G có ý nghĩa quan trọng đối với cam kết "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Tổng thống Donald Trump cũng như tham vọng dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030 của Trung Quốc .
Mấu chốt ở đây là gì?
Công nghệ mạng di động yêu cầu phải có các chuẩn được thống nhất trên toàn cầu để các công ty sản xuất thiết bị viễn thông cũng như các nhà mạng có thể triển khai công nghệ trên toàn thế giới. Tháng 12 năm ngoái, tổ chức 3GGP đã chính thức thông qua tiêu chuẩn kỹ thuật đầu tiên của mạng 5G, bước đầu hiện thực hóa công nghệ tốc độ cao này vào trong cuộc sống.
Tuy nhiên, hiện nay cuộc đua thực sự nằm ở cuộc cạnh tranh chiếm lấy ngôi vị dẫn đầu công nghệ 5G giữa các tập đoàn thiết bị viễn thông như ZTE, Huawei (của Trung Quốc) và các công ty châu Âu như Nokia và Ericsson. Các nhà sản xuất chip của Mỹ như Qualcomm và Intel cùng các nhà mạng cũng tham gia.
Theo Declan Ganley, CEO của công ty viễn thông Rivada Networks, đó chính là 1 phần của chiến tranh thương mại. "Đó là cuộc đua ai sẽ định hình và kiểm soát mạng 5G. 5G chính là "đại dương xanh sâu thẳm" của thế giới mạng. Công nghệ này có ý nghĩa lớn về mặt chiến lược, đóng vai trò quan trọng hơn cả các tuyến vận tải đường biển hay kiểm soát vùng trời", Ganley nói với CNBC.
Báo cáo của IHS Markit nhận định đến năm 2035 công nghệ 5G có thể tạo ra 12.300 tỷ USD cho GDP toàn cầu.
Mỹ cần phải lật ngược thế cờ
Ganley nhận định mô hình phân phối sóng cho các nhà mạng di động hiện thời đang tỏ ra không hiệu quả. Hiện nay, các công ty viễn thông ở Mỹ sẽ đấu thầu quang phổ (spectrum) thông qua quy trình đấu giá do Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) tổ chức. Trong mô hình này, các doanh nghiệp phải cạnh tranh rất gay gắt để có được khách hàng nhưng mặt trái là lợi nhuận bị ảnh hưởng và do đó không thể đầu tư cho sáng tạo.
Còn ở các nước khác, quá trình đấu giá do các cơ quan quản lý kiểm soát và thường dẫn đến kết quả là những công ty lớn có tiềm lực tài chính dồi dào sẽ trúng thầu. Mô hình này đặc biệt phù hợp với cấu trúc của kinh tế Trung Quốc, nơi chỉ có 2 đến 3 doanh nghiệp nhà nước lớn nhận được sự hậu thuẫn cực mạnh từ Chính phủ. Sau đó họ lại có thể tiếp tục đầu tư cho sáng tạo. Lợi thế này cho phép họ vươn lên dẫn trước các công ty viễn thông Mỹ trong cuộc đua 5G.
Trong khi nhiều công ty viễn thông ở châu Âu và Mỹ có thể chết dần thì các doanh nghiệp Trung Quốc lại càng được bổ sung thêm sức mạnh. Đó cũng chính là lý do tại sao Ganley và Rivada Networks ủng hộ áp dụng mô hình bán buôn quang phổ giống như trên thị trường điện năng, cho phép nhiều bên tham gia đấu giá và đi theo một cơ chế định giá linh hoạt hơn. Theo ông làm như vậy thì Mỹ có thể vượt qua Trung Quốc trong công nghệ 5G.
Điều thú vị là nội các của ông Trump đã phát đi tín hiệu ủng hộ chính sách như vậy. Trong 1 sự kiện gần đây, Kelsey Guyselman, cố vấn về chính sách khoa học và công nghệ cho Nhà Trắng, phát biểu rằng Chính phủ nhận thức mô hình bán buôn sẽ là cách để triển khai thế hệ mạng di động mới nhất.
Theo Ganely, cuộc đua 5G đang chuyển biến rất nhanh và Mỹ phải nhanh chóng áp dụng mô hình mới nếu không muốn thua cuộc trước Trung Quốc.
Trung Quốc đang làm gì?
Kể cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng đã nhận ra mối đe dọa từ Trung Quốc trên mặt trận công nghệ. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson mới đây phát biểu: "Trung Quốc sắp chiến thắng chứ không phải Mỹ. Họ đã có 5G. Họ đã tìm ra cách", tờ The Guardian tường thuật.
Không chỉ bỏ xa Mỹ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn đang tìm cách tác động đến các nước khác trên phương diện công nghệ 5G. Huawei đang ráo riết vận động hành lang ở Úc và cũng hợp tác với 1 công ty ở Bồ Đào Nha để triển khai mạng lưới 5G tại đây.
Theo Joe Madden, CEO của công ty nghiên cứu Mobile Experts, các công ty Trung Quốc đang bắt đầu tăng cường sản xuất các linh kiện chủ chốt với các nhà cung ứng của họ. "Chúng tôi nghe được từ ít nhất 10 nhà cung cấp khác nhau rằng Trung Quốc có thể sớm triển khai mạng 5G vào đầu năm 2019 chứ không phải tháng 7/2019 như đã công bố trước đó".
Không có gì đáng ngạc nhiên khi theo số liệu WIPO thì số đơn xin cấp bằng sáng chế mà các doanh nghiệp Trung Quốc nộp lên đã tăng 13,4% trong 1 năm qua, so với mức tăng chỉ đạt 0,1% của các doanh nghiệp Mỹ. Trong đó Huawei và ZTE nộp nhiều đơn nhất.
Ai sẽ chiến thắng?
Bối cảnh đã trình bày ở trên giải thích rõ ràng tại sao các công ty di động và viễn thông lớn của Trung Quốc trở thành mục tiêu tấn công của ông Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. ZTE đã bị cấm mua các sản phẩm làm ra bởi các công ty Mỹ và tuần trước China Mobile cũng bị tước quyền cung cấp dịch vụ cho thị trường Mỹ với lý do an ninh quốc gia. Hồi đầu năm, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo người Mỹ không nên mua điện thoại Huawei vì có thể bị theo dõi.
Viễn thông và 5G trở thành mối ưu tiên hàng đầu của Nhà Trắng về an ninh quốc gia.
Theo CNBC, Trung Quốc đã tỏ rõ tham vọng và cuộc chiến thương mại – mặc dù theo ông Trump là để tạo ra 1 hệ thống thương mại công bằng hơn – có thể là nỗ lực kéo dài thời gian của nước Mỹ nhằm tìm ra cách vượt lên trước trong cuộc đua 5G.