Không phải FMCG, nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc đang bị ngành nào của Việt Nam hấp dẫn?

09/08/2018 14:03 PM | Xã hội

Các nhà đầu tư Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp logistics, cơ sở hạ tầng và dược phẩm. Trong khi đó, Nhật Bản chắc chắn muốn tăng số lượng tăng đầu tư FDI, nhất là ở lĩnh vực hạ tầng, có thể tăng lên 9-10 tỷ USD; và hoạt động M&A vào hoạt động sản xuất, năng lượng.

Đây là chia sẻ của bà Jiun Park, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến M&A Toàn Cầu – Kotra ( Hàn Quốc ) và ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao, Tập đoàn Recof ( Nhật Bản ) trong phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Sức hút thị trường 100 triệu dân” tại Diễn đàn M&A năm 2018.

Theo bà Jiun Park, lĩnh vực hấp dẫn đầu tư của Việt Nam đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có thay đổi. Các nhà đầu tư Hàn Quốc tập trung vào các ngành công nghiệp, các khu công nghiệp nhưng đó là những gì xảy ra với 10 năm trước.

Hiện luồng đầu tư này đã chậm lại do có sự thay đổi trên thị trường Việt Nam cũng như ở các nước khu vực châu Á. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc muốn tham gia vào Việt Nam. Thị trường Việt Nam đang phát triển và mở rộng hơn. Vì vậy, lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện này phải kể đến là Logistics, Cơ sở hạ tầng, các công ty Dược.

Các doanh nghiệp Dược của Hàn Quốc đã nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về các công ty Dược Việt Nam. Khi đầu tư vào các công ty Dược ở Việt Nam, các nhà đầu tư Hàn Quốc kỳ vọng sẽ chuyển giao công nghệ, tập quán quản lý, khả năng tiếp thị sản phẩm của Hàn Quốc.

Bà Jiun Park cho rằng, đã có sự đồng bộ giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cần gia tăng hơn nữa sự hợp tác, liên minh 2 phía. Hiện các nhà đầu tư Hàn Quốc đang hình thành liên minh chiến lược với nhà đầu tư Việt Nam.

Hàn Quốc đang đẩy mạnh đầu tư sang các thị trường Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia,… nhưng Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Cũng theo bà Jiun Park, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam có thể xem là mạnh nhất, chiếm khoảng 30% tổng vốn FDI, nhưng tỷ lệ đối vốn vào hoạt động M&A ở đây chưa đạt kỳ vọng, chỉ đạt khoảng 5%. Dù vậy, con số giao dịch đang tăng nhanh. Năm 2017, tổng số vốn đầu tư thông quan M&A từ Hàn Quốc vào Việt Nam là 300 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2018 đã đạt khoảng 200 triệu USD.

Trong khi đó, ông Masataka Sam Yoshida, Nhật Bản chắc chắn muốn tăng số lượng tăng đầu tư FDI, nhất là ở lĩnh vực hạ tầng, có thể tăng lên 9-10 tỷ USD. Còn thị trường M&A, số giao dịch cũng tăng bởi các doanh nghiệp trung và vừa vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp Việt thường do dự trong hoạt động này.

Các công ty Nhật Bản đã đi sau các bạn Hàn Quốc do các đối tác Nhật muốn thu thập càng nhiều thông tin càng tốt, rất cẩn trọng qua đó thiếu khả năng quyết định nhanh. Dù vậy, các công ty Nhật Bản quan tâm nhiều hơn vào hoạt động sản xuất , vào ngành năng lượng. Đồng thời, những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng bắt đầu thu hút các nhà đầu tư Nhật.

“Các công ty toàn cầu của Nhật cũng thay đổi chiến lược kinh doanh của mình. Chủ sở hữu của những công ty này thường hơn 60-70 tuổi, nên họ bắt đầu tìm kiếm thế hệ kế thừa – thế hệ này cũng thay đổi sản phẩm của họ và năng động hơn cac thế hệ trước, sẵn sàng khám phá các lĩnh vực mới” – ông Masataka Sam Yoshida chia sẻ.

Theo Hồng Quân

Cùng chuyên mục
XEM