Không chỉ dừng lại ở những cuộc điện thoại, thủ đoạn của kẻ gian giả mạo Ngân hàng lừa đảo đã được nâng cấp lên một bước mới

24/07/2022 21:42 PM | Kinh doanh

Các phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi và được đầu tư để khách hàng dễ "nhầm lẫn". Kẻ gian sử dụng logo, biểu mẫu của ngân hàng. Thậm chí còn có văn bản giả mạo con dấu của ngân hàng.

Gian lận trong lĩnh vực ngân hàng đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại, gây ra những thiệt hại đáng kể về tài chính và phi tài chính cho ngân hàng, khách hàng, các bên liên quan khác và nền kinh tế.

Các hình thức lừa đảo trực tuyến cũng ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Những kẻ lừa đảo không ngừng giăng ra nhiều cái bẫy mới, ngày càng tinh vi hơn.

Trong cuộc chiến nhằm bảo vệ lợi ích của khách hàng và ngân hàng, động thái rõ rệt nhất có thể thấy ở các nhà băng là thường xuyên phát đi các cảnh báo trong đó liên tục "update" những thủ đoạn lừa đảo mới.

Mới đây, ngân hàng Vpbank đã phát đi cảnh báo thủ đoạn giả mạo email từ Vpbank gửi sao kê thẻ tín dụng để lừa đảo.

Cụ thể, kẻ gian đã gửi sao email sao kê giả mạo với nội dung thông báo khách hàng đang có dư nợ thẻ tín dụng cần thanh toán. Sau đó, kẻ gian sẽ gọi điện cho khách hàng và tự xưng là nhân viên ngân hàng để hướng dẫn cũng như thúc ép khách hàng thanh toán dư nợ.

Kẻ gian sử dụng email hiển thị "Dich vu khach hang Vpbank" cùng biểu mẫu và logo thương hiệu của ngân hàng này để gửi thông báo sao kê thẻ tín dụng với dư nợ là 15.xxx.xxx đồng hoặc một số tiền bất kỳ.

Vpbank khuyến cáo tất cả các email khách hàng nhận được có tên miền khác với @vpbank.com.vn dù có tên hiển thị là Vpbank, đều là giả mạo. Quý khách hàng tuyệt đối không thực hiện theo các hướng dẫn trong email như click vào đường link hoặc nhập mã OTP để tránh mất tiền.

Không chỉ dừng lại ở những cuộc điện thoại, thủ đoạn của kẻ gian giả mạo Ngân hàng lừa đảo đã được nâng cấp lên một bước mới - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa. Nguồn Vpbank

Trước đó, hồi tháng 6, Vpbank đã phát đi cảnh báo về hành vi giả mạo VPBank cho vay tiền qua App.

Qua điều tra, VPBank phát hiện ra app VAY TOT credit tự mạo danh là app vay tiền của VPBank yêu cầu khách hàng đóng một khoản phí để được giải ngân tiền.

Chiêu trò lừa đảo của VAY TOT credit cụ thể như sau: gửi thông tin hỗ trợ khoản vay lên tới 1 tỷ đồng, yêu cầu khách hàng nhấn vào link 3iv.cc/Dny5Ddeswmdg để đăng ký vay 70 triệu. Kẻ mạo danh sẽ liên hệ với khách hàng qua Zalo 0921142671 yêu cầu Khách hàng hoàn tất hồ sơ xét duyệt sau đó vào ứng dụng rút tiền về tài khoản của khách hàng.

Thực tế khách hàng vào ứng dụng thực hiện rút tiền thì báo lỗi và kẻ gian gọi điện yêu cầu cung cấp tên, số tài khoản Ngân hàng, CMND để sửa đổi giúp.

Kẻ lừa đảo tinh vi gửi đến khách hàng 01 Bản điều khoản thay đổi số tài khoản (có dấu đỏ giả mạo con dấu của VPBank) thông báo nạp 10% khoản vay tương đương với 7 triệu VNĐ để thay đổi số tài khoản (chuyển khoản tới số tài khoản của kẻ lừa đảo) và hứa số tiền này sẽ được hoàn trả vào tài khoản cùng số tiền vay.

Không chỉ Vpbank mà tất cả các ngân hàng đều là đối tượng bị kẻ gian nhắm tới tập khách hàng có quan hệ giao dịch tài khoản hoặc thẻ tín dụng.

Ngân hàng Techcombank trong 1 thông cáo gửi đến khách hàng trên trang chủ cũng liệt kê những thủ đoạn lừa đảo phổ biến. Bao gồm:

(i) Giả danh Ngân hàng, gọi điện, nhắn tin từ số điện thoại lạ thông báo Khách hàng đã trúng thưởng lớn, sau đó gửi đường dẫn tới các website giả mạo Ngân hàng ( VD : www. tcbtrian.com ), mục đích lừa và yêu cầu Khách hàng hoàn tất thủ tục nhận thưởng bằng cách cung cấp các thông tin bảo mật của tài khoản bao gồm : số CMND, số điện thoại, địa chỉ email, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, SmartOTP, số thẻ...

(ii) Làm quen và tạo lòng tin, sau đó nhờ mở tài khoản/thẻ, đăng ký dịch vụ Ngân hàng điện tử và mua lại với giá cao; nhằm sử dụng vào mục đích sử dụng để lừa đảo, rút tiền mặt tại nước ngoài hoặc chuyển tiền.

(iii) Giả danh người thân, bạn bè hoặc khách hàng để gửi các hướng dẫn đăng nhập vào các đường dẫn, trang mạng giả mạo hoặc đề nghị tải các ứng dụng độc hại, từ đó đánh cắp thông tin bảo mật tài khoản.

(iiii) Giả danh là cán bộ công an, Viện kiểm sát hoặc nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo tài khoản bị tội phạm xâm nhập và yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật tài khoản.

Một thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng vẫn có 1 số người mắc bẫy được Ngân hàng Tienphongbank cảnh báo liên quan đến thẻ tín dụng. Đó là giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện tới các chủ thẻ tín dụng để chào mời khách hàng sử dụng ưu đãi rút tiền/đáo hạn từ thẻ tín dụng.

Để thực hiện được việc rút tiền từ thẻ tín dụng, đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân như số thẻ, số CVV bảo mật. Để thực hiện dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng (là 1 hình thức rút tiền mặt), đối tượng yêu cầu khách hàng thực hiện qua các máy POS bất hợp pháp. Từ đó kẻ xấu có thể lấy được các thông tin của khách hàng và trục lợi bất hợp pháp.

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM