Tác động của Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Chưa thể nói nhiều hơn ngoài hai từ này
Phân tích về khả năng được lợi, tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hay nguy cơ hàng hoá Trung Quốc tràn sang Việt Nam có vẻ vẫn còn quá sớm. Do vậy, bước đầu, giới phân tích tỏ ra thận trọng và chỉ bình luận "khó lường".
Sau nhiều tháng đe doạ, Mỹ đã chính thức áp dụng mức thuế quan bổ sung đối với hàng hoá Trung Quốc - trị giá lên đến 34 tỷ USD – vào ngày 6/7 vừa qua. Không chỉ vậy, 16 tỷ USD hàng hoá khác có thể sẽ bị đánh thuế vào 2 tuần tiếp theo; thậm chí, theo Tổng thống Trump, tổng số hàng hoá mà Trung Quốc có thể bị đánh thuế có khả năng lên đến 550 tỷ USD.
Động thái này đã phần nào hiện thực hoá lời hứa của ông Trump với cử tri nước Mỹ đã ủng hộ ông, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 đang đến gần. Dù vậy, kinh tế thế giới – mới bước vào giai đoạn phục hồi - lại có nguy cơ suy giảm do khả năng trả đũa và leo thang của hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam cũng khó đứng ngoài những tác động này.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia được hỏi tỏ ra khá thận trọng khi bình luận về những rủi ro mà Việt Nam sẽ gặp phải trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định với Trí Thức Trẻ rằng căng thẳng và động thái thương mại của Mỹ và Trung Quốc hiện còn ở giai đoạn đầu, bó hẹp vào một số mặt hàng cụ thể. Ở hiện trạng này, trong ngắn hạn, tác động trực tiếp đến Việt Nam là chưa nhiều. Rủi ro chủ yếu nằm ở những tác động gián tiếp.
Ví dụ như dòng vốn của các nhà đầu tư. Thị trường tài chính thế giới và trong nước ít nhiều có sự nhạy cảm trước những động thái của hai ông lớn là Mỹ và Trung Quốc. Sự phản ứng nhanh chóng có phần thái quá của nhà đầu tư khiến các quyết định đầu tư bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dù thị trường chứng khoán có biến động mạnh và khó lường hơn, nhưng chưa ghi nhận hiện tượng dòng tiền USD "đảo chiều" ra bên ngoài.
Ông Dương nhấn mạnh vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng và đánh giá các nguy cơ, động thái thương mại của Mỹ và Trung Quốc. "Ít nhất là 1 tuần nữa", vị này nói.
Ông Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế, Giám đốc nghiên cứu công ty nghiên cứu thị trường VietAnalytics cũng có ý kiến tương đồng. Vị chuyên gia này dùng cụm từ "bất ổn" để nói về thị trường thương mại hiện tại nhưng ông cũng bày tỏ "không biết diễn biến sẽ đi đến đâu" bởi cả hai ông lớn trong cuộc chơi này đều là những kẻ khó lường.
Do vậy, những nhận định tác động đến Việt Nam ở chiều tiêu cực lẫn tích cực theo ông Minh là chưa thể đưa ra. Dù vậy, ở mặt tổng thể, khi môi trường đầu tư có nhiều biến động, các hoạt động kinh doanh, đầu tư sẽ trở nên cẩn trọng hơn.
Ông Minh cũng cho rằng những nguy cơ hàng hoá Trung Quốc tràn vào Việt Nam là "rất mông lung" vì nó phụ thuộc vào diễn biến của xung đột và những động thái mới của Mỹ và Trung Quốc. Còn ông Dương thì nói rằng hàng hoá trong đợt đánh thuế này mang tính chất đặc thù, chủ yếu là hàng hoá công nghệ cao nên việc tuồn hàng sang Việt Nam để lách thuế là chưa có cơ sở.
Cuộc chiến có thực sự "lên đỉnh" với tổng mức hàng hoá đánh thuế lên đến 550 tỷ USD như tuyên bố của ông Trump là điều thực sự khó đoán.
Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng khả năng này rất khó xảy ra, do Mỹ và Trung Quốc vẫn còn để ngỏ khả năng đàm phán song phương. Hơn nữa, ông Nguyễn Anh Dương cho biết quy trình áp thuế bổ sung của Mỹ là không dễ dàng. Ví dụ, với những mặt hàng bị chính thức áp thêm thuế 25 điểm phần trăm hôm 6/7 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã phải đưa ra dự thảo từ hồi tháng 4 năm nay. Sau đó, đến ngày 15/6 mới công bố chính thức và chỉ đến ngày 6/7 mới có hiệu lực cụ thể.
"Quy trình chặt chẽ này khác hẳn với Trung Quốc", ông Dương nói. Do vậy, khả năng áp thuế trả đũa trên diện rộng – thậm chí ở mức 550 tỷ USD giá trị hàng hoá từ Trung Quốc - là không hề dễ dàng. Mặt khác, cuộc chơi cũng hoàn toàn có thể thay đổi tuỳ thuộc vào phản ứng của Trung Quốc.
Bởi như phân tích của tác giả Christopher Balding trên tờ Bloomberg, căng thẳng giữa hai cường quốc này, bản chất là bắt nguồn từ sự khác biệt giữa hệ giá trị kinh tế. Hiện tại, thương mại chỉ là một phần của tảng băng chìm, đang được chính quyền Trump đưa ra. Và tranh chấp thương mại thì thường dễ dàng đạt được thoả thuận hơn là những xung đột về giá trị kinh tế, đặc biệt, là khi cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận ra họ đang đi trên con đường nguy hiểm.