Không chỉ là một trò chơi, Fortnite đang dần trở thành mạng xã hội tuyệt nhất thế giới
Sự phổ biến đến điên rồ của tựa game bắn súng này cho thấy việc tương tác xã hội sẽ vui hơn nhiều khi bạn thực sự cùng làm điều gì đó với bạn bè mình.
Nó hiện có hơn 200 triệu người dùng, và 8 triệu người trực tuyến cùng lúc. Hầu hết trong số này dành từ 6 đến 8 tiếng mỗi tuần trên nền tảng này. Và một nửa trong số những người dùng tuổi teen cho biết họ sử dụng nó để gặp gỡ bạn bè.
Chúng ta đang nói đến cái gì vậy? Snapchat? Instagram? Twitch?
Không, Fortnite đấy. Tựa game trực tuyến cực kỳ phổ biến này đang âm thầm trở thành một trong những mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Tất nhiên không phải theo định nghĩa thông thường. Fortnite Battle Royale trước hết, và luôn là, một tựa game bắn súng sinh tồn, đặc biệt phổ biến đối với tuổi teen và nam nữ thanh niên tuổi đôi mươi. Trong game, 100 người chơi cùng lúc nhảy từ một chiếc xe bus bay xuống một hoàn đảo. Họ sẽ phải tự sinh tồn theo kiểu Hunger Games, với hàng loạt các món vũ khí, giáp trụ, dược phẩm, và nhiều công cụ khác. Dù nghe có vẻ bạo lực, nhưng bản thân game thực sự không hề như vậy, khi mà bạn chẳng thấy một chút hình ảnh máu me hay kinh dị nào. Người chơi còn sống sót cuối cùng sẽ đạt được danh hiệu "Victory Royale", và một trận đấu kéo dài khoảng 20 phút.
Nhưng trong khi các game thủ chờ đợi để lên chuyến xe bus tiếp theo, và thậm chí là trong khi đang ở giữa trận chiến khốc liệt, họ vẫn trò chuyện với nhau. Rất nhiều là đằng khác. Hệ thống voice chat được tích hợp trong game khuyến khích người chơi liên tục trao đổi qua lại. Và những đoạn hội thoại đó không chỉ đơn thuần là những câu nói máy móc như "cho tao bình Chug Jugs" (bình hồi máu), hay "ném đây lọ thuốc giáp" (shield potion). Các game thủ, vốn là bạn bè của nhau, nói về một ngày ở trường của họ. Khi người chơi tương tác, họ cũng dần hình thành những mối quan hệ mới. Theo cách này, Fortnite đã tiến hoá, trở thành "không gian thứ ba" - một nơi không phải là nhà, cũng không phải là trường học, nơi lũ trẻ có thể gặp nhau và tương tác xã hội theo cách của chúng. Về cơ bản, Fortnite giống như một loại siêu thị mới vậy (và bạn có biết rằng cứ 1 trong số 4 người chơi Fortnite là nữ, một tỉ lệ giới tính cực kỳ hiếm trong các game online hay không?).
Tựa game này còn là một cỗ máy kiếm tiền khổng lồ, giúp nhà phát hành thu về khoản lợi nhuận lên đến 3 tỷ USD trong năm 2018. Dù bạn có thể chơi Fortnite miễn phí trên mọi nền tảng (một điều hiếm có đối với một tựa game AAA với ngân sách phát triển cực lớn), Fortnite kiếm tiền từ việc bán các món đồ trong game (những trang phục đẹp là chính, không ảnh hưởng đến gameplay). Doanh thu trung bình thường niên trên mỗi người chơi (ARPU) là gần 100 USD, cao hơn so với cả Google (27 USD), Facebook (19 USD), Twitter (8 USD) và Snapchat (3 USD) gộp lại!
Trong Fortnite, người chơi tìm thấy một nền tảng gây nghiện hơn nhiều - và có tính xã hội hơn nhiều - so với nhiều mạng xã hội khác. Vậy các mạng xã hội truyền thống có thể học hỏi gì từ tất cả những điều này?
Tương tác xã hội sẽ vui hơn nhiều khi bạn làm mọi thứ cùng nhau
Quá hiển nhiên. Từ bình minh của loài người, chúng ta đã giao tiếp xã hội trong khi đang làm thứ gì đó - trong khi ăn, khi làm việc, mua sắm, đi nhà thờ... Thế rồi các mạng xã hội xuất hiện, giới thiệu ý tưởng "tương tác xã hội" là một thứ bạn có thể làm trong khi đang ngồi một chỗ, chẳng có ai bên cạnh, vứt bỏ mọi thứ khác không liên quan. Chẳng phải việc chủ yếu bạn làm trên Facebook là cắm đầu vào điện thoại và lướt feed sao? ĐIều tương tự cũng diễn ra với Instagram và Twitter. Theo cách nào đó, những mạng xã hội này giống như đang khiến cuộc sống thực của bạn bị thu hẹp lại, thay vì mở rộng nó ra.
Nhưng trong Fortnite, tương tác là một hệ quả tự nhiên của một vài thứ khác. Bạn đang đợi xe bus đến đón ra đảo và đang nhảy một điệu nhảy vui nhộn. Hay bạn đang điên cuồng tìm cách xây dựng một pháo đài, một con dốc, hay một toà tháp. Và rồi những cuộc hội thoại cứ thế diễn ra. "Có lúc tôi đang kể về ngày làm việc của mình, những vấn đề khi gõ code, hay gì đó khác, rồi tự mình ngắt quãng khi gào lên 'có thằng bắn tỉa hướng 250 kìa', và thế là mọi người cuống cuồng tìm cách sống sót" - blogger và là phóng viên công nghệ trang Charged, Owen Williams, giải thích.
Khái niệm "tương tác xã hội" là một phần bổ sung cho một thứ khác, thay vì là trọng tâm chính của mọi thứ, còn được thể hiện rõ qua sự thành công của Twitch - một nền tảng với 15 triệu người dùng hoạt động hàng ngày dành ra trung bình 90 phút mỗi ngày để trò chuyện trong khi đang xem người khác chơi game. Không phải ý tưởng này không còn tồn tại trên các mạng xã hội truyền thống nữa: Facebook Live và các nền tảng live-stream khác, nơi người dùng có thể xem và bình luận, đã gần như đạt được sự tương tác động này. Vấn đề là chúng ta cần nhiều hơn như vậy.
Một mạng xã hội thực sự sẽ xây dựng (chứ không phải phá hỏng) các mối quan hệ
Thật đau lòng khi chúng ta nhìn lại và chợt nhận thấy các mạng xã hội (social network) ngày nay dễ dàng "gục ngã" và trở thành những mạng... chống xã hội (anti-social network) như thế nào. Những con troll (ám chỉ những kẻ thường xuyên đăng bài kích động trên mạng xã hội) là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của bất kỳ nền tảng trực tuyến nào, nhưng chúng lại sinh sôi nảy nở trên các kênh xã hội truyền thống. Mỗi ngày, chúng ta đều bắt gặp những nội dung châm chọc, thù hằn, và Twitter lẫn Facebook đều bỏ ra rất nhiều công sức nhằm xoá sổ những kẻ tồi tệ như vậy. Và chúng ta còn phải đối diện với câu hỏi khó hơn: các mạng xã hội thực sự mang tính xã hội đến mức nào? Trên rất nhiều nền tảng, trải nghiệm người dùng, thay vì tương tác lẫn nhau, có thể dễ dàng bị biến tướng thành hoạt động khoe khoang về cuộc sống "ảo" của chính họ - một cuộc sống màu hồng nhờ photoshop - để câu like, trong khi âm thầm ganh tị với cuộc sống của người khác.
Tuy nhiên, Fortnite lại hoàn toàn khác. Williams giải thích về tính xã hội trong Fortnite tốt hơn như thế nào khi không phải tranh cãi với những con troll suốt cả ngày: "Tôi có thể tắt tiếng bất kỳ ai tôi muốn, và tập trung vào nói chuyện với bạn bè mình, kết nối với họ thường xuyên hơn trước đây". Phóng viên Nick Paumgarten của tờ The New Yorker viết về việc game có thể "mang lại một điều gì đó ngọt ngào" khi người chơi hợp tác với nhau để sinh tồn. Eric Klopfer, một giáo sư tại MIT và là giám đốc Chương trình Đào tạo Giảng dạy Scheller, nhận định rằng Fortnite có thể thực sự quan trọng đối với việc xây dựng các kết nối xã hội trong thế giới ảo ngày nay - một điều mà các mạng xã hội truyền thống hiếm khi làm được. Fortnite, như bất kỳ tựa game online nào, vẫn có một lượng troll tìm cách phá hoại gameplay. Nhưng nó được phân loại khác biệt so với việc gây hấn và kích động trên mạng xã hội, nơi 38% người Mỹ cho biết họ gặp phải troll mỗi ngày.
Bí mật nằm ở đây: tính độc quyền
Dù là tựa game chơi miễn phí, Fortnite không dễ nắm bắt. Trên thực tế, nhiều người mới chơi thử game đều cảm thấy thất vọng. Nhưng nó được thiết kế để như vậy. Để thực sự bước vào game, bạn cần được dìu dắt bởi ai đó - ví dụ, một người chơi đã hiểu rõ những bí mật, những đường đi nước bước trên nền tảng này. Yếu tố độc quyền này - giống như mọi hội kín, câu lạc bộ VIP, hay các giáo phái - có thể là một công cụ xây dựng cộng đồng cực mạnh. Nên nhớ rằng Facebook khi khởi sự chỉ là một nền tảng dành riêng cho sinh viên Harvard, trước khi lan rộng ra các trường đại học hàng đầu khác, rồi cuối cùng mới dành cho cộng đồng.
Snapchat cũng đi theo hướng này, với giao diện người dùng chẳng mấy phù hợp với người trên 18. Trong một thế giới online, nơi mọi thứ có thể truy cập bởi mọi người ở mọi thời điểm, tạo ra cảm giác có gì đó độc quyền có thể là một công cụ mạnh mẽ tạo nên sự khác biệt và lôi cuốn người dùng. Quá nhiều mạng xã hội ngày nay cố trở thành mọi thứ, dành cho người, muốn tiếp cận một "đội quân người dùng" nhạt nhẽo thuộc mọi thế hệ với một giao diện người dùng nhạt nhẽo và chẳng có gì đáng để nhớ, nhằm thu hút càng nhiều sự chú ý càng tốt. Nhưng có thực sự cần phải vậy không? Fortnite cho thấy một con đường khác.
Tất nhiên, cần nhắc lại rằng Fortnite trước nhất là một tựa game online phức tạp. Nó không được thiết kế để trở thành một mạng xã hội, nên chúng ta sẽ không phân tích điều này quá sâu. Fortnite cũng không tránh khỏi xung đột và tranh cãi. Các bậc phụ huynh ngày càng khó chịu vì tính gây nghiện của nó, và những câu chuyện về lũ nhóc trốn học, nghỉ chơi thể thao, và thậm chí lười ngủ để chơi Fortnite hàng giờ liền không hề thiếu trên mạng. Phần lớn những điều khiến Fortnite lôi cuốn - những phần thưởng ngẫu nhiên, quyền truy cập miễn phí, khả năng tuỳ biến nhân vật - chính xác là những thứ khiến các mạng xã hội bị phê bình trong quá khứ.
Nhưng tựu chung lại, Fortnite cho thấy một viễn cảnh về mộ loại hình mạng xã hội mới và hoàn toàn khác biệt. Trên tất cả, nó là một thế giới luôn thay đổi để khám phá và học hỏi, chứ không phải là một giao diện tĩnh, lặp lại. Nó là không gian để tụ tập và thực sự kết nối với bạn bè. Nó là nơi cho phép bạn là chính mình thay vì phải diễn và khoe mẽ. Và nó rất vui nữa. Các mạng xã hội đã từ bỏ những điều này từ lâu rồi. Nếu họ muốn tiếp tục thu hút được thế hệ Z (sinh ra từ sau năm 1995) và trên nữa, có lẽ đã đến lúc học hỏi đôi chút từ Fortnite.