Không để Asanzo làm mất lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng

08/07/2019 10:04 AM | Kinh doanh

Làm rõ về những hành vi khuất tất của 1 doanh nghiệp chính là lấy lại uy tín cho nhiều doanh nghiệp khác và người tiêu dùng Việt Nam.

Ngay sau khi có thông tin phản ánh việc Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác, nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam với quảng cáo "Made in Vietnam - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", nhiều nhà bán lẻ trong nước đã có động thái ngừng bán các sản phẩm của Asanzo.

Thậm chí, một số nhà bán lẻ lớn như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim còn có chính sách hỗ trợ đổi sản phẩm tivi Asanzo lấy sản phẩm mang nhãn hiệu khác.

Trước những động thái này, Chủ tịch Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam vẫn khăng khăng khẳng định, việc Asanzo sử dụng linh kiện để lắp ráp sản phẩm và gắn nhãn “Made in Vietnam” là không vi phạm luật, nhất là khi Bộ Công Thương đang xúc tiến các công việc để xây dựng thông tư, nghị định ghi nhãn hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam.

Không để Asanzo làm mất lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng - Ảnh 1.

Thông báo của Asanzo gửi khách hàng và đối tác.

Trong phản hồi thông tin báo chỉ, Asanzo tiếp tục khẳng định đảm bảo quyền lợi của các nhà phân phối cũng như của người tiêu dùng. Đồng thời, Asanzo vẫn “cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng, luôn thực hiện đúng quy trình, quy định về đổi trả, bảo hành sản phẩm như đã công bố từ trước tới nay do Asanzo phân phối trên thị trường”.
Thế nhưng trước động thái thu hồi và đổi trả các sản phẩm mang thương hiệu Asanzo của nhiều nhà bán lẻ trong nước, ông Phạm Văn Tam Chủ tịch Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam đã có ngay thông báo gửi các nhà phân phối và khách hàng không mang tính cầu thị.

Theo đó, Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam phản đối chính sách đổi trả hàng hóa mang thương hiệu Asanzo từ người tiêu dùng hoặc các kênh phân phối tại các địa điểm kinh doanh, trung tâm thương mại.

Trong thông báo gửi các đối tác, Asanzo nói không có chủ trương thu hồi mọi sản phẩm mang thương hiệu Asanzo và không đồng ý, cũng như chấp nhận các chính sách đổi sản phẩm của Quý khách hàng và đối tác, vì tất cả hàng hóa mang thương hiệu Asanzo đã và đang được đưa ra thị trường bởi Asanzo.

“Asanzo khẳng định và cam kết hàng hóa kinh doanh của chúng tôi là hợp pháp, được phép lưu thông trên thị trường, có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm, nghĩa vụ, bất kỳ thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp nếu có, cũng như bất kỳ vấn đề nào phát sinh từ hoặc liên quan đến hàng hoá trong toàn bộ quá trình mà Quý khách hàng và Quý đối tác tự ý thực hiện chính sách/quy trình đổi trả được nêu trên đây mà không nằm trong chính sách đổi trả, bảo hành mà chúng tôi đã công bố", thông báo của Asanzo nêu rõ.

Động thái kịp thời từ cơ quan chức năng

Liên quan đến vụ việc này, tại cuộc họp báo thường kỳ Quý II/2019 tại Bộ Công Thương ngày 4/7, trả lời báo chí xung quanh nghi vấn Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối, phối hợp với các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương tích cực điều tra làm rõ vụ việc này.

Để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài và ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, ngay trong ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".

Mục tiêu của Đề án chính là việc ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" có hiệu lực từ ngày 4/7/2019 sẽ đẩy mạnh việc theo dõi tình hình xuất nhập khẩu; tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn quốc bằng các giải pháp chủ yếu như tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan.

Đề án cũng góp phần chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Với sự vào cuộc của Chính phủ và các Bộ, ngành, các địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người tiêu dùng, những vụ việc gian lận thương mại, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ sẽ sớm được điều tra và làm rõ, trả lại công bằng cũng như uy tín cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Cao hơn hết, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được đảm bảo về quyền lợi khi thực sự được sở hữu những sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, đúng giá trị và chất lượng theo nhưng cam kết của nhà sản xuất. Khi đó, niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm Việt Nam sẽ ngày càng được nâng cao./.

Theo Nguyễn Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM