Khó thở sau bữa ăn, vì sao?
Đôi khi bạn cảm thấy hơi khó thở hơn sau bữa ăn. Nếu điều này gặp thường xuyên hơn thì có thể là do một nguyên nhân tiềm ẩn thậm chí là nghiêm trọng nào đó.
6 nguyên nhân phổ biến gây khó thở sau bữa ăn
Ăn quá nhiều hoặc quá nhanh: Dạ dày sẽ trở nên phình to hơn sau bữa tiêu thụ nhiều thức ăn hoặc nuốt thức ăn quá nhanh. Bạn cũng có thể cảm thấy vùng bụng trên căng phồng lên, kết quả của việc nuốt quá nhiều không khí trong khi ăn nhanh ăn vội, hoặc ăn nhiều. Dạ dày phình giãn ra và ép vào cơ hoành sẽ làm cho bạn khó thở sau ăn.
Cách ngăn ngừa điều này rất đơn giản, chỉ cần ăn lượng thức ăn vừa phải và nuốt thức ăn của bạn từ từ để tránh khó thở sau bữa ăn.
Dị ứng thực phẩm: Dị ứng thức ăn có thể dẫn đến khó thở. Đó là khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức đối với thực phẩm hoặc các chất chứa trong thực phẩm đó. Bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có thể gây dị ứng cho một ai đó, nhưng gây dị ứng phổ biến nhất là lạc (đậu phộng), trứng, lúa mì, sữa, cá, sò ốc, tôm, cua... Một số loại hạt như hạt cải (mù tạt) và hạt vừng cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Một số thực phẩm có thể gây dị ứng đến khó thở sau ăn.
Hạn chế tiếp xúc và tiêu thụ với các chất hoặc thực phẩm gây dị ứng giúp ngăn ngừa hiệu quả chứng khó thở sau khi ăn.
Các bệnh lý phổi hoặc đường thở: Bạn có thể bị hụt hơi sau khi ăn nếu bạn có vấn đề về phổi và đường thở. Đường hô hấp bị tắc do chất nhầy hoặc đờm sẽ làm cho không khí di chuyển vào và ra phổi trở nên khó khăn khiến bạn cảm thấy không thở được. Bạn cũng có thể cảm thấy khó thở khi bạn bị hen suyễn.
Viêm phổi cũng có thể gây ho và thở gấp. Sử dụng kháng sinh là cách để đối phó hiệu quả với nhiễm trùng. Nếu bạn bị viêm phế quản phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tình trạng khó thở có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn. Các nguyên nhân nghiêm trọng khác gây khó thở bao gồm các khối u trong vùng thực quản, khí quản...
Hãy trao đổi với bác sĩ để loại trừ khả năng có bất kỳ vấn đề gì nghiêm trọng liên quan phổi và đường thở.
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản: Trào ngược dạ dày - thực quản cũng có thể là nguyên nhân của khó thở sau khi ăn. Đó là một tình trạng mà trong đó thực quản dưới của bạn mở ra không hợp lý, cho phép acid và thực phẩm từ dạ dày di chuyển ngược lên và đi vào thực quản.
Tình trạng này nếu hiếm khi xảy ra thì không có gì nghiêm trọng, nhưng nếu trào ngược acid xảy ra hơn hai lần một tuần thì bạn đã mắc chứng trào ngược dạ dày - thực quản. Tình trạng này gây ra một số triệu chứng, bao gồm khó thở, đặc biệt là sau khi ăn bất cứ thứ gì. Bạn cũng có thể cảm thấy thắt nghẹt ở mỏ ác cũng như ở vùng bụng dưới của bạn đi kèm với ho khan, khàn giọng, khó thở và khó nuốt.
Xử trí kết hợp của thuốc và thay đổi lối sống sẽ giúp giảm các triệu chứng của trào ngược dạ dày - thực quản.
Rối loạn nhịp tim: Tình trạng này khá phổ biến và gây ra một số triệu chứng khác nhau, bao gồm khó thở ngay sau khi ăn. Bạn có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nếu bị rối loạn nhịp nhẹ, nhưng nếu rối loạn nhịp tim nặng có thể gây ra các triệu chứng như khó thở, kiệt sức, tức ngực và ngất xỉu. Trong một số trường hợp hiếm hoi, loạn nhịp cũng có thể dẫn đến ngừng tim.
Các lựa chọn điều trị bao gồm thuốc men, phẫu thuật và thay đổi lối sống.
Chứng rối loạn lo âu: Các rối loạn lo âu là các loại bệnh tâm lý đặc trưng với hoang tưởng, sợ hãi và bồn chồn. Những dấu hiệu rối loạn lo âu này sẽ khiến bạn khó có thể hoạt động bình thường. Bạn có thể nhận thấy các triệu chứng khác nhau trong các chứng rối loạn lo âu, chẳng hạn như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng loạn, ám ảnh và lo lắng, trong đó khó thở là một triệu chứng thường gặp của rối loạn lo âu.
Lựa chọn điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của các triệu chứng và có thể kết hợp các loại thuốc và liệu pháp tâm lý.
Người mắc bệnh COPD, tình trạng khó thở tồi tệ hơn sau khi ăn.
Để giảm nguy cơ khó thở sau khi ăn
Ăn nhai chậm và kỹ. Tránh nằm ngủ ngay sau khi ăn, tối thiểu 1-2 giờ sau khi ăn mới nằm.
Tập thể dục thường xuyên, nhưng không được ngay sau bữa ăn, tối thiểu 2 giờ sau ăn bạn mới bắt đầu tập thể dục. Duy trì cân nặng khỏe mạnh trong mức cho phép.
Tránh các thực phẩm chế biến sẵn. Tăng cường ăn ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau cải. Ăn nhiều cá nước lạnh như cá thu, cá hồi. Hạn chế các chất đạm như thịt đỏ.
Ngừng hút thuốc lá và tránh hít khói thuốc lá thụ động.