Không chỉ ông chủ Vingroup, các đại gia bán lẻ Nhật, Hàn cũng đang ‘phát cuồng’ với thị trường Việt Nam

25/07/2016 13:22 PM | Kinh doanh

Dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao là những điểm thu hút của thị trường Việt Nam đối với các đại gia bán lẻ tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày một nhiều và đặc biệt là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á là những nhân tố khiến Việt Nam đang trở thành thị trường đầy tiềm năng đối với Aeon, Takashimaya hay Seven&I Holdings.

Nguyên nhân được nhận định chủ yếu là do khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc và sự đình trệ của nền kinh tế Nhật Bản.

“Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và tầng lớp trung lưu tại đây đang ngày một tăng mạnh”, theo Nagahisa Oyama – một giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của Aeon cho biết. “Thị trường bán lẻ của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt là những người trẻ tuổi”.

Dân số trẻ

Theo một nghiên cứu của Nielsen, gần 60% trong tổng số 93 triệu dân Việt Nam hiện dưới 35 tuổi và những người này đang ngày càng có trình độ học thức tốt hơn.

4 ngày sau khi siêu thị Aeon Mall được mở cửa tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 1/7, siêu thị này đã ghi nhận doanh số bán hàng tăng 18% so với dự đoán ban đầu.

Aeon vốn là nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản tính về doanh số bán hàng và hiện tại họ đang điều hành 4 trung tâm thương mại và 54 siêu thị tại Việt Nam. Như vậy, số lượng siêu thị Aeon có tại Việt Nam lớn gấp đôi các cửa hàng thực phẩm mà công ty này đầu tư tại Trung Quốc và bằng 1/3 lượng siêu thị mà đại gia này mở tại các thị trường bên ngoài Nhật Bản.

Điều đáng nói Aeon không phải là công ty Nhật Bản duy nhất đang bị lôi kéo bởi sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Khoảng 20% công ty tiêu dùng tại Nhật Bản – từ nhà sản xuất socola tới công ty mỳ hay trà xanh vừa gặp gỡ với những đối tác tiềm năng tại thị trường Việt Nam vào thứ 4 tuần trước tại một sự kiện diễn ra ở Hà Nội.

Các tập đoàn Nhật Bản đang muốn tìm kiếm động lực thúc đẩy tăng trưởng ở các thị trường bên ngoài quê nhà. Quý II vừa qua, Aeon đã công bố quý lỗ ròng thứ ba liên tiếp trong vòng một năm qua. Dân số Nhật Bản sụt giảm và xu hướng chi tiêu ít hơn của người tiêu dùng nước này đã làm doanh số nội địa của Aeon lao dốc.

“Chúng tôi nghĩ sự cạnh tranh trong thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tăng khi các cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản cũng như Thái Lan và Hàn Quốc bắt đầu gia nhập thị trường”, ông Oyama nói.

Cũng theo ông này, thỏa thuận hợp tác với các công ty địa phương là Citimart và Fivimart sẽ giúp Aeon mở rộng hoạt động kinh doanh.

Nhật Bản được coi là quốc gia chứng kiện lượng già hóa dân số nhanh chóng nhất thế giới, giảm 7 năm liên tiếp tính đến năm 2015. Đối lập lai, biểu đồ nhân khẩu học trẻ hóa của Việt Nam cộng thêm mức tăng thu nhập bình quân lên 2.111 USD vào năm ngoái so với mức chỉ 433 USD vào năm 2000 theo dữ liệu của ngân hàng thế giới khiến Việt Nam trở thành "miền đất hứa" đối với các doanh nghiệp Nhật.

"Cuộc đại tu" của thị trường bán lẻ Việt

Theo nghiên cứu của Nielsen, việc người tiêu dùng Việt Nam đang đòi hỏi trải nghiệm mua sắm với chất lượng tốt hơn khiến những khu chợ truyền thống bán sản phẩm tươi sống dần bị mất đi vị thế.

Theo thống kê của chính phủ, quốc gia này có gần 9.000 khu chợ truyền thống, 800 siêu thị và hơn 1 triệu cửa hàng nhỏ lẻ thuộc sở hữu của các hộ gia đình. Nhiều chuyên gia dự đoán, lượng chi tiêu tại những cửa hàng bán lẻ và trung tâm thương mại sẽ tăng lên tới 40% tính đến đến năm 2020, tăng từ mức 25% so với hiện tại.

Trên thực tế "thị trường bán lẻ của Việt Nam bắt đầu khởi sắc từ 2 năm nay khi cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đẩy mạnh đầu tư vào đây", theo Roberto Butragueno – giám đốc dịch vụ bán lẻ của Nielsen Việt Nam.

Bản thân nhu cầu của người Việt cũng đang gia tăng nhanh chóng. Trong khi 6 trong 10 người Việt Nam hy vọng các cửa hàng có thể gần với nhà của họ hơn thì rất nhiều người cũng mong muốn chúng có thể được bố trí lại sao cho mang đến trải nghiệm mua sắm tốt hơn theo kết luận từ một khảo sát được thực hiện trên 30.000 từ 61 quốc gia trên thế giới.

Cuộc đấu giữa các đại gia nội và ngoại

Mới đây, nhà bán lẻ Takashimaya tuyên bố họ sẽ mở một cửa hàng rộng 15.000 m2 tại Saigon Center ở TP Hồ Chí Minh – đây là cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này khi tiếp cận thị trường Việt Nam.

"Dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao là những điểm thu hút của thị trường Việt Nam và chúng tôi đã quyết định đầu tư khoảng 5 tỉ yen (tương đương 47 triệu USD) và quốc gia này kể từ năm 2012, bao gồm việc mở cửa hàng mới và những bất động sản khác", Hanai nói.

Trong khi đó, gã “khổng lồ” cửa hàng tiện lợi 7-Eleven cũng đã ký kết thỏa thuận nhượng quyền với Seven System Việt Nam như một phần trong kế hoạch mở rộng tại thị trường Đông Nam Á.

Và điều thú vị là không chỉ các ông lớn Nhật Bản mà cả "đại gia" Hàn Quốc như Lotte Group cũng bị hấp dẫn bởi thị trường Việt Nam. Bằng chứng là tập đoàn này đang lên kế hoạch mở tới 60 siêu thị tại Việt Nam cho đến năm 2020. Trong khi đó, tập đoàn TCC của Thái Lan cũng đã mua lại Metro với gí 655 triệu euro.

Song song với đó, những đại gia ở quê nhà cũng tỏ ra không hề kém cạnh. Vingroup đang nhắm tới việc mở khoảng 500 siêu thị và 8.000 cửa hàng tiện lợi dưới thương hiệu VinMart và VinMart+ trong vòng 5 năm tới mặc cho các nhà bán lẻ lớn hơn từ nước ngoài đang "tạo ra những khó khăn nhất định".

Thế giới di động – nhà bán lẻ điện thoại di động hàng đầu tại Việt Nam cũng lên kế hoạch mở chuỗi cửa hàng thực phẩm vào năm tới. "Đây là phân khúc mới kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh hơn cả mảng di động và điện tử tiêu dùng", theo CEO của công ty là ông Nguyễn Đức Tài.

“Thị trường còn rất rộng lớn. Trung bình khách hàng thay điện thoại cứ 2 năm một lần nhưng họ buộc phải mua thức ăn tươi sống hàng ngày. 10 năm trước, bạn có thể thấy phụ nữ Việt Nam xách các túi nhựa đến chợ để mua thức ăn thì tương lai có lẽ sẽ không nhìn thấy hình ảnh như vậy nữa", CEO Nguyễn Đức Tài khẳng định.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM