Bí mật của tỉnh thuần nông trồng lúa nhưng "đẹp hơn" Hà Nội, Bình Dương trong mắt giới kinh doanh: Tư duy "bài toán trừ" của ông Bí thư hay cười

05/09/2017 09:31 AM | Kinh tế vĩ mô

7 năm nay, chưa bao giờ tỉnh Đồng Tháp nằm ngoài top 5 bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Đừng nghĩ tới bài toán trừ

Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2017 dành vị trí thứ 3 cho Đồng Tháp. Thậm chí nếu so sánh với các địa phương có vị thế kinh tế như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Tháp vẫn được xem là hấp dẫn hơn trong mắt các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

7 năm nay, chưa bao giờ xứ sở hoa sen này nằm ngoài top 5 bảng xếp hạng. Trong những cấu phần của PCI, chi phí gia nhập thị trường và chi phí thời gian luôn được ghi nhận nỗ lực cải thiện đáng kể. Với một doanh nghiệp khởi nghiệp, đây cũng chính là những chi phí lớn nhất bên cạnh vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.

Đồng Tháp cũng là tỉnh đầu tiên khơi nguồn cho mô hình Cà phê doanh nhân. Quán cà phê nằm ngay trong khuôn viên của UBND tỉnh bắt đầu từ ý tưởng của ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND. Tại đây, sáng nào Chủ tịch và Bí thư cũng đến trực tiếp nghe và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Từ doanh nghiệp lớn, nhỏ hay khởi nghiệp đều đến không ngần ngại đến để được giãi bày cùng những người lãnh đạo tỉnh.

"Đây vui lắm, cả tỉnh đều đang khởi nghiệp", đó là chia sẻ của Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan chia sẻ đầy tự hào với cô phóng viên của một tờ báo kinh tế vì tò mò đã bất ngờ tới Đồng Tháp vào một dịp cuối tuần. Công việc khiến vị Bí thư này hào hứng nhất chính là kết nối và chia sẻ. Với ông, khởi nghiệp được như một lẽ sống, một cách sống, giá trị trong công việc và là tinh thần mà tỉnh đang hướng đến.

Không chỉ lắng nghe, Bí thư Hoan còn góp ý cả những chuyện tỉ mỉ nhất như bao bì, thương hiệu sản phẩm. "Bao bì mình đơn giản quá", đó là lời ông Hoan góp ý cùng anh Nguyễn Tấn Long, tổng giám đốc công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Đồng Tháp Mười khi anh mang 2 túi gạo: một loại thường, một loại gạo thuốc nhờ ông góp ý.

Khi nhận được câu hỏi nếu đầu tư cho bao bì cầu kỳ khiến giá thành đội cao người tiêu dùng không mua nữa, ông cho rằng đừng nghĩ về bài toán trừ mà nghĩ về bài toán cộng khi hàng hóa có thể bán ít đi nhưng tổng thu về cao hơn. Điều này được ông rút ra từ những mẩu chuyện ngắn trong cuốn sách Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ vừa tặng cho anh Long.

Bất kỳ ai làm kinh doanh đều biết đến công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tỷ suất lãi gộp. Theo đó tỷ suất này được tính bằng tỷ lệ phần trăm lãi gộp so với doanh thu, trong đó lãi gộp bằng hiệu của doanh thu và giá vốn. Cách nhìn của ông Hoan chính là nhìn bao quát từ cả 2 vế doanh thu và giá vốn, trong đó tuy giá vốn tăng nhưng phần tăng của doanh thu lớn hơn vẫn sẽ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Mẩu chuyện nhỏ về mẹo kinh doanh của người Hoa

Bài toán mà anh Long đem đến cho Bí thư Hoan có lẽ khá giống với câu chuyện của Tài trong cuốn sách nhỏ mà ông đề cập đến. Tài mở một xưởng sản xuất thịt xông khói ngay tại Kim Hoa - quê hương của món ăn này; chân giò xông khói Kim Hoa nổi tiếng khắp Trung Quốc, có hương vị rất khó quên, cộng thêm sự quản lí chặt chẽ của các cơ quan hữu quan nên chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cũng rất tốt.

Khi chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao, người dân thành thị đều có xu hướng tìm kiếm các món ăn là đặc sản của địa phương. Theo lí mà nói, giá cả không phải là trở ngại khiến mọi người không mua thịt xông khói và nó có thể là món ăn ngon thường xuyên xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình.

Hàng năm có rất nhiều người đến vùng Kim Hoa công tác, khách du lịch cũng không ít, du khách đều có nhu cầu mua đặc sản địa phương mang về làm quà. Chân giò xông khói Kim Hoa đã nổi tiếng khắp toàn quốc nhưng không hiểu sao việc kinh doanh của Tài và những người cùng nghề không hề khấm khá hơn chút nào.

Tài cũng đã từng tham gia một số triển lãm đặc sản nổi tiếng, nhìn thấy những đồng nghiệp ở tỉnh khác bán được rất nhiều hàng, trong lòng không khỏi thầm ngưỡng mộ. Nếu so sánh thì thịt xông khói Kim Hoa chắc chắn phải nổi tiếng hơn những món ăn kia, nó mang nét văn hóa của dân tộc, lại được Chính phủ khuyến khích, chất lượng được đảm bảo, giá cả phải chăng, tại sao lại không được hoan nghênh bằng những món ăn kia?

Một hôm, nhân lúc nhàn rỗi, Tài đến một cửa hàng bán đặc sản của địa phương thăm thú tình hình. Đúng lúc đó có hai du khách bước vào khiến anh chú ý. Khi nhìn thấy gói thịt xông khói Kim Hoa, hai du khách này liền cầm lên xem rất kĩ, sau đó, họ đặt xuống rồi lại cầm lên vài lần, vẻ mặt vừa muốn mua lại vừa do dự. Tài bèn bước đến hỏi họ: "Tôi đứng bên cạnh đã lâu, nhìn thấy hai anh chị cứ cầm lên rồi lại đặt xuống gói thịt xông khói Kim Hoa. Tôi chính là người sản xuất ra sản phẩm này, nên tôi muốn hỏi một chút, không biết gói đặc sản này có vấn đề gì khiến anh chị do dự?"

Hai du khách đó cũng rất thẳng thắn: "Danh tiếng của thịt xông khói vùng này chúng tôi đã biết từ lâu rồi, rất xứng đáng trở thành đặc sản của địa phương, lần này đến đây du lịch, chúng tôi cũng muốn mua một chút về làm quà cho người thân, nhưng vừa cầm lên đã thấy quá nặng, chúng tôi còn đến một nơi khác nữa, nếu mang theo cả tảng thịt xông khói to thì không tiện.

Hơn nữa, cả tảng thịt to thế này thì khi mang về nhà cũng phải chia nhỏ ra làm nhiều túi quà cho mọi người, như vậy quá phiền phức. Hơn nữa, điều khiến chúng tôi do dự nhất là tảng thịt sau khi chia nhỏ sẽ tạo cho người được tặng cảm giác chúng tôi là những người ki bo, tính toán."

Quả thật Tài chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề này, trước đây anh cho rằng cả tảng thịt to nhìn vừa đẹp mà lại khiến khách hàng tin tưởng là nhà sản xuất dùng thịt "xịn" để làm thành món ăn, trong lòng cũng yên tâm hơn về chất lượng, hơn nữa có thể treo trên bếp một cách thuận tiện, không ngờ đó lại là lí do khiến nó bị khách du lịch từ chối. Anh đã đến cửa hàng mấy ngày liền để điều tra ý kiến của khách hàng, kết quả có tới hơn 80% khách hàng có chung suy nghĩ với hai khách du lịch kia.

Thế là anh thay đổi cách trình bày sản phẩm bằng cách cắt nhỏ tảng thịt xông khói ra và cho vào túi hút chân không, biến thịt xông khói thành một món ăn nhanh tiện lợi, mỗi gói chỉ có giá khoảng 10 tệ, mang bán ở các cửa hàng đặc sản ở khu du lịch và cả siêu thị, còn cho khách hàng trực tiếp nếm thử.

Thịt xông khói Kim Hoa vốn đã rất nổi tiếng, nên khi khách hàng nhìn thấy nó được đóng gói nhỏ gọn thì đều muốn mua thử, nhờ vào chất lượng tốt mà sản phẩm của Tài đã được đón nhận rất nhanh chóng. Những vị khách đến từ nơi khác sau khi ăn thử thường mua thêm 10, 20 gói về làm quà, khách hàng trong tỉnh cũng thường mua về ăn vặt trong những lúc trà dư tửu hậu. Nhờ vậy mà xưởng sản xuất của Tài đã thu được lợi nhuận gấp hàng chục lần so với trước đây.

Bài học được rút ra ở đây là các doanh nghiệp thường đứng trên lập trường của mình để nhìn nhận thị trường, họ cho rằng mình đã hết sức tận tâm và thấu hiểu tâm lí khách hàng nhưng lại không được khách hàng đánh giá đúng. Thực ra, chỉ khi các ông chủ đứng trên lập trường của người tiêu dùng để suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề thì họ mới có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Thay đổi góc độ tư duy tuy chỉ là một thay đổi nhỏ nhưng sẽ đủ để mang lại lợi nhuận khổng lồ.

"Trong đây có bày mẹo của người Hoa, người ta không dạy gì cao siêu đâu, chỉ từng mẩu chuyện nhỏ, đọc dần là thấm", Bí thư Hoan nhắn gửi tới anh Long. Một nhân viên của vị bí thư này cho biết ông có thói quen là đọc được sách hay sẽ đặt hàng thùng về tặng trong những lần gặp gỡ các doanh nghiệp.

Cách làm của ông Hoan nếu để ý cũng chính là một cách thay đổi góc độ tư duy, thay vì hướng tới những điều to tát, bắt đầu từ những hành động nhỏ cũng đủ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng khởi nghiệp Đồng Tháp.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM