Không như tòa bê tông Panorama ở Mã Pì Lèng, quần thể nhà Santorini khoét sâu vào núi nhưng vẫn ‘thuận tự nhiên’ vì dùng gỗ đá có sẵn, tất cả nhờ thiên nhiên mà tồn tại!
Chính nhờ tư tưởng xây nhà để ở, nương tựa vào thiên nhiên của người dân Santorini nên các công trình của họ đều dùng vật liệu thân thiện với môi trường, từ đó tạo ra một trong những tuyệt tác kiến trúc của Hy Lạp và thế giới.
Panorama là tổ hợp khách sạn, nhà hàng và quán cà phê 7 tầng được xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang). Địa điểm này đang là tâm điểm chỉ trích của dư luận trong thời gian gần đây và được ví von như tòa "gai bê tông" lổn nhổn dọc bờ dốc hùng vĩ.
Tổ hợp Panorama được xây dựng ở ngay đèo Mã Pì Lèng.
Ngay sau khi hình ảnh về Panorama xuất hiện trên mạng xã hội kèm theo lời kêu gọi tẩy chay vì việc xây dựng tòa nhà đã phá hỏng cảnh quan thiên nhiên của con đèo nổi tiếng, đông đảo cư dân mạng đã vô cùng bức xúc và bày tỏ quan điểm đồng tình với người khởi xướng. Nhiều người cho biết sẽ không bao giờ ủng hộ một công trình xây dựng ảnh hưởng tới thiên nhiên và không được cấp phép xây dựng như Panorama.
Đó là trường hợp ở Việt Nam, nhìn ra thế giới, có thể thấy có không ít công trình được xây dựng ngay giữa cảnh quan thiên nhiên nhưng vẫn đảm bảo được tính thân thiện với môi trường và được ủng hộ. Thậm chí nhiều nơi còn trở thành địa điểm nổi tiếng, thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Trong số đó, không thể không nhắc đến Santorini.
Santorini thuộc cụm đảo Cyclades nằm trên biển Aegean của Hy Lạp – dải bờ biển được mệnh danh là "thiên đường ở hạ giới". Nơi đây nổi tiếng với vách đá dựng đứng ôm lấy bờ biển cát đen đặc trưng của bụi núi lửa. Địa thế của Santorini cũng rất đặc biệt: Trên một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động.
Kiến trúc nơi đây thuộc phong cách Cycladic, thể hiện triết lý nhân sinh tương hỗ, hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Giữa điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, người dân Santorini vẫn tìm được cách dựng nhà, sinh tồn đồng thời tạo ra một quần thể kiến trúc tuyệt đẹp.
Vẻ đẹp của Santorini về đêm. (Ảnh: Đức Ninh)
Ngày trước, người dân địa phương không có nhiều tiền để dựng nhà. Hầu hết họ tự xây dựng căn nhà của mình hoặc thuê những người thợ không chuyên. Mục đích ban đầu của họ chỉ là tìm cách để tạo ra nơi trú ẩn an toàn chứ chưa quan tâm nhiều đến kiến trúc hay tính thẩm mỹ. Mặc dù vậy, chính điều đó lại góp phần tạo nên phong cách kiến trúc lôi cuốn bậc nhất thế giới của Santorini.
Đến đầu thế kỷ 20, kiến trúc nơi đây bắt đầu trở nên tinh vi hơn khi người dân ở đảo trở nên giàu có hơn nhờ nông nghiệp, hàng hải và thương mại. Các quý tộc và thương nhân đã đủ khả năng tài chính để xây dựng những ngôi nhà phản ánh tình trạng kinh tế và xã hội của họ, lấy cảm hứng từ kiến trúc tân cổ điển, sử dụng thợ lành nghề và vật liệu chất lượng.
Sự giàu có mới này cũng được phản ánh trong các tòa nhà công cộng và nhà thờ thời đó. Ngay cả những tòa nhà có hơi hướng "nước ngoài" cũng được đánh giá là hòa quyện khá hài hòa với cảnh quan và kết cấu đô thị độc đáo của Santorini.
Người Santorini xây nhà bằng cách khoét sâu vào núi để tránh mưa bão, nắng gió và một phần là để tránh cướp biển từng lộng hành khi xưa. Do đó, họ đã tạo ra một khu vực nép mình toàn bộ vào vách đá ở đảo.
Tuy nhìn tổng thể, kết cấu dường như khá chằng chịt nhưng nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận thấy những ngôi nhà ở đây cực kì thoáng mát bởi nhà nào cũng có ban công rộng nhìn ra biển xanh bao la.
Ở nhiều nơi, những ngôi nhà có xu hướng khá hẹp và sâu, với phòng khách ở mặt trước, phòng ngủ ở mặt sau, một nhà bếp nhỏ xinh cách khá xa khu vực sinh hoạt chính và một phòng tắm được đặt bên ngoài ngôi nhà, thường là ở một góc của ban công hoặc sân trong.
Ban công nhìn ra biển của một ngôi nhà ở Santorini. (Ảnh: Đức Ninh)
Theo các đường tự nhiên của miệng núi lửa, nhà cửa ở Santorini thường xoay về phía Đông – Nam để đón ánh sáng còn cửa sổ nhìn ra hướng Bắc để đón gió biển. Một trong những yếu tố thú vị nhất của kiến trúc này là việc sử dụng mái vòm với đủ hình dạng, kích cỡ và màu xanh da trời đặc trưng.
Santorini nổi tiếng với gam màu trắng - xanh trứ danh. (Ảnh: Đức Ninh)
Cư dân Santorini tận dụng nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên là đá núi lửa, đá đỏ và đá bọt để xây nhà. Nguyên nhân là vì chúng không chỉ rẻ mà còn rất chắc chắn. Nguyên liệu xây dựng dược dùng trong kiến trúc Santorini thể hiện đặc trưng của thổ nhưỡng vùng miền.
Tuy điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi như hạn hán, hệ thực vật kém phát triển nhưng người dân Santorini vẫn tìm được cách xây nhà dựa trên những vật liệu có sẵn. Nhà cửa tại đây đều cao không quá 3 mét vì gỗ rừng không đủ kích thước và người dân cũng không muốn khai thác quá nhiều từ đó.
Người ta dùng đá đen núi cao có sức chịu nhiệt tốt để xây các bức tường trong khi loại đá đỏ của quần đảo là yếu tố tạo nên khung mái vòm và đá bọt dùng để dựng phòng phụ. Tường của các căn phòng thường dày từ 60 cm đến 80 cm và đá bọt đóng vai trò như một lớp cách nhiệt giúp không khí trong nhà được điều hòa trong cả mùa lạnh và mùa nóng. Hỗn hợp vôi quét đặc biệt màu trắng chỉ có ở vùng Cyclades giúp căn nhà giảm hấp thụ nhiệt từ mặt trời.
Điểm quan trọng nhất nằm ở hỗn hợp từ đá bọt nghiền trộn với vôi. Loại vữa này được cho là có khả năng kết dính tốt và tạo sự bền vững cho kết cấu trước tác động của thiên nhiên. Thậm chí, vật liệu xây dựng của kiến trúc Santorini còn được xuất khẩu cho các công trình ở nước ngoài.
Sự hòa hợp giữa thiên nhiên và kiến trúc nơi đây đã thu hút đông đảo khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. (Ảnh: Đức Ninh)
Tường trắng, mái vòm xanh không chỉ tạo nên ấn tượng thẩm mỹ mà còn là dấu ấn của văn hóa trân trọng thiên nhiên của người Santorini. Hai màu trắng – xanh chính là biểu tượng của trời và biển, thể hiện sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người.
Có thể nói, kiến trúc nép vào vách núi và việc sử dụng vật liệu xây dựng sẵn có trong thiên nhiên đã thể hiện rõ nét cách mà người dân địa phương hồi đáp lại điều kiện tự nhiên để sinh tồn trong suốt chiều dài thời gian từ khi hình thành. Và có lẽ, chính nhờ tư tưởng xây nhà để ở, nương tựa vào thiên nhiên của người dân Santorini nên các công trình của họ đều thân thiện với môi trường và từ đó tạo ra một trong những tuyệt tác kiến trúc của Hy Lạp và thế giới.