Không có vốn liếng, địa phương chỉ phát triển du lịch, ông chủ này nghĩ ra cách kiếm bộn tiền chỉ bằng việc... bán diêm
Không chỉ doanh nghiệp lớn mà cả các ông chủ nhỏ cũng cần quan tâm đến phương châm chính sách của quốc gia, tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế, mượn sự trợ giúp của chính sách.
Việc kinh doanh không phải lúc nào cũng đơn thuần chỉ dựa vào sức lực của bản thân là đủ, nếu như có thể được quý nhân giúp đỡ thì cũng tức là thành công một nửa rồi. Thực tế, quý nhân lớn nhất chính là chính sách của quốc gia.
Tại Trung Quốc, nhờ nương vào chính sách mở cửa gần 30 năm trước không ít doanh nghiệp lọt vào top hùng mạnh của thế giới. Hoặc trường hợp khác là nhờ chính sách phát triển đặc khu kinh tế Thâm Quyến từ một làng chài đơn sơ đã trở nên phồn thịnh kéo theo sự cơ hội cho không ít doanh nghiệp. Không chỉ doanh nghiệp lớn mà cả các ông chủ nhỏ cũng cần quan tâm đến phương châm chính sách của quốc gia, tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế, mượn sự trợ giúp của chính sách.
Lí mở một công ty dịch vụ văn hóa, công việc chủ yếu là thiết kế quảng cáo, thường nhận làm hình quảng cáo hoặc bao bì đóng gói cho một số công ty. Thành phố nơi Lí sinh sống tuy khá nổi tiếng nhưng lại là vì có nhiều danh lam thắng cảnh, là địa điểm du lịch nổi tiếng, còn tình hình kinh doanh của các ngành nghề khác không lấy gì làm khả quan, nên công việc của công ty anh không nhiều. Lí luôn muốn tìm cơ hội bứt phá, nhưng để thoát khỏi xu thế kinh tế chung của cả một thành phố không phải là chuyện một sớm một chiều.
Một hôm, nhân viên thu hút đầu tư của thành phố là Tôn đến gặp Lí để nhờ anh thiết kế tờ rơi tìm kiếm vốn và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Chính quyền thành phố sắp có chính sách cho vay vốn đặc biệt để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch của địa phương. Lí nghe xong, tỏ ra vô cùng hào hứng.
Tôn nói: "Đúng vậy, hiện nay chính quyền thành phố đang có ý định phát triển du lịch, nhờ đó để thúc đẩy các ngành công nghiệp không khói khác. Trong các cuộc họp gần đây, Thành ủy đã khẳng định thành phố chúng ta là thành phố du lịch nổi tiếng, mỗi năm trung bình có tới 5 triệu lượt du khách tới đây, nếu chúng ta không phát triển những định hướng mới thì du khách chỉ có mỗi thú vui là leo núi, tối lại về khách sạn ngủ, hai ba ngày là chán. Tất cả các chi phí như vé vào cửa, tiền ăn ở, đi lại của du khách bình quân chỉ 1.000 tệ/người.
Vậy mà ở thành phố Lệ Giang, phong cảnh chẳng đẹp hơn là mấy mà du khách thường ở lại một tuần liền, chi phí bình quân là 5.000 tệ/người. Đó là vì thành phố Lệ Giang có các lễ hội văn hóa, ngày hội ẩm thực, quà lưu niệm - các hình thức kinh doanh hòng khai thác hết thế mạnh du lịch của địa phương, tạo nên một hệ thống sản phẩm du lịch kết hợp với nhau. Nếu chúng ta cũng có thể kiếm được 5.000 tệ/người từ 5 triệu du khách thì chắc chắn bộ mặt kinh tế của thành phố sẽ được đổi khác. Chính vì thế Thành ủy đã quyết định đầu tư 10 triệu tệ vào sản phẩm du lịch."
Trước đây Lí cũng có ý định tham gia ngành du lịch, nhưng nếu muốn thực hiện thì cần phải có nguồn vốn lớn, không giống như mở công ty quảng cáo nhỏ chỉ cần ba cái máy tính là đủ. Sau một thời gian suy tính, cuối cùng anh chọn hình thức kinh doanh quà lưu niệm, Lí đã có kinh nghiệm về ngành này, chủ yếu chỉ cần biết thiết kế và có ý tưởng sáng tạo là được. Hơn nữa một món quà lưu niệm du lịch khiến người khác nhớ về một địa danh, quảng cáo cho địa danh đó, chắc chắn Thành ủy sẽ đồng ý. Lượng tiêu thụ quà lưu niệm địa phương cao, ổn định, lợi nhuận cao, chi phí thấp, nếu được chính quyền trợ giúp về vốn thì chắc chắn sẽ khởi sắc.
Lí dành hẳn một tháng để lập và so sánh hàng chục kế hoạch, cuối cùng quyết định làm một bộ hộp diêm có in hình danh lam thắng cảnh địa phương để đăng kí vay vốn. Sau nhiều vòng thẩm định, sản phẩm của Lí đã được Thành ủy công nhận và trợ giúp 200 nghìn tệ để làm vốn đầu tư ban đầu.
Nhưng Lí không dùng số tiền đó để thuê nhà xưởng, mua thiết bị hay thuê nhân công vì anh biết rằng, nếu làm thế thì chẳng mấy chốc sẽ hết vốn, tuy làm diêm có vẻ đơn giản nhưng bản thân mình không có kinh nghiệm, không chừng sẽ xuất hiện những khó khăn mà mình chưa lường trước được. Thế rồi Lí tìm đến một xưởng sản xuất diêm chính quy, đưa cho chủ xưởng bản thiết kế 18 mẫu hộp diêm của mình và yêu cầu họ sản xuất hộp diêm, còn mình đi tìm đối tác bán hàng.
Chỉ sau nửa tháng, sản phẩm hộp diêm của công ty anh đã xuất hiện trên giá của các cửa hàng bán đồ lưu niệm trong khu du lịch. Giá bán lẻ diêm là 1 tệ một hộp, một bộ 18 hộp có giá 18 tệ. Giá cả như vậy là phải chăng, du khách có thể mua về làm quà cho người thân, bạn bè, mỗi hộp diêm đều có hình một danh lam thắng cảnh riêng nên rất được khách hàng hoan nghênh, mỗi du khách đến đây đều mua về một hai bộ làm quà. Lí bán diêm cho các cửa hàng với giá 0,6 tệ/hộp, 10,8 tệ/bộ, giá nhập hàng từ xưởng diêm là 0,4 tệ/hộp, vậy là mỗi hộp được lãi 0,2 tệ, mỗi bộ lãi 3,6 tệ.
Việc chọn diêm làm sản phẩm cũng là tính toán của ông chủ này bởi vừa dễ mang, gọn nhẹ cũng đáp ứng nhu cầu tâm linh khi quê hương Lí có nhiều thắng cảnh là đền chùa. Mỗi du khách đến đến chùa khi mang theo một hộp diêm cũng dễ dàng hơn trong việc hành hương lễ bái.
Sau một năm, số lượng diêm bán ra trung bình mỗi tháng là 10 nghìn bộ, lợi nhuận là 36 nghìn tệ, một năm có thể thu được hơn 400 nghìn tệ tiền bán diêm. Bây giờ Lí đã trở thành ông vua diêm của thành phố.
(*) Nội dung bài viết tham khảo cuốn sách Bí quyết kinh doanh của ông chủ nhỏ.