Khoa học hay tâm linh: Lời giải thích nào cho những ký ức song song của người hiến tặng và người nhận tạng ghép?
Người nhận được nội tạng hiến tặng thường cảm thấy họ có trách nhiệm duy trì ký ức hoặc sở thích cũ của người hiến tạng, như một cách để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn tới người đã hi sinh mạng sống cho mình.
Tóm tắt kỳ trước:
Sau khi tỉnh dậy từ ca phẫu thuật ghép tim và hai lá phổi, Claire Sylvia, một người phụ nữ ở New England bất ngờ thốt ra lên: " Tôi thèm thèm bia chết đi được" . Điều đáng chú ý là trong suốt cuộc đời mình, Sylvia chẳng bao giờ uống bia.
Cô cũng bắt đầu cảm thấy một loạt các thay đổi kỳ lạ xảy ra với cơ thể của mình. Dáng đi của Sylvia trở nên tự tin và nam tính hơn. Cô cũng có mùi cơ thể nặng hơn.
Ngoài sở thích mới là bia, Sylvia cũng thích thêm cả kẹo Snickers, ớt xanh và gà viên chiên của McDonald's. Đặc biệt, mặc dù không phải là người đồng tính, Sylvia bây giờ lại bị thu hút bởi những cô gái tóc vàng, trẻ trung và có cơ thể phổng phao.
" Tôi cảm thấy như đang có một linh hồn thứ hai bắt đầu chia sẻ chung cơ thể này với mình" , Sylvia nói.
"Linh hồn " mà cô ấy tin rằng đang ở trong cơ thể mình là của một nam thanh niên 18 tuổi, người đã tử vong sau một tai nạn xe máy và hiến trái tim cùng hai lá phổi của mình cho Sylvia.
Tại Mỹ, các quy định về hiến tặng nội tạng không cho phép tiết lộ tên, tuổi và địa chỉ của người hiến và người nhận nội tạng. Về lý thuyết, Sylvia không thể biết được danh tính của người đã hiến trái tim cho mình.
Nhưng điều kỳ lạ đã xảy ra trong một giấc mơ, vào tháng thứ 5 sau ca phẫu thuật. Sylvia mơ thấy một chàng thanh niên cao lớn, có mái tóc màu hung tên là Tim và có họ bắt đầu bằng chữ L.
Họ đã hôn nhau và trong khoảnh khắc mà cả hai hòa vào làm một, Sylvia chắc chắn đây là người đã hiến tặng trái tim cho mình. " Một phần linh hồn và tính cách của cậu ấy bây giờ đã ở trong tôi ", cô nói.
Tỉnh dậy từ giấc mơ, Sylvia đã lục tung các chuyên mục cáo phó ở các tờ báo cũ, để tìm một thanh niên tên là Tim L, tử vong trong ngày ca ghép tim của cô được tiến hành. Kết quả, cô đã tìm được một người tên là Tim Lamirande, 18 tuổi, sống ở Saco, Maine có thông tin hoàn toàn trùng khớp.
Khi tới gặp gia đình Tim Lamirande, Sylvia đã xác nhận được toàn bộ giấc mơ của cô ấy là đúng.
Gia đình Tim Lamirande, cho biết con trai họ đã đăng ký hiến tặng, bị mất trong ngày Sylvia nhận được trái tim, vì một tai nạn xe máy. Trước đó, chàng thanh niên cũng rất thích uống bia, ăn kẹo Snickers và ớt xanh.
Ngạc nhiên hơn cả, trong cái ngày định mệnh khi Tim Lamirande gặp tai nạn, tại hiện trường, cảnh sát đã tìm thấy trong túi áo da mô tô của anh, một gói gà viên McDonald's vẫn còn đang nóng hổi.
Trên thực tế, Sylvia không phải là bệnh nhân duy nhất trải nghiệm những ký ức của người hiến tạng. Một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Near-death Studies đã báo cáo 10 trường hợp kỳ lạ được ghi nhận, trong đó, người ghép tạng có những thay đổi tính cách hoặc ký ức tương đồng với người hiến tặng.
Trong đó có kể câu chuyện về một cậu bé 5 tuổi tên là Daryl, người từng nhận được một quả tim hiến tặng từ một cậu bé 3 tuổi. Sau cuộc phẫu thuật thành công của Daryl, cha mẹ cậu bé quan sát thấy một hiện tượng kỳ lạ.
Chuyện là Daryl từng thích chơi đồ chơi siêu nhân Power Ranger, nhưng sau cuộc phẫu thuật, cậu lại tỏ ra rất sợ chúng.
Cậu bé thường kể rằng mình hay mơ thấy một người bạn nhỏ tuổi tên là "Timmy". Timmy kể với Daryl rằng cậu rất đau vì vừa bị ngã. Các giấc mơ lặp đi lặp lại của Daryl khiến cha mẹ cậu phải cất công tìm hiểu.
Sau đó, họ đã gặp được gia đình của cậu bé đã hiến tim cho con trai mình. Cậu bé tên là Thomas, nhưng có tên gọi ở nhà chính xác là "Tim". Mẹ của Tim kể lại rằng cậu bé đã bị ngã khỏi cửa sổ và tử vong khi đang cố gắng với lấy đồ chơi siêu nhân Power Ranger.
Một trường hợp đáng chú ý khác là nữ diễn viên người Pháp Charlotte Valandrey, được ghép tim vào năm 2003. Sau ca phẫu thuật, cô bắt đầu trải nghiệm nhiều hiện tượng lạ như những cơn Déjà vu mãnh liệt.
Khi đến thăm một số nơi, đặc biệt là ở Ấn Độ, Valandrey có cảm giác như mình đã tới đây rồi, thậm chí biết rõ chi tiết về những nơi chưa từng đến. Cô cũng đột nhiên thích rượu vang mặc dù trước đây không hề uống chúng.
Trong cuốn tự truyện của mình, Valandrey viết rằng mình đã liên tục gặp ác mộng về một vụ tai nạn xe hơi, trong đó đèn pha của xe ngược chiều đã làm cô lóa mắt trong mưa. Valandrey tin rằng tất cả những ký ức này là ký ức cô đã thừa hưởng từ người hiến tặng tim cho mình.
Câu chuyện khó tin nhất được kể lại bởi tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Paul Pearsall, một bác sĩ tâm lý học thần kinh tại Đại học Hawaii là về một cô bé 8 tuổi nhận được trái tim hiến tặng từ một bé gái 10 tuổi.
Bé gái này đã bị sát hại một cách rất dã man nhưng cảnh sát chưa thể tìm ra hung thủ. Khi vụ án chuẩn bị khép lại, bé gái 8 tuổi nhận được trái tim tiến tặng bất ngờ nói với mẹ mình rằng cô biết hung thủ là ai.
Mẹ của bé cho biết kể từ khi mang trái tim mới, cô bé thường xuyên gặp ác mộng và thấy một người đàn ông lạ mặt tấn công mình. Bà đã mang bé gái tới gặp một nữ bác sĩ tâm thần. Vị bác sĩ này đã ghi chép tỉ mỉ những giấc mơ của cô bé, phác thảo chân dung người đàn ông lạ mặt, vũ khí hẳn sử dụng, quần áo hắn mặc và cả khoảng thời gian xảy ra vụ án.
Sau nhiều buổi phỏng vấn, bác sĩ khẳng định đó là những gì mà cô bé thực sự mơ thấy chứ không phải chuyện bịa. Không có bất kỳ mâu thuẫn nào trong lời tự thuật của cô bé, thứ mà một bé gái 8 tuổi không thể tự nghĩ ra được.
Cả hai sau đó đã quyết định cung cấp thông tin cho phía cảnh sát. Chẳng bao lâu sau, họ đã bắt được thủ phạm gây ra vụ án mạng, từ những manh mối mà cô bé nhận trái tim hiến tặng đã cung cấp.
Ít nhất hàng trăm trường hợp có những trải nghiệm và thay đổi kỳ lạ với cơ thể sau khi ghép tạng đã được báo cáo trên các tạp chí y khoa trong vòng nửa thế kỷ trở lại đây.
Một nghiên cứu năm 1989 của các nhà khoa học Mỹ phát hiện 68% những người ghép tim gặp phải rối loạn cảm xúc sau phẫu thuật. Khoảng 45% bị rối loạn chức năng giới tính, 25% sẽ bị ảnh hưởng tới hôn nhân và gia đình.
Một số bệnh nhân sau khi nhận được trái tim cấy ghép báo cáo rằng họ không còn thấy yêu chồng hoặc vợ của mình như trước đây nữa.
Nghiên cứu năm 1992 của các nhà khoa học Áo tìm thấy 21% người nhận trái tim hiến tặng có những thay đổi về tính cách, trong khi 79% báo cáo không có những thay đổi như vậy.
Một nghiên cứu của Thụy Điển năm 2003 cũng phát hiện những thay đổi về tính cách trong tập mẫu 35 người được ghép tim và thận trong vòng 2 năm sau ca phẫu thuật.
Gần đây nhất là năm 2019, một nghiên cứu của Canada phát hiện 27 người nhận ghép tim ở tuổi vị thành niên gặp khó khăn trong việc phân biệt các khái niệm " bản thân " hay " người khác ". Họ nghĩ rằng mình đã được truyền lại một số đặc điểm của người hiến trái tim cho mình.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết những hiện tượng kể trên đều có thể được giải thích bằng một số lý thuyết tâm lý học.
