Khiến 5 cá mập thích thú với "giải đua xe thăng bằng cho Shark", nhưng startup KIZ lại nhận đủ 5 cái lắc đầu vì 1 điểm yếu chí mạng

03/10/2023 11:20 AM | Kinh doanh

Tổ chức hẳn một cuộc đua tiếp sức đầy kịch tính, Startup KIZ đã tạo ra được không khí vui vẻ mở đầu tập 2 của chương trình SharkTank mùa 6 nhưng kết cục lại phải ra về tay trắng.

Khiến 5 cá mập thích thú với "giải đua xe thăng bằng cho Shark", nhưng startup KIZ lại nhận đủ 5 cái lắc đầu vì 1 điểm yếu chí mạng - Ảnh 1.

Thành công cho các "cá mập" trải nghiệm trở về tuổi thơ, nhưng khi ông Trần Quang Huy, nhà sáng lập công ty cung cấp sản phẩm xe đạp thăng bằng Kiz muốn kêu gọi số vốn 8 tỷ đồng cho 30% cổ phần lại nhận về 5 cái lắc đầu từ chối.

Hoạt động chính của Kiz là bán xe thăng bằng dành cho trẻ em và tổ chức các sự kiện đua xe thăng bằng. Mặc dù đã hoạt động kinh doanh ổn định gần 8 năm, có doanh thu, lợi nhuận và hoạt động truyền thông, tổ chức sự kiện khá tốt nhưng có 4 nguyên nhân  khiến KIZ không nhận được sự húng thú của các cá mập.

Đầu tiên, mô hình kinh doanh chỉ làm thương mại đơn thuần. Đây là mô hình kinh doanh đơn giản, thuần tuý, dễ biến động và cũng không phù hợp gọi vốn. Bởi lẽ, doanh nghiệp không sở hữu những thế mạnh tạo nên khả năng cạnh tranh riêng biệt như bí quyết, tay nghề, công nghệ, nhà xưởng, máy móc....

Rào cản gia nhập hay từ bỏ của các doanh nghiệp thương mại luôn rất lớn. Chính vì đầu vào và đầu ra đều phụ thuộc nên khả năng chuyển đổi của doanh nghiệp thương mại sẽ rất cao khi thị trường có biến động.

"Bạn chỉ là nhà phân phối không phải nhà sản xuất. Ngày mai bạn lên Shark Tank xong, thị trường ra đầy những thương hiệu na ná như thế này ngay ", Shark Hưng nhận định về KIZ.

Khiến 5 cá mập thích thú với "giải đua xe thăng bằng cho Shark", nhưng startup KIZ lại nhận đủ 5 cái lắc đầu vì 1 điểm yếu chí mạng - Ảnh 2.

Thứ hai, điểm yếu chí mạng: thị trường quá nhỏ .

Theo CEO KIZ, từ năm 2017 đến nay, doanh thu của Startup đạt 40 tỷ đồng, tương đương bán ra 50 nghìn xe.

Khi Shark Hưng quan ngại về việc dung lượng thị trường nhỏ, CEO KIZ cho biết: Trẻ em Việt Nam rơi vào 6 triệu, bán "khiêm tốn" cho 2%, tương đương 120 nghìn, trừ đi còn khoảng 100 nghìn xe nhân với giá dao động 1 triệu đồng/xe, ra được doanh thu 100 tỷ.

Shark Hùng Anh phản bác luôn về giả định "đếm cua trong lỗ" này: Ảo tưởng!

"Bạn tính dung lượng bạn sẽ bán được 2% tổng số trẻ em ở Việt Nam là ảo tưởng. 2% là con số rất lớn ", shark Hùng Anh thẳng thắn nói.

"Trong suốt quãng thời gian từ 2 đến 6 tuổi bao nhiêu lần người ta mua cái xe này? ", Shark Hưng đặt câu hỏi.

Shark Tuệ Lâm phân tích, GDP đầu người Việt Nam 1 năm chỉ rơi vào 3.000 - 3.500 USD, mức giá xe quy ra khoảng 45 USD, dòng cao cấp lên tới 100 USD, nó đang chiếm tới vài phần trăm thu nhập đầu người trên một năm. Tỷ lệ người dân Việt Nam chi trả cho các khoản mục liên quan đến đồ chơi hay phụ kiện không cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

"Có chăng thị trường đấy không quá lớn như mình đang tính. Mình cần phải tính lại dung sai thị trường ", Shark Tuệ Lâm chia sẻ.

Nữ cá mập sau đó cũng từ chối ra deal vì thấy thị trường này (xe thăng bằng - BTV) không hấp dẫn.

Trên thực tế, xe thăng bằng (hay còn gọi là xe chòi chân) là một trong số các món đồ chơi vận động của trẻ em và lứa tuổi sử dụng phổ biến từ 3-6 tuổi. Ngoài việc thị trường nhỏ, thì sự cạnh tranh trên thị trường cũng rất khốc liệt với đủ các thương hiệu, từ nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) cho tới sản xuất, lắp ráp hoàn thiện tại Việt Nam.

Xe thăng bằng được bán rộng rãi tại các cửa hàng và các trang thương mại điện tử. Tham khảo số liệu từ Metric, thị trường xe chòi chân có tới hơn 1.334 nhà bán trên sàn TMĐT. Thống kê TOP 10 thương hiệu cao nhất trên TMĐT không có Ander Saro của KIZ.

Thứ ba, "bức tranh tài chính" không hấp dẫn
Theo CEO KIZ, từ năm 2017 đến nay, KIZ thu được tổng doanh thu 40 tỷ đồng, 80% trong số đó là đến từ việc bán xe. Mức lợi nhuận thu được khoảng 12%. Vốn thực góp bằng vốn điều lệ là 5 tỷ đồng.

Shark Hưng tính nhẩm nhanh: " Doanh thu năm 2023 giả định được 12 tỷ, lợi nhuận được hơn 1 tỷ, trong khi KIZ kêu gọi 8 tỷ cho 30%, như vậy cần đến 20 năm mới thu hồi được vốn".

Cá mập Phạm Thanh Hưng sau đó cũng từ chối đầu tư vào KIZ.

Thứ tư, CEO "bay bổng"

Khiến 5 cá mập thích thú với "giải đua xe thăng bằng cho Shark", nhưng startup KIZ lại nhận đủ 5 cái lắc đầu vì 1 điểm yếu chí mạng - Ảnh 3.

"Hơi bay bổng!" là những gì Shark Bình nhận xét về CEO KIZ.

Cá mập này nói: " Bản chất doanh nghiệp của bạn là đi buôn đồ chơi, mình đang làm hiệu quả thì mình cứ làm, và nó chỉ hiệu quả khi bạn tiếp tục làm siêu nhỏ như thế này thôi. Nếu bạn tăng quy mô lên thì chắc chắn bạn sẽ gặp vấn đề, lỗ. Tiền nhà đầu tư vào tiêu lung tung. Một, hai năm hết tiền rồi đóng cửa!", Shark Bình đưa ra lời khuyên

"Tôi chấp nhận rủi ro nhưng phải có tiềm năng tăng trưởng vài chục đến cả trăm lần. Tôi không nhìn thấy cái tiềm năng đó ở doanh nghiệp của bạn. Tôi không đầu tư ”, Shark Bình từ chối.

Còn với Shark Hùng Anh, lý do mà vị cá mập này không ra deal là vì không cảm thấy thuyết phục

"Mình đua xe rất thích thú và vui nhưng khi làm ăn thì phải nghiêm túc, phải có suy nghĩ, lời nói, nhận định thị trường của mình. Bạn tính 30 - 50 - 100 tỷ là hơi ảo tưởng. Mình khuyên là sau này đi kêu gọi vốn ở các vòng khác, bạn phải chia sẻ thật lòng để nhà đầu tư hiểu được vai trò của mình ", Shark Hùng Anh kết luận.

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM