Không bán được tài sản, doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc thiếu tiền trầm trọng
Phần đông người/doanh nghiệp mua tiềm năng trên thị trường cũng chính là những doanh nghiệp bất động sản, tuy nhiên theo hạn chế của chính sách “ba lằn ranh đỏ”, nhiều doanh nghiệp cũng hạn chế thâu tóm tài sản lớn.
Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đang cố gắng huy động nguồn tiền cần thiết bằng việc bán bớt đi tài sản. Tuy nhiên họ không dễ làm như vậy bởi hiện khá khó để tìm được người mua trong bối cảnh bản thân toàn ngành bất động sản Trung Quốc đang khó khăn khi doanh số bán nhà giảm sâu và Bắc Kinh đẩy mạnh chính sách hạn chế cho vay.
Theo Bloomberg, tập đoàn Evergrande của Trung Quốc vào tháng trước đã ngừng đối thoại để bán cổ phần kiểm soát trong hoạt động quản lý bất động sản để dự kiến thu về khoảng 2,6 tỷ USD.
Kế hoạch bán tòa tháp văn phòng tại Hồng Kông cũng không đạt kỳ vọng. Cùng lúc đó, đã có những vụ phá sản do không bán được tài sản. Công ty Modern Land China đã vỡ nợ với khoản trái phiếu 250 triệu USD trong tuần trước sau khi không thể bán được tài sản. Tập đoàn Oceanwide Holdings cùng lúc cũng bán tòa nhà tổ hợp văn phòng tại Bắc Kinh sau khi một doanh nghiệp thành viên phá sản.
Việc không thể bán được tài sản đã khiến cho tình trạng thiếu tiền mặt tại một trong số những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất trở nên tồi tệ hơn, nhiều trong số này đã không thể tiếp cận được với các thị trường tài chính do chi phí lãi vay tăng cao và chính sách ba lằn ranh đỏ của Bắc Kinh nhằm hạn chế tín dụng trong ngành.
“Phần đông người/doanh nghiệp mua tiềm năng trên thị trường bất động sản cũng chính là những doanh nghiệp bất động sản, tuy nhiên theo hạn chế của chính sách “ba lằn ranh đỏ”, nhiều doanh nghiệp cũng hạn chế thâu tóm tài sản lớn”, giám đốc tại S&P Global Ratings – ông Matthew Chow nói. Ông Chow khẳng định trong bối cảnh hiện nay, ngay cả những doanh nghiệp có thanh khoản dồi dào cũng có xu thể giữ tiền mặt.
Đã nhiều năm nay, các công ty bất động sản, từ Dalian Wanda cho đến tập đoàn Seazen đã có thể vượt qua khó khăn tài chính bằng cách bán ra rất nhiều đất, các dự án bất động sản hay các loại tài sản. Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trong đó có Evergrande, Sunac China Holdings hay China Vanke từng là những doanh nghiệp mua gom nhiều các tài sản kiểu này.
Giờ đây mọi chuyện không còn như vậy nữa, cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande ngày một tồi tệ hơn khi Bắc Kinh siết chặt hoạt động cho vay tín dụng mới. Trong nhóm khoảng 30 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh số, khoảng 2/3 các công ty đã vượt quá một trong ba tiêu chí mà chính phủ Trung Quốc đưa ra. Công ty bất động sản bị cấm tăng vay tiền nếu phá vỡ cả ba tiêu chí trên.
Chuyên gia phân tích tín dụng tại Lucror Analytics, ông Chuanyi Zhou, nhận xét: “Các dự án bất động sản thường đi kèm với nợ. Có rất ít thành viên thị trường sẵn sàng chấp nhận có thêm nợ trong bối cảnh hiện tại”.
Tình trạng thiếu tiền mặt tại Evergrande đã làm xói mòn niềm tin trong lĩnh vực bất động sản vốn được tính toán đóng góp khoảng 25% vào GDP Trung Quốc. Nỗi lo về tình trạng lây lan rắc rối tài chính khi mà ít nhất 4 công ty bất động sản đã vỡ nợ với trái phiếu bằng đồng USD trong tháng trước đang ngày một lớn dần. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ với khoản trái phiếu ước tính khoảng 9 tỷ USD, các công ty bất động sản chiếm khoảng 30% trong số này.
Giá nhà đi xuống và sự suy giảm của thị trường bất động sản làm cho việc bán tài sản trở nên khó khăn. Tháng 9/2021, giá bất động sản nhà ở giảm lần đầu tiên trong 6 năm, cũng lúc đó lượng bất động sản không bán được lên mức cao nhất từ ít nhất năm 2018. Doanh số bán bất động sản mới tính theo diện tích tại 100 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất trong tháng 10 giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của China Real Estate. Doanh số bán bất động sản có thể giảm trong khoảng thời gian còn lại của năm.