Không phải hạt nhân, đây mới là "vũ khí bí mật" của Triều Tiên

16/09/2017 10:39 AM | Kinh tế vĩ mô

Mặc dù Triều Tiên vẫn là một nước nghèo nhưng GDP của họ đã tăng khoảng 3,9% năm 2016 lên mức 28,5 tỷ USD, mức nhanh nhất trong 17 năm qua.

Mới đây, tình hình thế giới liên tục trở nên căng thẳng sau khi Triều Tiên thử nghiệm 2 đợt phóng thử tên lửa qua vùng trời Nhật Bản, khiến nhiều nước lo ngại về một cuộc xung đột toàn diện trong khu vực. Hơn nữa, việc Triều Tiên tiến hành thử vũ khí hạt nhân cũng khiến Liên hiệp quốc gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế lên nước này.

Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg cho rằng những lệnh trừng phạt mới này không có nhiều tác dụng khi Triều Tiên vẫn chịu đựng được các biện pháp này qua nhiều năm. Ngoài ra, những cải cách trong nền kinh tế đang khiến Triều Tiên có nhiều tiến bộ hơn mọi người nghĩ, qua đó làm xói mòn tác dụng của các lệnh cấm vận.


Các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên qua các thời kỳ nhà lãnh đạo

Các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên qua các thời kỳ nhà lãnh đạo

Cuộc cải cách về kinh tế

Những lệnh cấm vận hiện nay của Liên hiệp quốc và nhiều nước với Triều Tiên đều dựa trên giả định nền kinh tế nước này vẫn vận hành theo mô hình phi thị trường, nhưng thực tế không còn đúng như vậy.

Mặc dù Triều Tiên vẫn là một nước nghèo nhưng GDP của họ đã tăng khoảng 3,9% năm 2016 lên mức 28,5 tỷ USD, mức nhanh nhất trong 17 năm qua. Mức tiền lương của người lao động được gia tăng trong khi GDP bình quân đầu người đã tương đương với Rwanda, một nền kinh tế được coi là thành công ở Châu Phi.

Theo hãng tin Bloomberg, GDP bình quân đầu người tại Triều Tiên năm 2016 đạt 1.300 USD, tương đương 4,5% so với Hàn Quốc.

Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng này phải kể đến việc gia tăng thương mại với Trung Quốc bất chấp những lệnh cấm vận mới hay các quy định siết chặt của chính quyền Bắc Kinh. Mặc dù Trung Quốc đã cam kết sẽ cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên nhưng nhập khẩu quặng sắt lại tăng mạnh và tổng kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã tăng 10,5% trong nửa đầu năm nay lên 2,55 tỷ USD. Nhập khẩu từ Trung Quốc vào Triều Tiên trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã tăng 29,1%.

Ngoài ra, việc Triều Tiên có những cải cách đáng kể trong nền kinh tế từ năm 2011 đã đem lại nhiều kết quả, các nhà máy tại đây đã được phép trả lương cho công nhân, tự tìm được nguồn cung cũng như được quyền tự do tuyển dụng hay sa thải nhân công thay vì kiểu quản lý bao cấp nhà nước như trước đây.


Tăng trưởng GDP của Triều Tiên đã vượt Hàn Quốc

Tăng trưởng GDP của Triều Tiên đã vượt Hàn Quốc

Hệ thống nông nghiệp cũng được cải thiện khi các hộ nông dân được trao quyền tự do hơn trong việc thu hoạch với hệ thống quản lý chung, qua đó nâng cao hiệu suất. Thậm chí chính quyền Bình Nhưỡng còn được cho là đang xem xét mở một số công ty tư nhân trong một số ngành nhất định.

Nhờ những cải cách mạnh tay về kinh tế trên mà nền kinh tế Triều Tiên có những thay đổi bất ngờ. Hàng loạt hàng quán, vốn là một điều hiếm có trước đây, đã mọc lên ở Bình Nhưỡng. Những siêu thị, cửa hàng thời trang hay những sản phẩm được coi là xa xỉ ở Triều Tiên như xe BMW cũng dần xuất hiện tại Bình Nhưỡng.

Thậm chí, những sản phẩm mang đặc trưng của văn hóa Phương Tây như Coca Cola cũng đã xuất hiện tại các quầy siêu thị cùng những tấm biển quảng cáo, cho thấy sự chuyển mình trong cơ cấu kinh tế của Triều Tiên.

Theo tờ JapanTimes, cuộc cải cách kinh tế tại Triều Tiên hiện nay được ví như cuộc cải tổ đầu thập niên 1980 của Cố Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, qua đó tạo tiền đề đưa cường quốc Châu Á này thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới như hiện nay.

Trong khi đó, tờ New York Times cho biết sự cạnh tranh kinh doanh đã bắt đầu nổi lên ở Triều Tiên, một nền kinh tế nổi tiếng đóng cửa và bao cấp trước đây. Từ các dịch vụ môi giới du lịch, xe taxi cho đến nhà hàng tại Triều Tiên hiện nay cũng đã xuất hiện các chương trình giảm giá, quảng cáo nhằm cạnh tranh lẫn nhau.


Các cửa hàng bán hóa tại Triều Tiên

Các cửa hàng bán hóa tại Triều Tiên

Vũ khí bí mật

Rõ ràng, mặc dù chính quyền Bình Nhưỡng vẫn kiên quyết đi theo đường lối chính trị cũ nhưng nền kinh tế tư nhân của nước này lại đang đóng góp tới 1 nửa GDP cho quốc gia.

Nghiên cứu của chuyên gia Cha Moon Seok thuộc Viện IUE- Hàn Quốc cho thấy mỗi ngày chính quyền Bình Nhưỡng có thể thu tới 222.000 USD tiền thuế từ các thị trường kinh doanh tự do trong nước.

Tất nhiên, Triều Tiên vẫn là một nước ngoài với tỷ lệ đói ăn không nhỏ, nhưng sự cải thiện về nông nghiệp cũng như phòng chống thiên tai, cải cách kinh tế cũng đã đủ để tạo tăng trưởng và nâng cao được mức sống cho người dân hiện nay. Theo các chuyên gia đánh giá, mức tăng trưởng GDP ấn tượng của năm 2016 một phần còn nhờ vào nạn hạn hán của năm 2015 khiến kết quả kinh tế khá tệ.

Đối với nhiều người dân Triều Tiên, việc đời sống nâng cao hiển nhiên là một điều tốt dù đất nước còn nhiều khó khăn. Việc kinh tế đất nước bị trì trệ trong nhiều năm khiến Triều Tiên còn rất nhiều tiềm năng phát triển trước khi cần phải mở rộng thương mại với quốc tế.

Nói cách khác, nguồn lực trong nước cũng như thị trường nội địa ở Triều Tiên hiện đã đủ cho nước này nâng cao đời sống người dân trước khi phải gia tăng thêm giao dịch với nước ngoài.


Thủ đô Bình Nhưỡng

Thủ đô Bình Nhưỡng

Tờ New York Times nhận định nhà lãnh đạo Kim Jong Un dường như đang cố gắng phát triển sức mạnh kinh tế của đất nước thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Mặc dù đến 80% các mặt hàng hiện nay được bán ở Triều Tiên có nguồn gốc Trung Quốc hoặc nhập khẩu qua nước này nhưng rất nhiều mặt sản phẩm như giày dép, rượu bia, thuốc lá… có nguồn gốc nội địa đã được phổ biến tại các siêu thị.

Như vậy, các lệnh trừng phạt hiện nay sẽ cần phải tốn ít nhất vài năm mới thực sự gây ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân Triều Tiên và cho đến khi đó, những biện pháp cấm vận này không có nhiều tác dụng.

BT

Cùng chuyên mục
XEM