Khi trẻ nói rằng mình không ổn, đã bao giờ bạn mặc định con quá yếu đuối, ích kỷ và mượn cớ để lười nhác?

23/06/2022 17:04 PM | Sống

Khi con bày tỏ tâm sự, cha mẹ hãy từ từ đón nhận và giúp đỡ thay vì những lời trách móc khiến trẻ càng trở nên bế tắc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, hiện nay có khoảng 10 - 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tại Việt Nam, tỷ lệ này dao động trong khoảng 12-19%. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19 thì con số này có xu hướng gia tăng nhanh, đồng nghĩa với việc phụ huynh đưa con em mình đến gặp bác sỹ tâm lý nhiều hơn. Các vấn đề các em thường gặp phải như mất kết nối với gia đình, mất kết nối với bạn bè, trường học; rối loạn giấc ngủ; rối loạn hành vi, dễ cáu giận,...

Thống kê số lượng trẻ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần tại Việt Nam

Dấu hiệu nhận biết trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần

Các nghiên cứu chỉ ra rằng một nửa các trường hợp rối loạn sức khỏe tâm thần (bao gồm trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn và những rối loạn khác) bắt đầu ở tuổi 14.

Cha mẹ cần chú ý các phản ứng của trẻ khi đối diện với sang chấn cụ thể như sau:

Trẻ từ 0 – 3 tuổi

- Nhận thức được sự lo lắng của cha mẹ và từ đó thấy sợ hãi, lo lắng...

- Giảm hoặc mất các kỹ năng đã học được trước đó. Ví dụ: dùng thìa, đi vệ sinh,…

- Quấy khóc, bám bố mẹ; chỉ chịu bú mẹ khi ngủ (ở trẻ dưới 6 tháng); đòi bú mẹ tăng lên (ở trẻ trên 6 tháng).

- Rối loạn giấc ngủ: Không chịu đi ngủ, khó ngủ,…

Trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi)

- Mối quan tâm chính là sự xa cách và sự an toàn của các thành viên trong gia đình. Ví dụ: Cha mẹ ly hôn,...

- Giảm khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi. Ví dụ: Cáu kỉnh tăng, khóc lóc, đeo bám, muốn bố mẹ ôm khi ngủ, đái dầm (khi bình thường trẻ đã kiểm soát được),…

- Chơi các trò chơi giả định về bệnh tật và cái chết.

- Tin rằng trẻ hoặc các hành vi sai trái (có thật hoặc trong tưởng tượng) của trẻ là nguyên nhân gây ra bệnh tật cho gia đình. Ví dụ: "Nếu mình ngoan thì bố đã không bị ốm".

Khi trẻ nói rằng mình không ổn, đã bao giờ bạn mặc định con quá yếu đuối, ích kỷ và mượn cớ để lười nhác? - Ảnh 2.

Trẻ ở độ tuổi đi học (6-12 tuổi)

- Cáu kỉnh hơn bình thường, đôi khi thích ở một mình; lo lắng, sợ hãi không rõ nguyên nhân.

- Đau bụng, đau đầu, kém ăn mà không giải thích được nguyên nhân.

- Kết quả học tập giảm sút, có những hành vi gây rối.

Thanh thiếu niên (13-17 tuổi)

- Các triệu chứng của trầm cảm, như mất hy vọng và định hướng vào tương lai

- Giảm sự hài lòng trong cuộc sống, luôn lo lắng

- Rối loạn giấc ngủ, giảm hoạt động thể chất.

-Tăng hành vi chống đối và cực đoan

- Khó khăn trong học tập.

Hậu quả sẽ ra sao nếu như không được điều trị kịp thời?

Chia sẻ về những hậu quả có thể gặp phải nếu như sức khỏe tâm thần của trẻ không được phát hiện và can thiệp kịp thời, Thạc sỹ tâm lý lâm sàng Đoàn Thị Hương (Trung tâm Tham vấn - Trị liệu Tâm lý Share) nhận định, nếu như chúng ta nhìn theo cách tích cực thì những dấu hiệu này là một tín hiệu báo cho chúng ta biết rằng trẻ đang không ổn và cần trợ giúp. Khi nghĩ như vậy, bố mẹ sẽ thấy bình tĩnh hơn, quan sát kỹ hơn và có những nỗ lực mang tính khách quan, hợp lý.

''Nhìn chung, tất cả các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần nếu được phát hiện sớm thì tiên lượng rất là tốt. Ngược lại, nếu như không được nhận diện, các con chủ động chia sẻ mà cha mẹ phớt lờ, thậm chí là đánh giá các bạn là: Con không có bệnh gì đâu, đây là con mượn cớ có bệnh để trốn tránh nhiệm vụ hay đây là do con chưa đủ nghị lực, con yếu đuối, lười nhác, ích kỷ và chỉ làm khổ cha mẹ thôi...

Tất cả những cách đáp ứng này khi con đang cố cầu cứu thì sẽ làm trẻ bị tổn thương hơn và khó mở lòng ra để tiếp tục chia sẻ với cha mẹ, thầy cô. Vô hình trung, cha mẹ đã tự đánh mất cơ hội để giúp đỡ con một cách kịp thời và vô tình khoét sâu hơn mâu thuẫn giữa cha mẹ với trẻ'', chuyên gia Đoàn Thị Hương chia sẻ.

Khi trẻ nói rằng mình không ổn, đã bao giờ bạn mặc định con quá yếu đuối, ích kỷ và mượn cớ để lười nhác? - Ảnh 3.

Cha mẹ hãy trở thành người bạn thực sự của con

Các hậu quả điển hình có thể gặp phải như:

- Vấn đề sức khỏe tâm thần tiến triển hơn, khó can thiệp hơn;

- Đẩy đứa trẻ tới trạng thái bế tắc, vô vọng, thậm chí là tự sát;

- Tạo ra vòng luẩn quẩn: Sức khỏe tâm thần gây ảnh hưởng đến khả năng tập trung, chú ý, chất lượng học tập. Và khi trẻ không phát triển thì lại khiến cha mẹ, thầy cô thất vọng, rồi có những biện pháp mạnh, kỷ luật đối với trẻ. Các em lại tự đánh giá tồi tệ về bản thân mình, tăng cảm giác tự ti, trầm cảm, lo âu.

''Nếu nhận diện sớm, chúng ta có sự lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng con đến gặp các bác sỹ, nhà chuyên môn thì tốt hơn.

Nhìn chung, khi trẻ xuất hiện vấn đề tâm thần thì cha mẹ hãy chấp nhận sự thật, nếu chúng ta chối bỏ, không nỗ lực can thiệp sớm sẽ gián đoạn sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần tự nhiên của trẻ.

Đây là vấn đề mang tính luẩn cuẩn nên cần phải có sự chủ động, tích cực nhưng dưới góc độ khoa học, có sự chung tay của cha mẹ, thầy cô và cộng đồng, để vừa mang tính phòng ngừa, can thiệp sớm cũng như hỗ trợ các em'', Thạc sỹ Đoàn Thị Hương cho hay.

Hậu quả khi cha mẹ không can thiệp, giúp đỡ trẻ

Khi trẻ nói rằng mình không ổn, đã bao giờ bạn mặc định con quá yếu đuối, ích kỷ và mượn cớ để lười nhác? - Ảnh 5.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM