Không phải Hillary Clinton, chính truyền thông Mỹ mới là "kẻ thù" thực sự của Donald Trump
Trong lịch sử nước Mỹ, chưa có vị ứng cử viên tổng thống nào chịu nhiều chỉ trích từ giới truyền thông như Donald Trump. Tờ Daily News gọi ông với những “mỹ danh” như kẻ lừa đảo, đạo đức giả, tên ăn trộm... trong khi những tờ báo lớn khác lại quay sang chế giễu ông, hoặc xoáy vào những vụ bê bối của vị tỷ phú này.
Hầu như tất cả những hãng tin lớn như CNN hay NBC tại Mỹ đều dự đoán rằng ông Trump không thể chiến thắng, nước Mỹ sẽ thành thảm họa nếu Trump đắc cử. Thậm chí cả Tổng thống Barack Obama cũng ủng hộ đối thủ Hillary Clinton và cho rằng ông Trump không xứng đáng để làm ông chủ Nhà Trắng.
Tuy nhiên, cuộc tranh cử năm 2016 này trông có vẻ như là cuộc chiến giữa ông Trump với giới truyền thông hơn là với bà Clinton. Cường độ chỉ trích của truyền thống cho ông Trump vượt xa so với những gì mà đội ngũ tranh cử của bà Clinton có thể làm.
Vậy tại sao vẫn có cử tri bầu cho ông Trump và truyền thông đóng vai trò gì trong bầu cử Mỹ?
Người Mỹ đã ngấy tin lá cải
Sự phát triển của giới truyền thông Mỹ đã khiến giúp người dân cũng như chính phủ nắm bắt được các thông tin một cách nhanh nhạy, đồng thời cải biến cách tiếp nhận tin tức của dân chúng.
Dẫu vậy, sự bùng nổ của mạng xã hội và công nghệ cũng như áp lực doanh số, người xem đang ngày càng biến giới truyền thông Mỹ trở nên lá cải.
Theo khảo sát của hãng Gallup, không có gì đáng ngạc nhiên khi chỉ có 32% số người dân Mỹ thực sự tin tưởng vào những gì giới truyền thông nước này công bố. nếu xét trong số những đảng viên Đảng Cộng hòa, chỉ có 14% tin tưởng giới truyền thông là công bằng khi đưa tin.
Khảo sát của Gallup cũng cho thấy tỷ lệ tin tưởng của người dân Mỹ vào truyền thông đã xuống mức thấp nhất trong 44 năm qua và đặc biệt giảm mạnh 8 điểm phần trăm chỉ trong 1 năm trở lại đây. Điều này cho thấy cách đưa tin của giới báo chí Mỹ đang ngày một thiên vị và lá cải.
Nguyên nhân chính khiến người dân Mỹ dần mất niềm tin vào truyền thông là do báo chí ngày này thay vì đưa tin lại đang cố gắng thuyết phục một quan điểm nào đó mà tổng biên tập hay các chủ tờ báo cho là đúng.
Việc tỷ lệ tin tưởng giới truyền thông cực thấp trong Đảng Cộng hòa cho thấy rõ điều đó khi nhiều nghị sĩ cho rằng những tin tức đăng tải ngày nay về ông Trump không thực sự chính xác, dù nhiều thành viên của Đảng cũng chẳng ưa gì vị tỷ phú này.
Trái ngược lại, tỷ lệ tin tưởng truyền thống trong đảng Dân chủ lại ở mức cao 51% bởi đương nhiên họ biết ơn cánh báo chí đã lăng xê bà Clinton cũng như che lấp nhiều khuyết điểm của vị cựu ngoại trưởng này.
Gần đây, một clip cho thấy bà Clinton không khỏe và phải nhờ vệ sĩ dìu vào trong xe đã được lan truyền trong giới truyền thông, qua đó làm dấy lên vấn đề sức khỏe của các ứng cử viên tổng thống. Tuy nhiên, cánh báo chí nhanh chóng chuyển qua công kích vấn đề sức khỏe của ông Trump và chỉ sau 1 tuần, họ tìm được chủ đề mới về vụ bê bối nghi ngờ giấy khai sinh Tổng thống Obama của tỷ phú Trump.
Rõ ràng, một vấn đề lớn như sức khỏe tổng thống tương lai của Mỹ lại bị làm lu mờ đi để thay vào đó là cuộc tranh luận về những phát ngôn gây sốc hay những thông tin giật gân thu hút người xem.
Dường như, giới truyền thông đang cố gắng tìm những thông tin lá cải để thu hút người xem hơn là tập trung vào những vấn đề cốt lõi của tranh cử. Hiện chưa rõ đây là hành động vô tình hay cố ý, nhưng rõ ràng một người nóng tính như Trump đang trở thành miếng mồi ngon cho các tờ báo chỉ trích.
Trong khi đó, những vấn đề cụ thể của nền kinh tế Mỹ, như lao động, việc làm, lãi suất, an sinh xã hội... lại chỉ được nói sơ qua và hầu như không có hãng tin nào truy vấn cụ thể đường lối của 2 ứng cử viên nếu được làm tổng thống.
Đến hiện tại, cử tri vẫn chỉ biết rằng ông Trump và bà Clinton sẽ đại khái làm gì mà không hiểu cụ thể họ sẽ đạt được mục tiêu đó ra sao.
Truyền thông, vũ khí tối thượng của bầu cử Mỹ
Sức mạnh truyền thông xã hội ngày nay đã vượt ra khỏi giới hạn truyền đạt thông tin đến khán giả. Với vị thế hiện tại, giới truyền thông Mỹ thậm chí đang có sức mạnh hơn bao giờ hết trong kỳ tranh cử năm nay.
Đặc biệt, với sự xuất hiện của các mạng xã hội, các ứng cử viên Mỹ không thể không tham chiến truyền thông như mảng báo chí truyền thống. Họ sẽ bị kéo vào các cuộc tranh luận mà việc im lặng đồng nghĩa với thua cuộc.
Tuy nhiên, chỉ với một dòng cảm xúc sai lầm trên các mạng xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến uy tín của người tranh cử nên các trang mạng ngày nay trở thành nơi khẩu chiến, khai thác trung tâm các vụ bê bối.
Nói cách khác, giờ đây các ứng cử viên cạnh tranh nhau trên truyền thông để thu hút thêm phiếu bầu và tất nhiên, những cương lĩnh, số liệu hay các vấn đề chính của nền kinh tế Mỹ bị sao lãng. Điều này tương tự như một cuộc thi tìm giọng hát giỏi qua phiếu bầu của khán giả mà không quan tâm mấy đến thực lực thực sự của thí sinh.
Theo tờ Government Technology, hầu hết các chính trị gia Mỹ ngày nay đều dùng mạng xã hội và đầu tư khác nhiều cho chúng, tương tự như những người nổi tiếng khác.
Đây là điều dễ hiểu khi ngày nay Facebook có 1,6 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng còn Twitter có 385 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, một con số đáng kể các cử tri.
Khảo sát của Viện Pew cho thấy khoảng 2/3 số cử tri trong độ tuổi 18-29 ghi nhận được thông tin mới hữu ích về chính trị qua mạng xã hội và bình quân 44% số cử tri Mỹ học được gì đó qua các trang mạng này.
Vì vậy, không có gì khó hiểu khi các ững cử viên dùng công cụ truyền thông hay mạng xã hội để công kích lẫn nhau và thu hút cử tri về phía mình. Theo ước tính của Social Flow, bà Hillary Clinton đã chi khoảng 100 triệu USD cho các mạng xã hội.
Có lẽ, đã đến lúc ông Trump chi nhiều tiền hơn cho truyền thông để lấy lại vị thế tranh cử của mình thay vì tiếp tục bị các tờ báo xoi mói như hiện nay.