Không phải Mỹ, quốc gia mà Jack Ma muốn định cư này mới đang thực sự đau đầu vì nhập cư
Kinh tế tăng trưởng tốt, chính trị an ninh xã hội đều ổn định đang khiến New Zealand bị quá tải trước làn sóng nhập cư của giới nhà giàu cũng như lao động trình độ cao.
New Zealand là một quốc gia tươi đẹp với hơn 4,7 triệu người và diện tích hơn 268 nghìn km2. Với sự phát triển khá tốt về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc gia này đã liên tiếp góp mặt trong top các nước đáng sống nhất trên thế giới. New Zealand cũng luôn được các tổ chức đánh giá cao về nền dân chủ, chống tham nhũng, hòa bình cũng như sự hài lòng về cuộc sống của người dân.
Thậm chí, do vị trí địa lý cách biệt với nhiều châu lục, New Zealand đã trở thành điểm đến lý tưởng cho giới thượng lưu khi tình hình chính trị bất ổn.
Tổng GDP của nước này vào khoảng 250 tỷ đô la New Zealand (180 tỷ USD) và nền kinh tế tập trung chủ yếu vào nông nghiệp cũng như du lịch. Vào năm 2016, New Zealand đã từng vượt qua Singapore để trở thành nơi kinh doanh dễ dàng nhất thế giới.
Khảo sát của ngân hàng HSBC cũng cho thấy quốc gia này đứng thứ 2 tại khu vực Đông-Nam châu Á trong bảng xếp hạng những nơi đáng sống nhất cho người nước ngoài.
Số dân nhập cư không visa (R1) và có visa (L1) đến New Zealand. Số tiền đầu tư nước ngoài vào nước này (triệu đô la new Zealand)
New Zealand cũng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong số các nước phát triển vài năm qua với mức bình quân 3%.
Trong năm 2016, giá nhà đất tại New Zealand đã tăng 12,7% trong khi giá bất động sản tại các thành phố lớn của nước này đã tăng 100% kể từ năm 2007.
Vào tháng 4/2016, CEO Jack Ma của tập đoàn Alibaba đã nói với Thủ tướng New Zealand lúc đó là ông John Key rằng ông muốn mua nhà tại đây khi có ít nhất 40 đồng nghiệp, người quen của vị tỷ phú này đã quyết định nghỉ hưu tại đất nước xinh đẹp trên.
Thủ tướng Key cho rằng New Zealand là một phiên bản thứ 2 của nước Anh về chất lượng sống nhưng lại không hề có sự thù địch hay ganh ghét nào về sắc tộc cũng như đẳng cấp thượng lưu hay hạ lưu trong xã hội.
Trong suốt 17 năm qua, quốc gia này chỉ thay đổi nhà lãnh đạo có 2 lần, còn các vụ khủng bố thì hầu như đã tuyệt tích cách đây cả một thế hệ. Lần cuối cùng New Zealand hứng chịu khủng bố là vụ một điệp viên người Pháp đánh bom tại cảng Auckland vào năm 1985.
Nắm bắt được xu thế này, chính phủ New Zealand cũng nhận ra cơ hội này và đang cố gắng thu hút nhiều hơn nữa giới nhà giàu từ khắp nơi trên thế giới. Những tỷ phú đầu tư khoảng 10 triệu đô la New Zealand trong vòng 3 năm và đã sống tại nước này ít nhất 44 ngày trong vòng 2 năm gần nhất có thể trở thành công dân.
Giới nhà giàu không cần thiết phải nói được tiếng Anh hay phải trình diện tại New Zealand sau khi đã được nhập quốc tịch. Họ cũng có thể chọn đóng thuế thu nhập tại một nước khác mà không cần phải theo luật của New Zealand.
Tuy nhiên, mọi chuyện có lẽ đã bắt đầu vượt tầm kiểm soát khi quá nhiều người nước ngoài đổ về New Zealand, khiến hệ thống cơ sở hạ tầng và xã hội của nước này bị quá tải và ảnh hưởng.
Họ cứ đến và chẳng chịu đi
Từ đầu năm đến nay, một làn sóng nhập cư ồ ạt của người nước ngoài đang khiến chính phủ New Zealand phải đau đầu. Lượng dân tăng mạnh khiến số nhà ở cung không đủ cầu, những cơ sở hạ tầng cơ bản như trường học hay bệnh viện vốn nổi tiếng chất lượng của nước này chịu áp lực rất lớn do quá tải.
Thậm chí, nền chính trị của New Zealand cũng đang bị ảnh hưởng khi tiếng nói phản đối chính sách nhập cư thông thoáng ngày càng cao trong người dân.
Lãnh đạo đảng Lao động đối lập, ông Andrew Little nhận định chính phủ cần ngừng chính sách nhập cư hiện nay và xem xét lại khi có đến 50% số người nhập cư muốn sống ở trung tâm kinh tế Auckland, gây quá tải cho thành phố này.
Tính đến tháng 3 năm nay, lượng người nhập cư vào New Zealand đã phá vỡ dự đoán trước đó của cụ thống kê khi tăng trưởng nhanh hơn mà không hề chậm lại, đạt mức kỷ lục 129.518 người. Điều trớ trêu là lượng người rời khỏi nước này để định cư nước ngoài hiện cũng xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 30 năm qua, xuống dưới 60.000 người, qua đó khiến tỷ lệ nhập cư ròng vào New Zealand đạt 71.932 người.
Với lợi thế ổn định chính trị, kinh tế an ninh xã hội đều tốt, ngân hàng ASB Bank nhận định tốc độ tăng trưởng người nhập cư vào New Zealand sẽ còn khá mạnh trong thời gian tới. Ước tính dân số của nước này sẽ đạt 5 triệu người vào năm 2019.
Bất chấp việc các đảng chính trị quyết đưa vấn đề nhập cư vào cuộc bầu cử tháng 9 tới, chính phủ New Zealand vẫn cho rằng lượng lao động nước ngoài đang đóng góp lớn cho các ngành kinh tế chính và thúc đẩy tăng trưởng khi quốc gia này thiếu nhân lực. Dẫu vậy, New Zealand mới đây cũng đã bắt đầu thắt chặt các quy định về visa để hạn chế lao động trình độ thấp nhằm ổn định chất lượng cuộc sống của người dân.
Số liệu của Cục thống kê New Zealand cho thấy lao động nhập cư vào nước này đã tăng 13% tính đến tháng 3/2017, lên 43.725 người. Trong khi đó, số người nhập cư thành công dân, thường là những nhà đầu tư hay doanh nhân giàu có cũng tăng 14%.
Australia là quốc gia có nhiều người nhập cư vào New Zealand nhất với 25.557 người nhưng 2/3 trong số đó là người gốc New Zealand trở về quê hương. Điều này cũng không có gì lạ khi khoảng cách 2 nước khá gần.
Tiếp theo đó là Anh khi số người nhập cư từ nước này tăng 12% lên 14.999 người. Trung Quốc xếp sau đó với 5,4% lên 12.358 người.
Về số công dân xuất cảnh, báo cáo của chính phủ cho thấy hiện tượng người New Zealand ra nước ngoài tìm kiếm công việc và cuộc sống tốt hơn đã giảm mạnh kể từ năm 2012 trong khi ngày càng nhiều người trở về nước để lao động trong các công ty khai thác và xây dựng.
Trong 1 năm tính đến tháng 3/2017, số công dân xuất cảnh chỉ nhỉnh hơn nhập cảnh 1.341 người, mức thấp nhất kể từ năm 1984.
Số liệu của NZ Herald cho thấy tính đến tháng 3/2017, tăng trưởng của New Zealand đạt 2,4% nhưng tăng trưởng GDP bình quân đầu người chỉ đạt 0,1%. Mức tăng trưởng người nhập cư bình quân mỗi công dân tại New Zealand hiện nay cao gấp 3 lần so với Anh.
Ngành du lịch kêu cứu
Năm 2016, số liệu chính thức cho thấy khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch đã đến New Zealand, cao hơn rất nhiều so với con số dự đoán 480.000 lượt trước đó. Số lượng khách du lịch vào nước này năm 2016 đã tăng mạnh 12% và dự đoán sẽ đạt 4,5 triệu người vào năm 2022, gần tương đương mức dân số 4,7 triệu người của quốc gia này hiện nay.
Báo cáo của chính phủ cho biết dù đã xây thêm khoảng 5.200 phòng nhưng New Zealand vẫn thiếu hơn 4.500 phòng cho ngành du lịch vào năm 2025.
Hầu hết các khách sạn của New Zealand đều kín 80-90% và tại những thành phố lớn thì đều hết phòng. Trong khi đó, hệ thống dọn vệ sinh, bãi đỗ xe của nước này đang chịu quá tải khi các khách du lịch đổ về đây tham quan.
Lượng khách du lịch đến New Zealand tăng đột biến so với dự đoán (triệu người)
Ví dụ như khu Tongario Alpine Crossing miền Bắc New Zealand chỉ được thiết kế cho vài trăm du khách mỗi ngày hiện đang phải đón hàng nghìn người đổ về.
Tình trạng quá tải này đang khiến các cơ quan lo ngại hình ảnh du lịch nổi tiếng của New Zealand cũng như môi trường xanh của quốc gia bị ảnh hưởng. Hàng năm, ngành du lịch đem về khoảng 14,5 tỷ Dollar New Zealand (NZ) hay 10 tỷ USD cho đất nước, tương đương 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia địa phương cho biết chính phủ cần đầu tư thêm khoảng 1,4 tỷ NZ cho cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch ngày một cao. Dẫu vậy, chính phủ nước này chỉ chấp thuận 17,5 triệu NZ cho các cơ sở hạ tầng du lịch.
“Bởi quốc gia chúng tôi có nhiều lợi thế nên rất nhiều người đổ về đây và chẳng chịu đi, trong khi các công dân New Zealand thì không muốn ra nước ngoài tìm việc nữa. Hậu quả là chúng tôi gặp phải thử thách nhằm duy trì sự tăng trưởng cũng như đảm bảo tiêu chuẩn sống cho mọi người dân”, Thủ tướng New Zealand hiện tại, ông Bill English nói.