Không có tiền, con gái 15 tuổi đạp xe 1200km chở bố về quê và cái kết bất ngờ
Câu chuyện của cô bé người Ấn Độ quyết tâm chở người bố bị thương ở chân trên chiếc xe đạp màu hồng đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên thế giới.
Vì đại dịch Covid-19, nhiều người dân Ấn Độ đã phải chịu cảnh thất nghiệp, đặc biệt là dân nhập cư. Hơn 90% của 500 triệu lao động phi nông nghiệp của đất nước này làm các công việc chân tay như thợ xây dựng, bán hàng rong, chạy xe kéo…
Khi cả nước bị phong tỏa, các ngành công nghiệp đóng cửa, các quy định về đi lại, giãn cách xã hội khiến họ không thể làm việc kiếm sống. Vì thế, hàng trăm nghìn người đánh liều bỏ phố về quê. Trong số họ, nhiều người tranh giành nhau lên các chuyến xe buýt trở về nhà còn những người không bắt được xe thậm chí quyết đi bộ hàng trăm kilomet.
Câu chuyện của bố con Mohan Paswan lại có chút khác biệt. Mohan hành nghề lái xe tại thành phố Gurugram, gần thủ đô New Dehli. Tuy nhiên, không may cho Mohan, anh gặp tai nạn giao thông nên rất khó khăn trong việc đi lại. Cô con gái Jyoti đã nhận nhiệm vụ lên chăm bố từ làng Sirhulli ở Bihar – một trong những bang nghèo nhất ở Ấn Độ. Cô bé đã nghỉ học cách đây 1 năm vì gia đình không còn tiền.
Gặp tai nạn, không thể làm việc được, trước khi Ấn Độ ban hành lệnh phong toả toàn quốc 2 tháng, Mohan không còn tiền. Cuộc sống của hai bố con còn vất vả hơn sau lệnh phong toả vì chủ nhà đe doạ cắt điện, đuổi họ đi.
Tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã hiểu được hoàn cảnh hiện tại của bản thân, Jyoti đã xin phép bố trình bày kế hoạch chở bố về quê nhà bằng xe đạp. Ban đầu, anh Mohan không đồng ý bởi quãng đường trở về nhà là 1200km chứ không phải 4-5km. Sau đó, nhờ sự kiên trì thuyết phục và niềm tin có thể làm được của con, anh Mohan cuối cùng đã đồng ý.
Jyoti cho biết cô bé đã đạp xe rất nhiều khi còn ở làng: "Cứ khi nào bố về là cháu lại đèo ông đi khắp làng. Bố đối xử với cháu như một đứa con trai nên cháu nghĩ đây là điều một đứa con trai sẽ làm".
Anh Mohan đã dốc số tiền còn lại mua một chiếc xe đạp giá 20 USD. Hai bố con lên đường ngày 8/5, Joyti cầm lái còn Mohan ngồi sau cùng túi hành lý nhỏ đựng vài bộ quần áo - gia sản của họ.
Không có tiền trong túi, cũng chẳng có nhiều thức ăn, hai bố con ngủ ở trạm xăng ghé xin thức ăn, nước uống ở các gia đình bên đường. Jyoti còn kể có đến hai ngày bé không có gì bỏ bụng vì muốn nhường phần cho bố.
Mỗi ngày, Jyoti đạp gần 160 km, ngoại trừ một đoạn đường ngắn hai bố con đi nhờ xe tải. Trên đường, thấy cô bé chở ông bố với ngoại hình to lớn, một số người còn chế giễu. Anh Mohan tỏ ra rất buồn nhưng cô con gái đã an ủi bố và nói rằng những người lạ đó không hề biết ông bị thương ở chân. Trong chuyến đi, Jyoti cũng liên tục động viên mẹ qua chiếc điện thoại đi mượn: "Mẹ đừng lo, con sẽ đưa bố về nhà an toàn".
Tối ngày 17/5, hai bố con đã trở về nhà an toàn. Sau đó, Mohan vào trung tâm cách ly dành cho người lao động về từ thành phố còn Jyoti được mẹ xin cho tự cách ly ở nhà. Cô bé đã quá mệt sau chuyến đi dài.
Câu chuyện này sau đó đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của truyền thông Ấn Độ. Thậm chí, câu chuyện còn nâng lên tầm quốc tế sau khi ái nữ của tổng thống MỹIvanka Trump viết trên Twitter: "Jyoti Kumari, 15 tuổi, chở người cha bị thương về quê làng bằng xe đạp, đi hơn 1.200km trong 7 ngày. Sức bền và tình yêu thương cao đẹp đã nhận được sự quan tâm từ người dân Ấn Độ và Liên đoàn Xe đạp".
Sở dĩ nhắc đến Liên đoàn Xe đạp là bởi lãnh đạo liên đoàn rất ấn tượng trước sức bền của Jyoti đã gửi lời mời thử tài tới thiếu nữ này vào đội tuyển quốc gia. Còn với Jyoti, đưa được cha về nhà an toàn đã là một hạnh phúc vô bờ bến.