Khổ như sinh viên RMIT: Xin việc làm thêm cũng bị "cà khịa", nói “Ba mẹ giàu rồi đi làm gì nữa” nhưng câu trả lời sẽ khiến nhiều người "ngậm miệng"

07/10/2019 11:15 AM | Sống

Bố mẹ giàu không có nghĩa là con cái họ không được phép cố gắng và ngày ngày chỉ thoải mái hưởng thụ. Quan niệm này sai hoàn toàn!

Trường đại học RMIT vốn được biết đến là ngôi trường dành cho các gia đình có điều kiện, bởi thế nhiều người vẫn giữ quan niệm sinh viên học tập tại ngôi trường này là những đứa trẻ "ngậm thìa vàng", "sướng từ trong trứng nước".

Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh ngược lại rằng, sinh viên RMIT không chịu để mình "sướng", họ rất năng động và siêng năng trong mọi hoạt động. Dù có xuất phát điểm hơn những sinh viên khác nhưng sinh viên RMIT vẫn cố gắng đi làm thêm, cố gắng trau dồi những kĩ năng, kiến thức cho bản thân mình. 

Ấy vậy mà, họ lại nhận lại những câu nói khiếm nhã, tỏ ý châm chọc, mỉa mai vào sự cố gắng của mình. Gia đình có điều kiện không có nghĩa là những đứa con không được phép cố gắng, mà thậm chí còn phải cố gắng gấp hàng trăm, hàng nghìn lần để "vượt sướng". 

Mới đây, trên trang RMIT Confessions đã xuất hiện một chia sẻ vô cùng bức xúc của một bạn sinh viên khi nhận được những sự-quan-tâm thái quá. Nỗi lòng của sinh viên RMIT chưa bao giờ được thấu hiểu đến vậy:

"Có ai đi làm mà phải nghe mấy câu như “Trời RMIT mà cũng đi làm hả”, “Ba mẹ giàu rồi đi làm gì nữa”... chưa? Gửi mấy bạn không học RMIT, mình đồng ý là ba mẹ mình có điều kiện nên mới cho mình học RMIT. Nhưng chưa bao giờ mình nói mấy câu như “trời nhà tao đâu có giàu, nghèo lắm” nên mấy bạn khỏi cà khịa. Ba mẹ nào làm ra tiền cũng chỉ muốn dành những gì tốt nhất cho con thôi. Mấy bạn cà khịa gia đình người ta giàu như kiểu người ta ăn tiền gia đình mấy bạn để giàu vậy. Đâu có ai tự nhiên giàu. Cũng phải làm việc rồi tích góp từ từ mới dư giả được chứ. 

Ai mà cứ nghĩ gia đình giàu có rồi thì không cần đi làm, là muôn đời không thể khá lên được. Mấy bạn có nghe như thế nào là “Tiền đẻ ra tiền” chưa? Ba mẹ không có lo cho mình hoài được đâu. Hôm nay có tiền nhưng ngày mai đâu ai biết trước được chuyện gì. Nên khi vẫn còn có điều kiện, khi ba mẹ vẫn còn lo cho mình được thì tranh thủ học tập cho tốt, rồi tập tành đi làm đi các bạn ạ, bớt để ý chuyện nhà người ta. Đi làm để sau này không có ba mẹ mình vẫn có khả năng lo cho cuộc sống của mình nhé. Chứ vẫn cứ suy nghĩ ba mẹ có tiền thì không cần đi làm, người ta nói là vô dụng."

Khổ như sinh viên RMIT: Xin việc làm thêm cũng bị cà khịa, nói “Ba mẹ giàu rồi đi làm gì nữa” nhưng câu trả lời sẽ khiến nhiều người ngậm miệng - Ảnh 1.

Đúng là mỗi sinh viên mỗi trường khổ một kiểu. Không học RMIT thì khó có thể hiểu được nỗi lòng của sinh viên. Sinh viên xuất phát từ "trường con nhà giàu" chưa hẳn là một ưu tiên khi xin việc, đôi khi lại bắt gặp những nhận xét không đúng đắn.

Tài khoản Nguyễn Lei vô cùng bức xúc vì gặp trường hợp tương tự như vậy: "Đi phỏng vấn xin việc 10 công ty hết 7 bà nhân sự hỏi "Học RMIT hả em, một năm đóng bao nhiêu? Ở nhà ba mẹ em làm nghề gì? Sao em đi xin việc vậy?" Ủa chứ bộ có tiền học RMIT rồi khỏi đi làm hả? Lấy bằng RMIT thế chấp ngân hàng vay tiền được hay gì?".

Tài khoản Quang Hiếu cũng đến "dở khóc dở cười" trước câu hỏi của người tuyển dụng: "Hôm trước nộp đơn đi chạy bàn làm thêm chỗ kia, chị phỏng vấn hỏi em học RMIT nộp đơn làm quản lý hả em".

Tài khoản Hạ Nhàn bày tỏ sự khó chịu không kém: "Tôi cũng vừa nghe mấy câu giống như vậy cách đây 2, 3 bữa gì đó từ một chị quản lí cấp cao của nhà hàng mình làm".

Thực tế, sinh viên trường nào cũng cần cố gắng như nhau để hướng tới một tương lai không-thất-nghiệp. Nếu chỉ nhìn nhận qua loa xuất phát điểm rồi lên tiếng chê bai, mỉa mai người khác thì chắc chắn sẽ chỉ mãi ở "dưới đáy" xã hội mà thôi. Người biết vượt qua xuất phát điểm của mình, biết nỗ lực, biết tận dụng tư duy và kiến thức của mình, chắc chắn đáng để người khác ngưỡng mộ cả đời.

Khổ như sinh viên RMIT: Xin việc làm thêm cũng bị cà khịa, nói “Ba mẹ giàu rồi đi làm gì nữa” nhưng câu trả lời sẽ khiến nhiều người ngậm miệng - Ảnh 2.

V.D

Cùng chuyên mục
XEM