Antonio Damasio, nhà tâm lý và thần kinh học nổi tiếng người Bồ Đào Nha, từng giải thích rằng cơ thể và tâm trí có mối liên hệ chặt chẽ, và sự thay đổi thể chất có thể gây ra những xáo trộn về mặt tâm lý.
Khi một người nhận một bộ phận cơ thể mới, đặc biệt là một cơ quan quan trọng như trái tim, họ có thể phát triển một cảm giác về nhận thức cơ thể rất cao. Sự thay đổi này khiến họ nhạy cảm hơn với những cảm giác mới lạ hoặc thay đổi trong hành vi của mình.
Cộng với cảm giác "phân tách" giữa cơ thể cũ và phần nội tạng mới của mình, những người vừa mới ghép tạng có thể nhầm lẫn và có cảm giác họ đang chia sẻ những ký ức hoặc sở thích cũ của người hiến tạng.
Điều này đặc biệt dễ xảy ra khi dưới tác dụng phụ của các loại thuốc chống thải ghép. Đã có bằng chứng y học cho thấy các loại thuốc này có thể gây ra tình trạng rối loạn hormone, gây ảnh hưởng tới cảm xúc, thay đổi tâm trạng và thói quen ăn uống của bệnh nhân sau ghép tạng.
Các sở thích hoặc thói quen ăn uống này sau đó có thể được chính bệnh nhân tự kỷ ám thị là sở thích của người đã hiến tạng cho họ.
Tự kỷ ám thị là quá trình mà một người tạo ra niềm tin mạnh mẽ về điều gì đó thông qua gợi ý từ bên ngoài hoặc tự suy diễn. Khi người nhận tạng biết rằng họ đang mang một bộ phận từ người khác, họ có thể tự thuyết phục bản thân rằng một số đặc điểm của người hiến đã truyền sang mình.
Quá trình này được củng cố bởi hai lý thuyết nữa trong tâm lý học là thuyết đồng nhất cá nhân và sự toàn vẹn tự thân. Người nhận tạng ghép có thể cảm thấy họ đang mang một phần cơ thể của người khác bên trong cơ thể mình. Điều này tạo ra nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa cho sự hòa hợp đó.
Tự kỷ ám thị có thể xảy ra mạnh mẽ hơn trong tình huống này, khi người nhận tạng tự thuyết phục họ rằng mình có trách nhiệm mang một phần tính cách hoặc ký ức của người đã hiến tặng nội tạng, để tiếp tục duy trì hoặc đem lại một cuộc sống mới cho họ.
Việc cảm thấy sự tồn tại của họ trong cơ thể mình giống như một cách để họ tưởng nhớ hoặc tỏ lòng biết ơn với người đã hi sinh mạng sống cho mình.
Vậy nên, không hiếm gặp các trường hợp người nhận tim, sau khi biết trái tim đó là của một vận động viên, cũng trở nên yêu thích thể thao. Một số người nhận được trái tim từ nhạc sĩ cũng trở nên yêu thích âm nhạc.
Có thể thấy, các giả thuyết về dược và tâm lý học giải thích khá tốt hiện tượng tại sao một số người sau khi ghép tạng lại có các thói quen và sở thích mới, thứ mà vì tự kỷ ám thị, họ có thể hiểu nhầm là những ký ức cũ của người hiến tạng truyền lại.
Điều này đặc biệt đúng với các ca ghép tim, bởi trái tim vốn được coi là một biểu tượng văn hóa, đại diện cho cảm xúc, sở thích và tình cảm của một người. Quan niệm này có thể bắt nguồn từ các nền văn minh cổ đại như Ai Cập và Hy Lạp, nơi trái tim không chỉ được coi là một cơ quan vật lý mà còn là nơi lưu giữ cảm xúc và trí tuệ.
Các cuộn giấy cói ở Ai Cập mô tả trái tim con người là nơi trú ngụ của linh hồn, là điểm khởi nguồn của các kênh dẫn đến tất cả các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm động mạch, tĩnh mạch, dây thần kinh và gân.
Aristotle, đại diện cho nền văn minh Hy Lạp cổ đại, cũng cho rằng trái tim là trung tâm tạo ra cả cảm xúc lẫn trí tuệ. Quan điểm của Aristotle dựa trên kinh nghiệm giải phẫu của ông khi thấy tim là nguồn gốc của các tĩnh mạch trong cơ thể và một số sinh vật dường như vẫn có thể sống một thời gian sau khi bị chặt đầu.
Giống với các nhà triết học cổ đại Phương Đông, Aristotle tin rằng trái tim dẫn " khí " – một loại năng lượng – thông suốt trong cơ thể, đi tới các bộ phận khác như một "sứ giả" truyền tin, giúp các bộ phận đó hoạt động.
Ngày nay, chúng ta biết các quan điểm này đã lỗi thời, và bị thay thế bởi thuyết lấy não làm trung tâm. Theo đó, não mới là bộ phận điều khiển cơ thể, lưu trữ ký ức và quyết định cảm xúc của chúng ta.
Các nhà giải phẫu học ngày nay thậm chí đã mạnh dạn tuyên bố: Họ hoàn toàn có thể thay trái tim con người bằng một trái tim titan, có turbine bơm máu và chạy bằng pin. Sau 2000 năm, vai trò của trái tim đã bị đẩy xuống từ chỗ chứa đựng linh hồn người xuống chỉ còn là một cỗ máy bơm máu không hơn không kém.
Thế nhưng liệu như vậy thì có quá bất công với trái tim hay không?
Một số nhà khoa học nghĩ rằng: Có!
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra trái tim của con người đang nắm giữ nhiều vai trò quan trọng hơn chúng ta tưởng. Thậm chí, có hẳn một "bộ não nhỏ" ở trong trái tim mà ít người biết đến.
Hãy cứ thử tưởng tượng đến một tình huống, trong đó, bạn đi vào một khu rừng và nhìn thấy một con gấu xám. Điều đầu tiên bạn có thể cảm thấy là gì? Chắc chắn là nhịp tim của bạn đang tăng lên.
Đó là phản ứng xảy ra của dây thần kinh phế vị, nối từ não xuống trái tim của bạn, thứ kết nối giữa cảm xúc sợ hãi ở não và nhịp đập của trái tim. Càng ngày, các nhà khoa học đã khám phá ra nhiều con đường giao tiếp thần kinh giữa não và trái tim.
Ví dụ, họ đã phát hiện ra một tập hợp khoảng 700-1.500 hạch thần kinh khu trú trong tim có thể hoạt động độc lập với tín hiệu từ não bộ. Mỗi hạch thần kinh lại chứa từ 200-1.000 tế bào neuron, tạo thành một hệ thần kinh nội tim có thể có từ 140.000-1.500.000 tế bào thần kinh.
Vì quy mô này, nó còn được gọi là "bộ não thu nhỏ" của trái tim.
" Trái tim nhận thông tin từ não về trạng thái bên trong và môi trường của chúng ta, và nó điều chỉnh để duy trì các đầu ra như nhịp tim, huyết áp, v.v. Nhưng các sợi thần kinh được tìm thấy đi ngược vào 'não nhỏ' của tim giống như một vòng lặp bên trong mà các kỹ sư gọi là bộ điều khiển cục bộ" , Tiến sĩ Raj Vadigepalli, một giáo sư tại Đại học Thomas Jefferson, người có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu giải phẫu tim mạch cho biết.
Trong các thí nghiệm của mình, giáo sư Vadigepalli phát hiện khi bộ não thu nhỏ ở trái tim hoạt động, nó sẽ giao tiếp liên tục với não bộ để tinh chỉnh các hoạt động của tim. Khi nó bị tắt đi, tim không còn điều chỉnh được các nhiễu loạn cục bộ và vòng lặp bên ngoài đến não phải được huy động thay thế.
Điều này khiến hệ thống kiểm soát kém hiệu quả hơn. Nếu vòng lặp bên trong không đóng vai trò kiểm soát thiệt hại này, tim có thể trở nên bất thường, dẫn đến nhịp tim không đều hoặc các rối loạn nhịp tim khác.
Nhưng liệu bộ não thu nhỏ trong trái tim có thể lưu trữ ký ức hay không? Đó là một câu hỏi mà các nhà khoa học vẫn đang cố gắng trả lời. Nếu có, đây có thể là lời giải thích cho hiện tượng chuyển giao ký ức giữa người hiến tạng và người nhận tạng ghép.
Và trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học nghĩ rằng họ đang có một giả thuyết khả thi. Giả thuyết này cho rằng ký ức không chỉ được lưu trữ ở não bộ chúng ta, mà còn có thể tồn tại rải rác bên trong mỗi tế bào của cơ thể, bao gồm cả tế bào tim.
Điều này sẽ thách thức các quan điểm truyền thống của y học và thần kinh hiện nay, đang lấy bộ não làm trung tâm. Nhưng liệu nó có đủ làm hồi sinh một phần quan điểm của Aristotle và các nhà triết học của Hy Lạp, Ai Cập cổ đại về trái tim con người?
Mời bạn đọc đón xem trong phần tiếp theo: Nếu ký ức tồn tại trong trái tim: Liệu một phần người hiến tim vẫn còn sống trong cơ thể người nhận tạng ghép?