Đáng suy ngẫm phía sau chuyện cháu học lớp 7 khoe đi giày hiệu 10 triệu, chê chú nghèo vì không dùng smartphone

18/06/2022 09:13 AM | Sống

Vài lần nói đùa, vài lần người lớn vô tư ''khoe của'' trước mặt các con sẽ khiến các bé luôn nghĩ rằng gia đình mình vốn đã rất giàu có nên thỏa sức đua đòi và chê bai các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Phụ huynh đau đầu vì con đã biết phân biệt giàu nghèo

Làm việc ở Hà Nội nên cách vài ba tháng anh Nguyễn Hữu Trung (37 tuổi) mới về nhà ở thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa. Vừa rồi về quê, cháu trai anh Nguyễn Hữu T. (hiện đang học lớp 7) hồ hởi khoe mới được mẹ mua cho đôi giày Nike Jordan giá tầm 10 triệu, áo phông và quần cũng toàn hàng hiệu nhân dịp năm học vừa rồi đạt học sinh giỏi.

Vì kinh tế gia đình anh trai cũng khá giả nên dù có hơi hoang phí anh Trung không dám có ý kiến. Tuy nhiên, đến khi cháu T. tiếp tục chê bai chú nghèo nên mới không có điện thoại Iphone để sử dụng thì anh Trung bắt đầu cảm thấy có điều bất ổn.

''- Theo cháu cứ có điện thoại iPhone là giàu à?

- Cũng không hẳn vì còn tùy thuộc chú dùng loại nào nhưng nhìn chung cũng hơn các loại máy khác

- Ở lớp cháu các bạn có được sử dụng điện thoại không?

- Có chứ ạ

- Ai cũng dùng Iphone à?

- Lớp cháu những người có điện thoại xịn sẽ chơi với nhau, thường sẽ so xem ai cùng máy nào''

Cháu học lớp 7 khoe đi giày hiệu 10 triệu, chê chú nghèo vì không dùng iPhone: Giật mình khi phân biệt giàu nghèo đã ăn sâu vào tâm lý trẻ - Ảnh 1.

Phân biệt giàu nghèo trở thành vấn đề nghiêm trọng khi đang ngày càng ảnh hưởng đến tâm lý trẻ

Thấy anh Trung có vẻ ngạc nhiên, cháu T. liền giải thích thêm: "Không phải bọn cháu chia nhóm trong lớp nhưng tự các bạn không có điện thoại đẹp sẽ tỏ ra ngưỡng mộ bọn cháu, sau đó sẽ chơi riêng hoặc chờ đợi bọn cháu cho chơi điện tử ké''.

Qua cuộc nói chuyện ngắn với cháu trai, anh Trung dù không muốn tin nhưng cũng phải tin rằng suy nghĩ phân biệt giàu nghèo đã không còn là chuyện riêng trong xã hội mà nay đã in sâu vào tâm lý của trẻ em.

Đã kết thúc một năm học nhưng chị Phương Loan (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm với cô con gái mới học lớp mẫu giáo của mình.

Mỗi buổi sáng đi học chị phát cáu vì con không chịu mặc quần áo theo ý mẹ. Lôi ra bộ nào bé T.V cũng đẩy ra và đòi phải mặc váy. Đã vậy, khi chọn được chiếc váy yêu thích, con còn hỏi chị: "Con mặc váy này đẹp không mẹ. Có sợ các bạn chê xấu không?".

Rồi một lần đón con, chị Loan chột dạ khi nghe bé thỏ thẻ: "Mẹ sắp mua ô tô chưa ạ, mẹ nhìn thấy không, kia là xe ô tô của nhà bạn Diệu Nhi đó''.

Mặc dù con gái mới 4 tuổi nhưng chị Loan thấy lo ngại khi con gái cảm thấy mình thua kém bạn bè từ váy đẹp đến xe xịn. Với đồng lương còm cõi của nhân viên văn phòng, vợ chồng chị còn đang chật vật với đủ các khoản thường ngày nữa là mơ về tương lai nhà đẹp, xe sang.

Làm sao để con không ám ảnh vật chất?

Trước đây, khái niệm phân biệt giàu nghèo ở nước ta còn khá xa lạ bởi tỷ lệ gia đình có kinh tế vượt trội không nhiều. Đến nay, khi xã hội đã phát triển, tâm lý trẻ nhà giàu chỉ chơi với nhà giàu, coi thường bạn nghèo đã xuất hiện rất rõ ở trẻ, thậm chí còn khiến bố mẹ phải phát hoảng vì con thẳng thừng chê bai mọi người xung quanh.

Thật ra, tâm hồn trẻ em sinh ra vốn là tờ giấy trắng, các em chưa hề biết đến các giá trị vật chất. Thế nhưng đôi khi, chính người lớn lại vô tình làm "hư" trẻ, gieo vào lòng trẻ những so sánh, kỳ thị, những cách nghĩ khác thường.

Cháu học lớp 7 khoe đi giày hiệu 10 triệu, chê chú nghèo vì không dùng iPhone: Giật mình khi phân biệt giàu nghèo đã ăn sâu vào tâm lý trẻ - Ảnh 2.

Cha mẹ đừng khiến con tự mãn về vật chất gia đình

Vài câu nói đùa, vài tư tưởng phân biệt của người lớn, vài lần các bà mẹ ngồi khoe nhau thỏi son mới, chiếc áo hiệu hoặc cách cư xử không phù hợp sẽ khắc sâu vào tâm hồn của bé, khiến bé bị ảnh hưởng. Lâu dần, trẻ sẽ đem những gì mình được nghe và nói lại với các bạn cùng trang lứa.

Điều này thật ra là một thiệt thòi với trẻ, vì nếu lớn lên với nhân cách "lệch lạc", đánh giá tình bạn chỉ qua… vật chất như thế, bé sẽ khó có được những tình bạn đẹp, dần trở nên ích kỷ, chỉ biết nhận chứ không biết cho đi.

Để định hướng cho trẻ trở thành một con người tích cực với xã hội, cần có những cách giáo dục linh hoạt phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ.

- Ở tuổi mẫu giáo: Bố mẹ hãy cho con hiểu ý nghĩa đằng sau vật chất. Chẳng hạn, khi con ngưỡng mộ chiếc váy của bạn, bố mẹ đừng vội nói ''nhà mình không có tiền, làm sao mua được''. Thay vào đó, hãy nói ''dù chiếc váy của con không đẹp bằng nhưng nó lại rất hợp với con và làm con trở nên xinh đẹp. Hơn nữa, chiếc váy này là món quà bà ngoại đã tặng cho con, nó vô cùng quý giá mà không ai có được''.

- Ở tuổi lớn hơn:

Cho con đọc sách: Sách không chỉ là kho tàng tri thức mà còn là con đường mài giũa các em nhanh nhất. Ở đó, có vô vàn câu chuyện trong cuộc sống, giúp các em như được trải nghiệm và tiếp thu được các bài học bổ ích.

Giáo dục trẻ bằng những tấm gương vượt khó làm giàu như Rockerfeller, Bill Gates…

Khuyến khích trẻ nên biết giúp đỡ bạn bè, mọi người xung quanh từ những việc nhỏ nhất. Hoặc cha mẹ có thể cho con đồng hành trong các buổi từ thiện.

Cháu học lớp 7 khoe đi giày hiệu 10 triệu, chê chú nghèo vì không dùng iPhone: Giật mình khi phân biệt giàu nghèo đã ăn sâu vào tâm lý trẻ - Ảnh 3.

Hãy để trẻ hiểu còn nhiều giá trị khác quan trọng hơn vật chất

Chú ý trong cách nói chuyện, trả lời con: Chẳng hạn, khi một số đứa trẻ hỏi: "Mẹ ơi, gia đình mình có bao nhiêu tiền?".

Bạn tuyệt đối không nên trả lời rằng: "Nhà ta nghèo lắm, con đừng tiêu xài hoang phí, sau này phải tiết kiệm một ít, thắt lưng buộc bụng mới sống được, con hiểu chưa". Hay ''Gia đình mình có rất nhiều tiền, và vẫn còn rất nhiều trong sổ ngân hàng của mẹ! Con thích gì, mẹ cũng mua cho con".

Hai cách trả lời này đều mang tính phóng đại, khiến trẻ tự ti về bản thân hoặc tự mãn, tiêu xài hoang phí.

Do đó, nên nói với trẻ một cách chung chung về điều kiện gia đình. Chẳng hạn: "Điều kiện kinh tế của gia đình chúng ta tương đối tốt, cho con đi học không thành vấn đề. Nhưng khi con lớn lên, con vẫn phải tự kiếm tiền và nuôi con. Chỉ có dựa vào bản thân mình mới là con đường vững chắc nhất". Những đứa trẻ được giáo dục như thế này khi lớn lên sẽ có thể tự nuôi sống bản thân, không ăn bám cha mẹ và phấn đấu kiếm nhiều tiền hơn.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM