[Khởi nghiệp] Thương hiệu của bạn đã được bảo hộ chưa ?

13/07/2015 19:35 PM |

Các nhà khởi nghiệp trẻ cần phân biệt 2 khái niệm thương hiệu (brand) và nhãn hiệu (marks).

Trong một cuộc khảo sát do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện mới đây, chỉ có 4,2% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu là vũ khí trong cạnh tranh; 5,4% cho rằng thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu sẽ giúp bán hàng được giá cao hơn và đem lại niềm tự hào cho người tiêu dùng.

Có thể thấy trong sân chơi toàn cầu hóa như hiện nay, doanh nghiệp VN vẫn chưa đánh giá đúng giá trị trong việc xây dựng và bảo vệ tài sản thương hiệu của mình. Hiểu được sự cấp thiết của vấn đề này đối với lớp doanh nhân trẻ, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP HCM (BSSC) phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ phía Nam đã tổ chức buổi hội thảo “Startup và Bảo hộ thương hiệu” tại Thành Đoàn Tp HCM vừa qua.

Cần sớm đăng ký bảo hộ về nhãn hiệu

Bà Ngô Phương Trà – Đại diện Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ phía Nam cho biết, các nhà khởi nghiệp trẻ cần phân biệt 2 khái niệm thương hiệu (brand) và nhãn hiệu (marks). Vì Thương hiệu là một đối tượng không được bảo hộ, nó chỉ là giá trị mà khách hàng cảm nhận được từ sản phẩm và được doanh nghiệp định vị bằng nhiều cách và trên nhiều yếu tố, trong đó có nhãn hiệu.

Ví dụ như khi nhắc đến Nokia là sự bền bỉ, Apple là sự sang trọng và tân tiến. Còn Nhãn hiệu là đối tượng được bảo hộ bao gồm tên và những hình ảnh được nhà sản xuất in trên sản phẩm.

Bà Ngô Phương Trà (trái) và bà Trương Lý Hoàng Phi - giám đốc BSSC.

Bà Ngô Phương Trà (trái) và bà Trương Lý Hoàng Phi - giám đốc BSSC.

Mọi tranh chấp về nhãn hiệu sẽ được căn cứ vào thời điểm đăng ký ở cục Sở hữu trí tuệ. Theo bà Trà, các startup nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình với tư cách cá nhân rồi sau đó chuyển giao quyền sử dụng cho doanh nghiệp khi đã có giấy phép kinh doanh.

Tuy thời gian thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu là 1 năm nhưng thời gian bảo hộ được xác lập ngay từ ngày nộp đơn. Vì vậy các startup cần sớm đi đăng ký điều này. Thời gian bảo hộ của nhãn hiệu là 10 năm và doanh nghiệp có quyền gia hạn vô hạn lần. Phí đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trọn gói tại các công ty luật là 1,6 triệu. Ngoài ra trong lúc đăng ký bảo hộ, nếu như chưa đủ tài chính, có thể nộp đơn đăng ký giữ chỗ.

Phạm vi của các quyền bảo hộ sử hữu công nghiệp nói chung là chỉ giới hạn trọng một nước. Vì vậy để hạn chế rũi ro phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý dai dẳng và tốn kém như trường hợp của cty võng xếp Duy Lợi, các doanh nghiệp trẻ phải có các biện pháp đăng ký bảo hộ từ sớm ở những thị trường nước ngoài có tiềm năng trong tương lai.

Trước khi đến đăng ký bảo hộ, người đăng ký phải xác định rõ đối tượng cần bảo hộ. Ví dụ như mô hình kinh doanh mới như chăm sóc cây trồng và theo dõi qua mạng sẽ không được bảo hộ nhưng phần mềm vận hành và theo dỗi sẽ được bảo hộ. Hoặc truy cập vào trang web của cục tại http://www.noip.gov.vn/ để hiểu rõ hơn các quy định và quy trình.

Những lưu ý về bí mật kinh doanh

Bí mật kinh doanh (bí mật thương mại) là những thông tin kinh doanh mang lại lợi thế cho người có nó, vượt qua những hiểu biết thông thường và người sở hữu có các biện pháp bảo vệ cần thiết để không bị tiết lộ như các loại giấy tờ về kế hoạch phát triển sản phẩm, chiến lược kinh doanh, doanh mục đầu tư… Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh cũng có thể được xác lập hiển nhiên và không cần đăng ký ở cơ quan có thẩm quyền. Nhưng doanh nghiệp phải ý thức bảo vệ những thông tin đó, bằng cách ràng buộc trong thỏa thuận với đối tác hoặc hợp đồng lao động đối với công nhân. Mọi tranh chấp sau này chỉ được giải quyết trên căn cứ các thỏa thuận ấy.

Do chưa có quy định cho việc đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh nên doanh nghiệp chỉ có thể đăng ký dưới hình thức sáng chế, thời hạn đối với sáng chế là 20 năm đối với vòng đời của một doanh nghiệp. Sau 20 năm, tài sản trí tuệ sẽ được thế giới sử dụng miễn phí. Vì vậy khi đăng ký bằng sáng chế, nếu đó là một tri thức khó sao chép và mang đến lợi thế canh tranh lâu dài thi các doanh nghiệp phải cân nhắc.

Ví dụ công thức chế biến đố uống của Coca Cola là một bí mật kinh doanh. Chỉ một vài người trong công ty biết được công thức này và những người này đã ký hợp đồng không được tiết lộ. Mặc khác công thức đó được giữ bí mật trong một chiếc hầm của ngân hàng ở Atlanta, bang Georgia. Chính vì quyết định giữ bí mật công thức này thay vì đăng ký cấp bằng sáng chế, đến nay hơn 20 năm, công ty Coca Cola vẫn là doanh nghiệp duy nhất có thể sản xuất được loại nước uống đặc biệt được toàn cầu ưa chuộng.

Đối với các cuộc thi khởi nghiệp kinh doanh, tuy không phải thông tin nào cũng có thể dễ dàng mang đi hiện thực hóa được, nhưng bà Phương Trà lưu ý các thí sinh phải cân nhắc trong việc đưa ra những thông tin quan trọng, để bảo vệ ý tưởng sản phẩm và dự án của mình. Nếu cần thiết, phải lập biên bản thỏa thuận với ban tổ chức và các nhà đầu tư tiềm năng.

Tài sản trí tuệ cũng như những tài sản khác, chủ sở hữu phải có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ, cơ quan có thẩm quyển chỉ can thiệp khi có tranh chấp.Vì vậy, để tránh trường hợp kiện tụng kéo dài và hao tốn chi phí, việc trang bị những kiến thức về bảo hộ tài sản trí tuệ là vô cùng cần thiết.

Thế Cường

Cùng chuyên mục
XEM