Không để 'bần cùng sinh đạo tặc'

30/03/2020 08:04 AM | Xã hội

“Dịch COVID-19 hoành hành, người dân đang phải ở nhà để chống dịch. Trộm cắp, cướp giật có thể không đáng lo ngại lúc này, nhưng về lâu dài sẽ phát sinh, thậm chí bùng phát, vì bần cùng sinh đạo tặc”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cảnh báo.

Trộm cắp có thể gia tăng

Chúng ta đang tập trung “chống dịch như chống giặc”, nhưng điều không ít người lo lắng là về lâu dài, dịch bệnh sẽ gây ra những hệ quả rất lớn về mặt xã hội?

Đại dịch COVID-19 sẽ gây ảnh hưởng rất lớn, rất nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội. Dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng chắc chắn nền kinh tế sẽ bị thiệt hại rất lớn trong tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất, kinh doanh cho đến xuất khẩu, từ các tập đoàn lớn cho đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như hộ kinh doanh, hộ gia đình. Ngành du lịch thì “chết đứng”, giao thông công cộng tạm ngừng hoạt động, còn các hoạt động về vui chơi giải trí, kinh doanh nhỏ lẻ tại các địa phương đều ngưng trệ, tạm thời đóng cửa để phòng chống COVID-19. Có thể nói, ở Hà Nội và TPHCM, nhiều ngành nghề dường như đang tạm thời bị “tê liệt”.

Kinh tế khó khăn như vậy sẽ dẫn đến hệ quả to lớn về mặt xã hội, là tình trạng mất việc làm, thất nghiệp gia tăng, tác động rất lớn đến thu nhập và đời sống của người dân. Người lao động trong nhiều ngành nghề chỉ được trả một phần lương thôi, thậm chí không ít đối tượng phải nghỉ việc không lương, lao động tự do thì ăn không ngồi rồi, không biết làm gì để mưu sinh... Thực trạng này rất khó tránh khỏi do hậu quả từ dịch bệnh COVID-19 gây ra về mặt lâu dài.

Tình trạng thất nghiệp, nghèo đói có thể sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác về mặt xã hội do “bần cùng sinh đạo tặc”, thưa ông?

Quả đúng là như vậy. Tình trạng thất nghiệp gia tăng sẽ dẫn đến hệ quả lớn là nguy cơ mất ổn định xã hội, trộm cắp có khả năng gia tăng, vì nhiều người không có công ăn việc làm, không có gì để mưu sinh. Bần cùng sinh đạo tặc, điều này khó tránh khỏi trong thời gian tới do dịch bệnh gây ra. Nguyên liệu không có để sản xuất, mà dù có sản xuất được thì cũng không ai mua. Người dân đang phải sống dựa vào số tiền tiết kiệm được từ bấy lâu nay. Nhưng chẳng biết số “lương khô” đó sẽ giúp người dân duy trì được đến bao giờ, khi miệng ăn núi lở.

Đây đang là giai đoạn cao điểm phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trong tình hình hiện nay, trộm cắp cũng ngại ra đường. Người dân thì ở nhà nên đối tượng xấu có muốn lẻn vào trộm cắp cũng khó. Người dân cũng ít ra đường để đối tượng xấu lợi dụng giật đồ, cướp xe như mọi khi. Tình trạng trộm cắp có thể không phải điều đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay. Nhưng về lâu dài, nó có thể sẽ phát sinh, thậm chí bùng phát. “Bần cùng sinh đạo tặc”, gạo hết, tiền hết dẫn đến trộm cắp để nuôi thân.

Không để bần cùng sinh đạo tặc - Ảnh 1.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Hỗ trợ phù hợp, kịp thời

Các địa phương đặc biệt là Hà Nội và TPHCM cần đặc biệt chú ý những vấn đề xã hội cụ thể gì sau này, theo ông?

Không phải chỉ hai thành phố đó mà toàn bộ 63 tỉnh thành cũng phải luôn đề cao cảnh giác, chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu xảy ra về mặt trật tự an ninh. Trong đó phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề ma túy, trộm.

Người dân đã lo sợ, hoang mang vì dịch bệnh COVID-19, bây giờ lại thêm tình trạng rối ren trong xã hội nữa thì sẽ là một điều vô cùng tệ hại. Cơ quan chức năng cần lưu ý, có giải pháp ngăn ngừa để điều đó không được xảy ra.

Theo ông, chúng ta cần phải đưa ra các giải pháp căn cơ nào?

Hiện tại gói tín dụng lớn với vài trăm nghìn tỷ đồng đã được Chính phủ tung ra để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất vay, rồi giảm thuế, giãn thuế như thế nào cũng phải tính toán lại cho phù hợp… Nếu không đưa ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng phá sản hàng loạt. Mà đã phá sản đương nhiên sẽ dẫn đến cảnh lao động thất nghiệp, kéo theo hàng loạt hệ lụy khó lường khác về mặt xã hội.

Cơ quan “gác cổng” là Bộ LĐTB&XH phải tính toán, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, để từ đó đưa ra các gói hỗ trợ, chẳng hạn như trợ cấp thất nghiệp cho người lao động để họ yên tâm. Dù trong bối cảnh nào cũng không để người dân, người lao động rơi vào cảnh bần cùng, túng thiếu trong và sau dịch bệnh.

Sau nhiều năm nỗ lực phát triển, hiện nay người dân có thể còn nghèo nhưng không bị đói. Nếu vì dịch bệnh mà dẫn đến nghèo đói thì vô cùng nguy hiểm. Chính phủ cần phải tính toán, giải quyết căn cơ vấn đề, không để người dân sống trong cảnh đói rét. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân cũng cần được ăn no, mặc ấm, đảm bảo được sức khỏe. Đó là điều vô cùng quan trọng trong và sau đại dịch.

Nhưng chúng ta cũng cần tin tưởng, lạc quan vì sau cơn mưa trời lại sáng. Khi dịch bệnh qua đi, cuộc sống lại trở về ổn định. Lúc đó chúng ta sẽ lại bắt tay vào sản xuất, kinh doanh với một khí thế mới, tâm thế mới.

Cảm ơn ông.

Tình nguyện giảm thu nhập công chức để hỗ trợ người lao động

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết, ông đánh giá cao biện pháp mà TPHCM hỗ trợ người lao động. "Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19, TPHCM họp trực tuyến với 24 quận, huyện và một số sở, ngành liên quan, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất chủ trương giảm 50% thu nhập tăng thêm của tất cả cán bộ, công chức thành phố và dành số tiền này để hỗ trợ cho người lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ước tính, số tiền trên đủ để hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng/người/tháng cho khoảng 600.000 lao động".

Theo ông Lợi, các địa phương tùy tình hình ngân sách có thể hỗ trợ thêm cho người lao động mất việc làm để bảo đảm mức sống tối thiểu. Ngoài chính sách chung của Nhà nước có thể có chính sách cụ thể để bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.

THÀNH NAM


Không để bần cùng sinh đạo tặc - Ảnh 3.

Theo Luân Dũng

Cùng chuyên mục
XEM