Trump vs. Clinton: Tương lai nước Mỹ chẳng thấy nói, toàn chăm chăm công kích cá nhân, tranh cử chẳng khác gì Showbiz

26/10/2016 08:12 AM | Xã hội

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đang ngày một nóng lên khi ngày bỏ phiếu chính thức 8/11 đang đến gần. Tuy nhiên, có một sự thực đáng buồn cười đang diễn ra mà hầu như không có cử tri nào thắc mắc.

Tổ chức Tax Foundation ước tính sự chênh lệch trong nguồn thu ngân sách quốc gia giữa 2 kế hoạch kinh tế của ứng cử viên Donald Trump và bà Hillary Clinton là khoảng 6 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới, tương đương tổng GDP của toàn Nhật Bản. Dẫu vậy, tất cả những cuộc tranh luận thời gian qua chỉ nhắm vào các vụ bê bối của 2 ứng cử viên thay vì nói đến những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế.

Nói cách khác, cho dù ai chiến thắng, vị tổng thống mới của nước Mỹ cũng chưa hề diễn giải hay có cuộc tranh luận thực sự nào về việc ông hay bà ấy cụ thể sẽ làm gì để giải cứu nền kinh tế.

Cuộc tranh cử kỳ quặc nhất trong lịch sử

Một tuần trước đây, những cuộc tranh luận của 2 ứng cử viên Mỹ được mọi người coi là khá kỳ quặc khi tập trung quá nhiều vào việc ông Trump trốn thuế, phát ngôn tục tĩu với phụ nữ hay việc bà Clinton gặp bê bối với email riêng thay vì nói về những gì họ sẽ thực sự làm nếu đắc cử. Đây đều không phải là những vấn đề mà nước Mỹ cần quan tâm hiện nay.

Những người dẫn chương trình đã phải rất vất vả để hướng cuộc tranh luận vào các vấn đề chính của nước Mỹ, nhưng dường như 2 ứng cử viên thích cãi nhau “chợ búa” kiểu Mỹ hơn.

Với giới truyền thông và cử tri, việc này chỉ làm tăng tính cạnh tranh và thu hút của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, vấn đề sẽ khác nếu 1 trong 2 thắng cử và bắt đầu chương trình nghị sự vào năm 2017 bởi cho tới hiện nay chiến lược và định hướng của cả bà Clinton lẫn ông Trump đều chưa thực sự rõ ràng.

Về phía bà Clinton, dự thảo về chính sách của cựu bộ trưởng ngoại giao Mỹ này chỉ gói gọn trong hơn 40 trang giấy theo như những gì trang web tranh cử của bà đăng tải. Thậm chí rất nhiều chính sách trong số đó đã tồn tại hàng tháng trời mà không hề được cập nhật hay bổ sung chi tiết.

Mặc dù bà Clinton có lối diễn thuyết mang tính thực tế với các con số và cụ thể hơn so với ông Trump, nhưng nhiều cử tri vẫn hoài nghi về các điểm trọng yếu trong bản kế hoạch của vị ứng cử viên này.

Bà Clinton đã từng ủng hộ hiệp định TPP và dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL Pipeline tại Mỹ, nhưng giờ đây ứng cử viên này lại phản đối những điều mình từng ủng hộ. Trong khi đó, bản kế hoạch giải quyết tình trạng nợ nần của các học sinh cũng như học phí ngày một cao tại Mỹ cũng đang bị bỏ ngỏ. Nhiều chuyên gia nhận định vấn đề này chỉ được đưa ra cho có nhằm đối phó với ứng cử viên Bernie Sanders và bị bỏ dở để tập trung cho chiến dịch đấu lại ông Trump.

Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông Trump thậm chí không thèm cụ thể hóa bàn kế hoạch của mình và cũng không có ý định làm điều đó. Tất cả những gì ông Trump quan tâm đến là khí chất và những lời cam kết cải tổ toàn bộ, giúp đỡ tầng lớp lao động nghèo đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng nhập cư và các hiệp định thương mại.

Mới đây, ông Trump đã có bài phát biểu khác với các lần trước khi đề cập cụ thể hơn mình sẽ làm gì nếu trở thành tổng thống với những chính sách cụ thể hơn. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cảm thấy ngạc nhiên là vị ứng cử viên này phải đợi đến tận tháng 10/2016 mới dám đưa ra các kế hoạch cụ thể.

Thậm chí, trong bài phát biểu trên, ông Trump bắt đầu bằng việc “thề” sẽ kiện bà Clinton ngay sau khi cuộc tranh cử kết thúc về tội vu khống ông coi thường phụ nữ. Rõ ràng, trọng tâm của bài phát biểu trên vẫn không phải về những vấn đề mà nước Mỹ cần quan tâm mà liên quan nhiều hơn đến “phong cách”, “phong thái” hay những thứ đại loại như vậy.

Có lẽ ông Trump và bà Clinton không hoàn toàn có lỗi khi giới truyền thông can thiệp quá nhiều vào cuộc bầu cử năm nay với mục tiêu thu hút người xem, tạo nhiều bê bối hơn là tập trung vào những vấn đề cốt lõi. Dẫu vậy, bộ máy tranh cử của cả 2 cũng hùa theo đó để làm tăng số phiếu bầu mà không quan tâm mấy họ sẽ làm gì nếu thắng cử.

Một nước Mỹ “lộn xộn”

Tính tới thời điểm hiện tại, bà Clinton đang dẫn trước ông Trump sau khi một số bang bỏ phiếu sớm và nếu kết quả này được duy trì, Nhà trắng có lẽ sẽ thuộc về đảng Dân chủ của bà Clinton.

Tuy nhiên, Hạ viện Mỹ lại đang bị kiểm soát bởi đảng Cộng hòa trong khi Thượng viện lại đang bị tranh chấp bởi cả 2 đảng mà không ai nắm quyền áp đảo.

Nói cách khác, một vị tổng thống mới không có chiến lược cụ thể sẽ lãnh đạo nước Mỹ với sự chia rẽ đảng phái trong nghị viện, một tương lai không hề tươi sáng chút nào.

Nếu ông Trump thắng cử, đảng Dân chủ sẽ không ủng hộ vị tổng thống mới trong khi đảng Cộng hòa cũng chẳng ưa gì ông Trump. Nếu bà Clinton thắng cử, những chính sách của bà sẽ gặp khó tại Hạ viện nơi Đảng Cộng hòa nằm quyền trong khi Thượng viện sẽ là cuộc chiến giữa 2 đảng.


Có khoảng 10 ghế của đảng Dân chủ và 24 ghế của đảng Cộng hòa tại Thượng viện sẽ phải bầu lại trong năm 2016.

Có khoảng 10 ghế của đảng Dân chủ và 24 ghế của đảng Cộng hòa tại Thượng viện sẽ phải bầu lại trong năm 2016.

Khảo sát của hãng tin Wall Street Journal cho thấy tỷ lệ bỏ phiếu trái chiều của cử tri Mỹ, nghĩa là bầu ứng cử viên 1 đảng vào vị trí tổng thống như bỏ phiếu chọ nghị sỹ đảng khác vào Thượng viện, đã giảm mạnh từ mức 52% năm 1988 xuống chỉ còn 19% năm 2012.

Điều này đồng nghĩa cử tri Mỹ trong những năm gần đây thường bỏ phiếu bầu tổng thống và ủng hộ luôn cho những nghị sỹ cùng đảng vào Thượng viện.

Tuy nhiên, các cuộc khảo sát năm nay cho ra kết quả hoàn toàn trái ngược khi hàng triệu cử tri ủng hộ bà Clinton của đảng Dân chủ làm tổng thống lại sẽ bỏ phiếu cho các nghị sĩ của đảng Cộng hòa trong Thượng viện.

Có lẽ, nước Mỹ sắp bắt đầu một thời kỳ mới, khi mà giới lãnh đạo bị chia rẽ bởi đảng phái cũng như những bất đồng về quan điểm, trong khi tổng thống không có một quan điểm nhất quán nào để ổn định được tình hình.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM