Khởi động cuộc chiến Bigtech, siết chặt Evergrande trên thị trường bất động sản, viễn cảnh "thịnh vượng chung" của Trung Quốc đang gặp những thách thức gì?

30/09/2021 14:50 PM | Kinh doanh

Con đường đi đến "thịnh vượng chung" của Trung Quốc gặp phải những "hòn đá tảng" nào?

Những “hòn đá tảng” dần lộ diện

Tiêu dùng đã bùng nổ ở Trung Quốc từ năm 1990 đến năm 2017, tiêu dùng bình quân trên mỗi người đã tăng gần gấp tám lần, cao hơn gấp đôi mức tăng ở Ấn Độ. Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về ô tô, điện thoại thông minh, xa xỉ phẩm và bia rượu.

Nhưng có một góc khuất trong sự trỗi dậy của Trung Quốc là khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng. Xu hướng này càng trở nên trầm trọng hơn. Hệ thống quản lí cư trú khiến người dân nông thôn khó chuyển sang định cư ở thành thị.

Khoảng cách thu nhập tăng mạnh từ những năm 1990. Trung Quốc giờ đây là một trong những nước có chênh lệch giàu nghèo cao nhất thế giới với 1% người giàu nhất nắm giữ 1/3 tổng tài sản quốc gia. Trung Quốc có nhiều tỷ phú hơn Mỹ, mặc dù thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/5.

Mặc dù đã đề ra chương trình nghị sự "thịnh vượng chung" nhưng theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc khó có thể kéo giảm sự bất bình đẳng này. Trong thập kỷ vừa qua, tuy đã xây dựng hệ thống an sinh xã hội với đầy đủ bảo hiểm y tế và lương hưu cho người dân nhưng các khoản này vẫn như muối bỏ bể.

Khởi động cuộc chiến Bigtech, siết chặt Evergrande trên mặt trận bất động sản, lấy doanh nghiệp nhà nước kiểm soát tư nhân, viễn cảnh thịnh vượng chung của Trung Quốc còn lắm chông gai. Vì sao ? - Ảnh 1.

Trung Quốc chưa có cải cách nào đáng kể về thuế trong những thập kỷ qua. Chính phủ nước này chưa đánh thuế thu nhập đầu tư và tài sản của người giàu, vốn là những nguồn thu cơ bản ở các nền kinh tế phát triển.

Vào tháng 6/2021, chính phủ Trung Quốc chỉ định Chiết Giang - tỉnh giàu thứ ba của Trung Quốc - thí điểm các chính sách được thiết kế để giảm bất bình đẳng.

Chiết Giang là nơi đặt trụ sở chính của hai tập đoàn hàng đầu Trung Quốc là gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và nhà sản xuất ô tô Zhejiang Geely. 4 trong số 10 người giàu nhất Trung Quốc đặt trụ sở kinh doanh tại thủ phủ Hàng Châu. Khu vực tư nhân đóng góp 66% GDP của Chiết Giang, cao hơn 6% so với toàn quốc, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, Chiết Giang là một tỉnh tương đối bình đẳng giữa nông thôn và thành thị. Khá lành tính về các chỉ số đo lường tăng trưởng kinh tế và xã hội. Thêm vào đó, các công ty có xu hướng đóng góp khi ngành của họ đang đối mặt với nguy cơ bị điều tra chống tham nhũng.

Khởi động cuộc chiến Bigtech, siết chặt Evergrande trên mặt trận bất động sản, lấy doanh nghiệp nhà nước kiểm soát tư nhân, viễn cảnh thịnh vượng chung của Trung Quốc còn lắm chông gai. Vì sao ? - Ảnh 2.

"Thịnh vượng chung" với nhiều thách thức

Nhìn chung, Trung Quốc vốn đã có một bước tiến dài kể từ năm 1978 khi kinh tế vượt bậc, đóng góp rất quan trọng cho sự thành công của quốc gia này theo công thức "56789" để mô tả thành tựu của khu vực tư nhân: 50% doanh thu từ thuế, 60% GDP, 70% đổi mới, 80% việc làm và 90% doanh nghiệp toàn quốc.

Nhưng gần đây, các doanh nghiệp nhà nước lại đang nhận được nhiều ưu ái. Trung Quốc có 150.000 công ty nhà nước được hưởng các ưu đãi tín dụng. Trong nhiều ngành quan trọng, từ tài chính đến vận tải biển, chính phủ đang hướng tới "quyền kiểm soát tuyệt đối".

Một công ty chuyên giám sát ô nhiễm nguồn nước có trụ sở tại Tòa nhà The New Century Global Centre (Thành Đô, Tứ Xuyên) tiết lộ với báo giới rằng doanh nghiệp tư nhân phải hợp tác với một doanh nghiệp nhà nước khác hoạt động cùng lĩnh vực.

Điều đáng lo ngại là việc hợp tác “bất đắc dĩ” này đang trở nên kém bền hơn. Khu vực tư nhân đã bắt đầu rúng động sau cuộc chiến nhắm vào Bigtech, sự cố Evergrande, việc siết chặt vốn vay ngân hàng đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Mặt khác, chính phủ bắt đầu giảm sức ảnh hưởng về quy mô các công ty tư nhân khổng lồ như Alibaba, Baidu và Tencent bằng việc gắn với quyền sở hữu của các doanh nghiệp Nhà nước.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sử dụng lợi thế thị trường để buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ. Đây là một trong những mâu thuẫn cốt lõi của cuộc chiến thương mại của Mỹ - Trung.

Trung Quốc tạo ra nhiều bằng sáng chế hơn trong một năm so với Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản cộng lại, nhưng chưa đến 1/4 là tự phát minh.

Tham vọng về một ngành công nghiệp "Made in China 2025" vẫn đang gặp phải nhiều sự hoài nghi từ phương Tây.

Ngọc Đức

Cùng chuyên mục
XEM