Thực hư về chuyện Vietcombank nâng "trần" độ tuổi tuyển dụng lên mốc 40 tuổi?

18/07/2022 16:15 PM | Kinh doanh

Không chỉ Vietcombank mà với các ngân hàng, doanh nghiệp khác, mốc 35 tuổi từ lâu nay vẫn là cận trên tuyển dụng ứng viên.

Mới đây thông tin Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank tuyển ứng viên 40 tuổi đã gây xôn xao cộng đồng "banker" (những người làm việc trong ngành ngân hàng).

Từ trước tới nay, bước chân được vào nhà băng này là ước mơ của nhiều bạn trẻ và cả những người không còn trẻ vì môi trường làm việc chuyên nghiệp và chế độ lương thưởng, đãi ngộ hấp dẫn.

Tiêu chuẩn hồ sơ vào Vietcombank khá gắt gao từ vòng hồ sơ, với hàng loạt các yêu cầu từ bằng cấp, trường đại học, chuyên ngành, ngoại hình... Đặc biệt, nhiều năm nay, Vietcombank nói riêng và các ngân hàng nói chung đặt ra mức trần 35 tuổi cho các chức danh không phải quản lý.

Vậy nhưng, thông báo tuyển dụng nhân sự đợt VI/2022 trên webiste của Vietcombank mới đây đã nâng mức tuổi ứng viên có thể ứng tuyển lên 40 tuổi.

Thực hư về chuyện Vietcombank nâng trần độ tuổi tuyển dụng lên mốc 40 tuổi? - Ảnh 1.

Nguồn: VCB

Cụ thể đây là mức trần về độ tuổi quy định cho các vị trí tuyển dụng yêu cầu có kinh nghiệm tại một số đơn vị. Các vị trí tuyển dụng không yêu cầu có kinh nghiệm vẫn giới hạn không quá 35 tuổi tại thời điểm nộp hồ sơ.

Thông tin đăng tuyển này cũng bỏ đi điều kiện về bằng tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi, thay vào đó ứng viên cần có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm công tác trong các tổ chức tín dụng, trong đó tối thiểu có 02 năm kinh nghiệm về tín dụng.

Đợt tuyển dụng tập trung này, có tất cả 25 chỉ tiêu cán bộ có kinh nghiệm vào làm việc tại một số Chi nhánh Vietcombank trong cả nước như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang,... 

Thực hư về chuyện Vietcombank nâng trần độ tuổi tuyển dụng lên mốc 40 tuổi? - Ảnh 2.

Nguồn: VCB

Ở độ tuổi sau 35, dường như cánh cửa để thay đổi công việc với nhiều người trở nên hẹp dần khi nhà tuyển dụng đánh giá về sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình,... với nhân sự nhóm này trở nên "kém hấp dẫn".

Ở đất nước láng giềng Trung Quốc, sinh nhật lần thứ 35 của nhiều người giờ đây không khác gì lời nguyền, đặc biệt là những người mất việc, theo truyền thông nước này.

Trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng trở nên khốc liệt và khan hiếm hơn do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều quảng cáo tuyển dụng ở Trung Quốc hiện nay đặt giới hạn độ tuổi ứng viên là 35, khiến không ít người cận kề ngưỡng tuổi trung niên cảm thấy không chắc chắn về tương lai của họ.

Những phàn nàn về tình trạng phân biệt tuổi tác trên thị trường việc làm, bao gồm cả các vị trí trong ngành dịch vụ, đang tràn ngập mạng xã hội Trung Quốc. Truyền thông nhà nước thậm chí còn đặt tên cho xu hướng này là "Hiện tượng tuổi 35".

Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn, bình quân độ tuổi của công nhân lao động trong các doanh nghiệp chỉ là 31,2 tuổi, trong đó công nhân lao động trong các doanh nghiệp điện – điện tử là 26,9 tuổi; dệt may – giày da là 29,5 tuổi; chế biến – chế tạo là 30,9 tuổi…và thời gian trung bình công nhân lao động làm cho các doanh nghiệp chỉ là 6-7 năm.

Điều này chủ yếu là do các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) đang có xu hướng chấm dứt hợp đồng với công nhân lao động từ 35 tuổi trở lên. Sa thải lao động trên 35 tuổi nhiều nhất đa phần là doanh nghiệp trong ngành may mặc, dệt may, điện tử…

Càng lao động phổ thông, lao động đơn giản không có kỹ năng và kiến thức lại càng có nguy cơ "bơ vơ" sau độ tuổi 35.

Với những lĩnh vực phi sản xuất, trong tuyển dụng mới, đa phần các doanh nghiệp cũng đặt ra giới hạn mức tuổi 35 cho các vị trí không phải quản lý.

Tuy nhiên, với một số công việc đòi hỏi "chất xám" hay kỹ năng giải quyết vấn đề, kiến thức chuyên môn,... thì kinh nghiệm lại là một lợi thế rất lớn. Người trên 30 tuổi cũng có được độ chín chắn nhất định khi xử lý các tình huống, giải quyết các mối quan hệ và thường có tính nhẫn nại, bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc tốt hơn so với những người trẻ.

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM