Kho Hermès giả "khủng nhất miền Bắc" The Queen Shop hoạt động mạnh thế nào trước khi bị triệt phá?
Trước khi bị lực lượng QLTT bắt giữ với hàng chục nghìn sản phẩm túi xách giả thương hiệu, đối tượng này đã lập hàng chục tài khoản mạng xã hội để livestream bán hàng với lời quảng cáo có cánh "túi siêu VIP", "hàng tuồn Hải quan"... với giá tri ân chỉ 3xx, 4xx, 5xx.
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết đơn vị vừa chỉ đạo tổ công tác thuộc Tổng cục phối hợp với Cục QLTT Nam Định, Công an tỉnh Nam Định ập vào kho tàng trữ hàng hóa giả nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel… tại xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Kho hàng này rộng hơn 500 m2 này có tới 20.000 - 30.000 sản phẩm vi phạm được tàng trữ chủ yếu là túi xách giả thương hiệu nổi tiếng
Được biết, thời điểm bị bắt giữ, kho hàng rộng hơn 500m2 này có tới 20.000 - 30.000 sản phẩm vi phạm được tàng trữ tại đây, chủ yếu là túi xách nhái nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel. Lực lượng chức năng phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới có thể di chuyển hết số hàng hóa vi phạm tại kho hàng này. Lô hàng vi phạm ước trị giá khoảng 6 tỉ đồng.
Cũng theo thông tin từ lực lượng QLTT, trước khi bị bắt giữ các đối tượng chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán và dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa.
Những chiếc túi nhái thương hiệu Hermès được quảng cáo bán với giá 4xx - 5xx
Hàng chục tài khoản với các tên gọi khác nhau như The Queen Shop; Trang Anna (The Queen); Dung Vũ (Boss The Queen); The Queen - Chuyên túi VIP; Dương Vũ Xuân; The Queen - Đại Dương - Sỉ lẻ túi xách; Kho Túi xách - Hàng Quảng châu… được thay nhau sử dụng để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Theo tìm hiểu được biết, một số page như The Queen Boutique, The Queen - Đại Dương - Sỉ Lẻ Túi Xách, The Queen - Chuyên Túi VIP,... có lượt theo dõi chỉ khoảng 1.700 - 3.000, riêng page Victoria Shop có đến hơn 30.000 lượt theo dõi. Tuy nhiên, thường xuyên livestream đều đặn khoảng 2 - 4h/ngày trên các page để tương tác, bán hàng.
Nhân viên dùng bật lửa hơ lên bề mặt túi để khẳng định chất lượng túi "siêu VIP" mà giá tiền trăm
Mỗi lần livestream bán hàng có lượt tương tác khá lớn với hàng trăm lượt share và hàng ngàn lượt view cùng bình luận đặt hàng. Các mẫu mã túi được nhân viên đứng livestream giới thiệu sản phẩn về kích cỡ, chất liệu da khá đa dạng với các thương hiệu khác nhau như Hermès, LV, Chanel, YSL,...
Bên cạnh đó, nữ nhân viên không quên giới thiệu các chiếc túi khác là hàng "siêu VIP", "super VIP", "hàng tuồn hải quan"... không hề có nhiều nên mỗi lần livestream đều nói rằng chỉ có mấy chục chiếc và bán giá tri ân cho khách hàng. Thậm chí, để khẳng định là hàng chất, xịn... cô gái này còn dùng bật lửa hơ qua lại trên bề mặt chiếc túi để kiểm tra chất da.
Sau màn giới thiệu, "đánh bóng" những chiếc túi giả thương hiệu lớn, giá cả đưa ra cũng rất hời tùy theo từng mẫu mã, thương hiệu mà dao động trong khoảng 285k, 392k 399k, 429k, 469k, 499k...
Rất nhiều mẫu mã túi giả thương hiệu lớn được bán với giá "tri ân" 2xx, 3xx... với nhiều lí do như hàng bom, hàng xả, sắp chuyển cửa hàng
Có thể thấy, không chỉ lập nhiều tài khoản khác nhau để bán sản phẩm trên mạng xã hội mà các đối tượng này còn có một hệ thống nhân viên kiểm tra đơn, tiếp nhận thông tin đặt hàng từ dân mạng. Chỉ cần để lại số điện thoại, mã túi mà nhân viên livestream đọc thì ngay lập tức sẽ có nhân viên gọi điện để chốt đơn hàng. Thậm chí, chỉ cần để lại bình luận dưới bài viết sẽ có ngay phần trả lời tự động "Chị yêu đang quan tâm mẫu túi nào gửi giúp em hình ảnh hoặc mã sản phẩm em tư vấn chị nhé".
Hàng chục số điện thoại gọi điện xác nhận đơn hàng được đăng tải trên fanpage
Bên cạnh việc livestream tại cửa hàng với nhiều chiếc túi thương hiệu nổi tiếng xếp sau kệ kính thì thỉnh thoảng cũng có nhân viên livestream ngay tại kho hàng tổng với vô số sản phẩm xếp chồng ngay phía sau lưng. Với lí do hàng bom, giảm giá sập sàn, thậm chí cuối tháng 2 vừa qua nhân viên livestream còn nói, "sắp chuyển kho rồi nên cứ sale nhanh vậy thôi" vậy là những chiếc túi được cho là bán với giá 4xx đã được giảm ngay về 3xx, thậm chí 2xx.
Theo Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Nam Định, bước đầu, đơn vị này đã xác minh được chủ kho hàng nói trên là Đỗ Trí Viễn (26 tuổi, trú tại thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Kho hàng giả trên chính là nhà của Viễn đang sống cùng gia đình. Bản thân Viễn lên Hà Nội thuê cửa hàng bán hàng online trên mạng xã hội.
Cũng theo kết quả điều tra ban đầu thì tuy còn trẻ tuổi, nhưng thủ đoạn của Đỗ Trí Viễn rất tinh vi. Theo đó, Đỗ Trí Viễn sử dụng mạng xã hội để chào bán và dịch vụ chuyển phát để rao bán, vận chuyển hàng hóa.
Viễn lập hàng chục tài khoản với các tên gọi khác khác như The Queen Shop; Trang Anna (The Queen); Dung Vũ (Boss The Queen); The Queen - Chuyên túi VIP; Dương Vũ Xuân; The Queen - Đại Dương - Sỉ lẻ túi xách; Kho Túi xách - Hàng Quảng Châu… và thay nhau sử dụng các tài khoản này để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng và đơn vị vận chuyển khi bị tố cáo và chặn tài khoản vì vi phạm.
Sau đó, Viễn áp dụng thủ đoạn tinh vi là lập một cửa hàng trung gian tại Hà Nội (tại địa chỉ đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để làm địa chỉ giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, cửa hàng này không hề chứa bất cứ sản phẩm nào. Toàn bộ hàng hóa được chứa trữ tại kho hàng tại quê nhà của Viễn ở thôn Đại Lại (xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).
Đặc biệt, Viễn áp dụng thủ đoạn "cắt đuôi", giấu mình rất tinh vi bằng cách khi có khách mua, Viễn chuyển hàng từ Nam Định đi. Nhưng nếu trong trường hợp hàng bị lỗi, hỏng phải trả lại thì Viễn cho địa chỉ khách hàng ở Hà Nội để gửi trả hàng về nhằm che giấu địa điểm kho hàng.
Quá trình điều tra cho thấy, số lượng giao dịch của kho hàng giả này rất lớn, chỉ trong tháng trước, tổng số hàng bán ra của kho hàng này lên tới khoảng 5 tỷ đồng.
Để phá được kho hàng giả này, các cơ quan chức năng đã mất khoảng 6 tháng để trinh sát và bắt giữ .
Hiện vụ việc đang được mở rộng điều tra.