Khoa học chứng minh nếu mỗi tuần khóc một lần cuộc đời bạn sẽ hết stress
Nhật Bản chủ động khuyến khích người dân của mình nhận lấy lợi ích sức khỏe từ việc khóc.
Nếu bạn từng xem một bộ phim lấy đi nước mắt và cảm thấy tốt hơn sau đó, bạn sẽ biết được sức mạnh của việc khóc.
Hiện tại, có vẻ như Nhật Bản chủ động khuyến khích người dân hiểu được lợi ích từ việc khóc.
Hidefumi Yoshida, người được mệnh danh là "thầy giáo nước mắt" đã và đang giảng về tầm quan trọng của việc khóc với các công ty và trường học trong gần sáu năm.
Ông nói với tờ Japan Times: "Việc khóc có hiệu quả hơn cười hoặc ngủ trong việc giảm căng thẳng. Nếu khóc một tuần một lần, bạn có thể sống một cuộc sống không có sự căng thẳng."
Năm 2014, Yoshida hợp tác với Hideho Arita, giáo sư tại Khoa Y Đại học Toho và những người khác để nâng cao nhận thức về việc khóc có thể giảm căng thẳng như thế nào. Năm 2015, Nhật Bản đưa ra chương trình kiểm tra stress bắt buộc đối với các công ty có từ 50 nhân viên trở lên. Từ đó đến nay, ông Yoshida liên tục được mời đến nói chuyện về việc khóc.
Sức khỏe tinh thần toàn cầu
Số vụ tự tử ở Nhật Bản trên mỗi 100,000 dân từ 2008 đến 2017
Giống như các nước khác, gần đây Nhật Bản mới bắt đầu công khai đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tinh thần mà một số cá nhân gặp phải. Đến cuối những năm 1990, trầm cảm không phải là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi ngoài ngành tâm thần.
Nhưng sự kỳ thị vẫn tồn tại. Trong một nghiên cứu của trường Kinh tế London vào năm 2016 tại 8 quốc gia, nhân viên ở Nhật thường hiếm khi nói cho nhà tuyển dụng biết về trầm cảm nhất, sau đó là Mỹ. Làm việc quá sức là một vấn đề lớn đến nỗi Nhật Bản phát minh ra một từ - karoshi - cho cái chết gây ra bởi làm việc quá độ.
Mặc dù Nhật Bản được biết đến một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất ở các nước phát triển, nhưng con số đã giảm đi ⅓ (38%) sau mức cao nhất vào năm 2003, xuống còn 21,321 trường hợp trong năm 2017. Tuy vậy, mức 16,6 cho mỗi 100.000 vẫn còn quá cao - trong các nước thuộc G20, Nhật Bản có tỷ lệ tử tử cao thứ 3, sau Hàn Quốc (25,8) và Nga (19,3).
Hơn 90% những người có ý định tử tử bị trầm cảm. Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào Ngày sức khỏe tinh thần thế giới vào tháng 10, một nửa số bệnh tâm lý bắt đầu ở tuổi 14, nhưng phần lớn các trường hợp không được phát hiện và chữa trị. Tự tử là nguyên nhân gây ra cái chết nhiều thứ hai ở người trẻ trong độ tuổi 15 đến 29.
Trong Kế hoạch hành động vì sức khỏe tinh thần 2013-2020, WHO đã báo cáo rằng trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây tàn tật lớn nhất thế giới và chiếm 4,3% tỷ lệ bệnh tật toàn cầu.
Tác động kinh tế là rất lớn. Nghiên cứu của LSE ước tính trầm cảm tiêu tốn của Brazil, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nam Phi và Hoa Kỳ hơn 246 tỷ USD mỗi năm. Với riêng Nhật Bản, con số này là 14 tỷ USD do mất năng suất vì nhân viên báo nghỉ ốm hoặc làm việc không có năng suất.
Khoảng cách toàn cầu giữa nhu cầu điều trị và cung ứng vẫn còn lớn. Chi tiêu hàng năm cho sức khỏe tinh thần ít hơn 2 USD mỗi người, và ít hơn 0,25 USD ở các nước thu nhập thấp.
Ở những quốc gia có mức thu nhập cao, khoảng 35-50% mọi người không được điều trị những vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng so với khoảng 76-85% những người thuộc những nước có thu nhập thấp và trung bình.
Khóc giúp ích như thế nào?
Trong một nghiên cứu ở 30 quốc gia, phần lớn thừa nhận họ có cảm thấy tốt hơn sau khi khóc, trong khi hơn 70% các bác sĩ lâm sàng khuyến khích bệnh nhân của mình khóc.
Cơ thể tạo ra ba loại nước mắt: phản xạ, giúp loại bỏ các chất kích thích; liên tục, giữ cho mắt ẩm; cảm xúc, có những lợi ích sức khỏe nhất định.
Đầu những năm 1980, tiến sĩ William Frey tại Trung tâm Y tế Ramsey ở Minneapolis, đã thực hiện một số nghiên cứu đầu tiên về lý do con người khóc và phát hiện ra nước mắt cảm xúc - hay ông còn gọi nó là "nước mắt do tâm lý" - chứa các hormon căng thẳng tuôn ra khi chúng ta khóc.
Ông phát biểu với tờ New York Times: "Khóc là một quá trình ngoại tiết… trong đó một chất thoát ra khỏi cơ thể. Những quá trình ngoại tiết khác như thở ra, đại tiện, tiểu tiện và đổ mồ hôi, giải phóng các chất độc hại khỏi cơ thể. Có mọi lý do để thấy khóc cũng làm điều tương tự, giải phóng các chất hóa học mà cơ thể tạo ra khi bị căng thẳng."
Cũng có cả bằng chứng rằng khóc làm chậm nhịp thở, khiến chúng ta thư giãn, và kích thích sản xuất endorphin khiến tâm trạng của bạn tốt hơn.
Junko Umihara, giáo sư tại Trường Y Nippon nói với tờ Thời báo Nhật Bản: "Khóc là một hành động tự vệ chống lại căng thẳng tích lũy."
Tiến sĩ Frey nói rằng, việc ngăn bản thân khóc vì chúng ta thấy đó là dấu hiệu của yếu đuối thực chất có thể làm tăng khả năng bị các vấn đề tâm lý của chúng ta.
"Trong xã hội của chúng ta, đàn ông nói riêng, không có can đảm để khóc. Nếu việc khóc làm giảm ảnh hưởng của sự căng thẳng, nếu kìm nén nước mắt chúng ta có thể nâng cao khả năng mắc các chứng rối loạn liên quan đến căng thẳng."