'Không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự': Một cuộc 'cởi trói' thành công của Chính phủ

17/05/2017 20:50 PM | Xã hội

"Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" là linh hồn của Bản Nghị quyết rút ra ra từ Đại hội Diên Hồng năm ngoái. Năm nay, những ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp như minh chứng hùng hồn rằng Chính phủ đã đúng đắn như thế nào!

Hôm nay, Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2 – Buổi gặp gỡ của Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 đã diễn ra.

Nhiều doanh nghiệp nói thẳng ý kiến, nhiều bộ ngành được kể rõ thực trạng, một chỉ thị cấm nhũng nhiễu thanh kiểm tra được công bố ngay khi hội nghị kết thúc và cuối cùng là một sự quyết liệt, kiện định, thẳng thắn – đây là những gì đọng lại sau buổi Hội nghị kéo dài liền 5 tiếng đồng hồ mà không hề có giờ nghỉ trưa. Chắc chắn, chúng ta có quyền tin tưởng vào một năm “bình minh rực rỡ” hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.


Thủ tướng tại Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2

Thủ tướng tại Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2

Nếu ai đó nói rằng đây chỉ là những suy đoán lạc quan, chỉ dựa trên tinh thần hồ hởi đang lên cao của buổi Hội nghị thì có lẽ cần xem lại. Thử nhìn vào kết quả của cuộc Đại hội Diên Hồng lần thứ nhất năm ngoái, được nghiệm thu bởi phát biểu của nhiều doanh nghiệp ngay trong Hội nghị lần này, người ta sẽ hiểu rằng khoảng cách từ lời nói đến hành động của Chính phủ kiến tạo chưa bao giờ là gần đến thế.

Còn nhớ hồi tháng 4/2016, hội nghị đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp đã diễn ra. Sau hội nghị này, Nghị quyết 35/NQ-CP được ra đời như kim chỉ nam cho các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ trong năm 2016.

Trong nghị quyết này, nổi bật nhất phải kể đến chủ trương 'cởi trói': “không hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế” – một trong số những nội dung ‘linh hồn’ của bản Nghị quyết.

Cụ thể, những quy định trong phần i) – Nguyên tắc – Mục tiêu và nguyên tắc, phần b), d) – Nhiệm vụ và giải pháp và 6. – Tổ chức thực hiện của bản Nghị quyết đều đề cập đến chủ trương này:

I. MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC

…i) Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

…b) Bộ Công an rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về an ninh, an toàn xã hội, tạo Điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo những quyền kinh doanh đã được pháp luật quy định; xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường... để bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật.

…d) - Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

6. Đề nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thường xuyên tổ chức giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm ngăn chặn hành vi hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

Có thể nói, ngay từ khi tinh thần ‘không hình sự hóa’ này được quán triệt, cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm có cả các doanh nghiệp truyền thống cho đến các doanh nghiệp công nghệ, startup như được 'cởi trói' về cả tư duy và cung cách hoạt động.


Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đã được dỡ bỏ

'Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự' đã được dỡ bỏ

Còn nhớ, ông Hùng Đinh, CEO của startup nổi đình đàm trong năm 2016 là DesignBold đã từng chia sẻ ý kiến của mình về các hỗ trợ của Nhà nước với startup trong một buổi hội thảo rằng điểm quan trọng nhất mà các doanh nghiệp muốn sửa đổi ở luật là bỏ đi quy định “hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự”.

Quy định này đã khiến nhiều doanh nghiệp, startup không dám ‘mạnh tay’ thực hiện các hoạt động kinh doanh, phát triển công ty ngay tại Việt Nam, gây lãng phí nhiều nguồn lực lớn cho cả nền kinh tế.

Hôm nay, sau khoảng 1 năm cuộc 'cởi trói' được thực hiện, các doanh nghiệp đã về lại trong Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2, phát biểu các ý kiến của mình như một minh chứng hùng hồn cho một đường lối hoàn toàn đúng đắn của Chính phủ.

Có thể kể đến như lời phát biểu của bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG – Tập đoàn hợp tác đầu tư với nhiều tên tuổi lớn của thế giới như Tập đoàn Hilton (Mỹ), IHG (Anh) hay Marriott (Mỹ). Nhìn từ quan điểm của bà, chủ trương không hình sự hóa đã giúp các doanh nghiệp "nâng cao tư duy “dám nghĩ dám làm”, dám chấp nhận thử thách, đi tiên phong" trong nhiều lĩnh vực mà ở Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến.

Với chủ trương không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế, doanh nghiệp sẽ cảm thấy được pháp luật bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của mình, chủ động khắc phục trong trường hợp xảy ra thiệt hại về kinh tế, nâng cao tư tuy “dám nghĩ dám làm” góp phần khai thác hiệu quả những lĩnh vực tiên phong và những lĩnh vực vẫn được coi là có rủi ro cao”

“Từ đó doanh nghiệp có thể huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mình, đồng thời giải phóng sức lao động, tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước”.


Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch tập đoàn BRG

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch tập đoàn BRG

Không chỉ riêng bà Nga, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã thể hiện sự vui mừng bởi chủ trương đúng đắn của Chính phủ này.

Họ cho rằng hơn cả một chính sách dỡ bỏ hình sự hóa, đây giống như một màn ‘cởi trói’ về tư duy đến rất đúng lúc: Các doanh nghiệp cảm thấy một sự yên tâm khi kinh doanh, sẵn sàng dấn thân mình trong những thử thách, tuy có thể rủi ro cho chính họ nhưng lại hứa hẹn sẽ mang lại giá trị lớn lao cho xã hội.

Kết thúc bài phát biểu của mình, bà Nga kiến nghị rằng cuộc 'cởi trói' này cần được thực hiện ở một bước xa hơn và cấp tiến hơn. Theo bà, trong trường hợp có vi phạm kinh tế xảy ra, các doanh nghiệp cũng nên không bị hình sự hóa nếu như các vi phạm này có thể được khắc phục.

Chính điều này sẽ tạo nền tảng cho một môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo niềm tin nơi các doanh nghiệp và tạo tiền đề cho các nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong các quyết định đầu tư của mình.

"Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trích lại lời của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2. Vạn lời nói thì không bằng một hành động, nên, rõ ràng, một cuộc 'cởi trói' mang tên 'không hình sự' hóa đã là một phép chứng minh hữu hiệu cho tư duy 'tự cứu mình' mà Thủ tướng đã đề cập.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, tất nhiên họ chờ đợi nhiều cuộc 'cởi trói' hơn nữa!

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM