Khi thực tế ảo trở thành thực tại, bạn có thể sống hạnh phúc trong metaverse cả đời
Trong khoảnh khắc giật mình nhận ra toàn bộ cuộc đời mình không có thực, bạn sẽ chọn viên thuốc màu xanh hay màu đỏ?
Có thể bạn đã biết đến khái niệm siêu vũ trụ số, hay metaverse mà CEO Facebook Mark Zuckerberg đang theo đuổi. Đó là một thế giới ảo mà khi mọi người tham gia vào, họ có thể nhìn thấy, nghe thấy và chạm vào mọi thứ giống như đang tương tác ngoài đời thực.
Vũ trụ số này được ví như một thế giới thứ hai cho phép tất cả chúng ta cùng kết nối vào và gặp nhau ở đó. Với công nghệ hiện tại, metaverse thế hệ đầu sẽ là một môi trường mô phỏng 3D.
Những hình ảnh render đầu tiên về ý tưởng của Zuckerberg cho thấy một loạt nhân vật hoạt hình đang ngồi cùng nhau trong một phòng họp – mặc dù họ có thể đang ở bất cứ đâu trên thế giới.
Nhưng khi công nghệ tiếp tục phát triển, đến một ngày nào đó, metaverse sẽ có thể mô phỏng lại toàn bộ cơ thể của bạn, chân thật hết mức có thể. Lúc đó, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt đâu là thực tại thật, còn đâu chỉ là một siêu vũ trụ số mô phỏng?
Thậm chí, các nhà khoa học còn hoài nghi về một khả năng, rằng chính chúng ta đang ở trong một siêu vũ trụ số rồi, một thực tại ảo đã được ai đó bên ngoài kia tạo ra mà chúng ta không hề hay biết.
Nhưng liệu các nhà khoa học có thể tìm ra được bằng chứng cho thấy chúng ta đang sống trong mô phỏng hay không? Liệu trong một khoảnh khắc nào đó, chúng ta có thể bị lạc vào một "góc lag" để giật mình biết rằng, thực ra toàn bộ cuộc đời của chúng ta không có thực?
Khi đó, liệu ý nghĩa cuộc sống của chúng ta có tan biến?
Trong một podcast của Vox, người dẫn chương trình Sean Illing đã mời tới một người có thể trả lời được phần nào những câu hỏi đó. Giáo sư David Chalmers, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tâm trí, Não bộ và Ý thức tại Đại học New York sẽ trình bày những ý tưởng của ông trong cuốn sách mới "Reality+" tạm dịch là "Thực tại mở rộng":
Sean Illing: Định nghĩa "thực tại" có vẻ như là một việc khá đơn giản, nhưng ông lại cho rằng rất nhiều người đang nhầm lẫn giữa những gì có thực và những gì không có thực. Do đó, tôi sẽ bắt đầu buổi trò chuyện hôm nay bằng một câu hỏi:
Chúng ta có thể đưa ra một định nghĩa thống nhất về thực tại được hay không?
David Chalmers: Mặc dù đặt tên cuốn sách của mình là "Thực tại +", tôi vẫn không hoàn toàn chắc chắn từ "thực tại" có ý nghĩa gì đối với bản thân mình.
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về thực tại và mỗi triết gia lại muốn định nghĩa nó theo một cách khác biệt, mang dấu ấn cá nhân riêng của họ. Còn tôi, tôi nghiêng về một định nghĩa: Thực tại chỉ đơn giản là tất cả những gì tồn tại. Đó là toàn bộ vũ trụ. Thực tại là bất cứ thứ gì đang có mặt, thế thôi.
Nhưng vượt ra ngoài định nghĩa đó, bạn có thể bắt đầu nói về đa thực tại. Chúng ta nói về thực tế ảo, thực tại vật lý, v.v. Một phần chủ đề của cuốn sách này bàn về việc thực tại có thể được tạo thành từ nhiều thực tại khác nhau, cả những gì có thật và những gì chỉ là ảo.
Trong trường hợp đó, thực tại giống một không gian liên kết những diễn biến, mà tất cả những diễn biến đó đều tương tác với nhau.
Rồi tiến thêm một bước nữa, lại có một câu hỏi mà bạn sẽ phải đối mặt ở đây. Đó là liệu thực tại có cần thiết phải có thực hay không? Theo nghĩa nào đó, thực tại sẽ phải là một cái gì đó có thật; có thật chính là một thuộc tính của thực tại.
Nhưng chúng ta vốn biết thế giới này có một số điều là thật, một số điều thì không. Joe Biden là có thật. Santa Claus, than ôi, là một câu chuyện hư cấu. Vậy sự khác biệt giữa có thật và không có thật là gì?
Một điểm khác biệt cốt yếu của chúng là: cái gì đó được coi là có thật nếu nó có khả năng tạo ra nhân quả, hay tạo ra sự khác biệt đối với thế giới.
Giáo sư David Chalmers và cuốn sách mới của ông có tựa đề "Reality+: Những thế giới ảo và vấn đề triết học".
Tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ nói rằng thế giới ảo - ý tôi là thế giới trực tuyến, thế giới trò chơi, metaverse, v.v. - ít "thực" hơn thế giới thật, rằng đó chỉ là thực tại hạng hai. Liệu điều đó có gì sai hay không?
Về mặt nào đó, đây là một sự phân cấp thú vị. Những người trong thế hệ của tôi, ngoài 50 tuổi, có xu hướng coi thế giới kỹ thuật số là thực tại hạng hai và không hoàn toàn có thực.
Trong khi những người mới sinh ra khoảng 20 năm trở lại đây, về cơ bản, họ là những cư dân bản địa của thế giới số, những người đã quen với thực tế kỹ thuật số. Từ quan điểm của họ, thế giới ảo là một phần của thực tại và được đối xử giống như thực tại.
Tôi không nghĩ mình sẽ nói thực tế ảo là một thực tại hạng hai, nhưng có lẽ tôi sẽ nói đó là thực tại cấp hai. Tất cả chúng ta đều thừa nhận có một thực tại vật lý và sau đó có những thực tế ảo, được tạo ra bên trong thực tại vật lý.
Ở một mức độ nào đó, thực tế ảo phụ thuộc vào thực tại vật lý. Vì vậy, theo nghĩa đó, chúng là thực tại cấp hai.
Đó là lý do mọi người vẫn thường hay nói câu cửa miệng rằng "ngoài đời thì…" để phân biệt giữa giữa thực tại vật lý với thế giới ảo. Đối với tôi, đó là sự phân biệt giữa thực tại nguyên thủy và thứ mà tôi gọi là thực tại phái sinh - nó không phải là sự phân biệt giữa những gì "có thực" và "không thực".
Tại sao ông cảm thấy chúng ta cần phải coi các thực tế ảo giống như thực tại chuẩn?
Tôi nghĩ có rất nhiều lý do. Về mặt triết học, điều đó sẽ giúp chúng ta suy ngẫm được về mối quan hệ giữa tâm trí và thực tại. Chúng ta có thể nhận thức thế giới bên ngoài tối đa đến mức độ nào? Liệu chúng ta có thể biết hết tất cả thực tại hay không?
Hay có thể chính chúng ta đang ở trong một mô phỏng và chẳng có điều gì xảy ra xung quanh chúng ta là thực.
Có lẽ chúng ta phải suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa tâm trí và thực tại, như vậy thì mới có thể mô phỏng được các thực tế ảo ngày càng thật hơn.
Càng ngày, chúng ta càng thấy rõ đây sẽ là những câu hỏi mà chúng ta phải có được câu trả lời cho chúng ngay trong vài thập kỷ tới. Chúng ta đã có công nghệ thực tế ảo ở đây ngay bây giờ. Và chúng ta đang bị ám ảnh bởi ý tưởng về một metaverse, nơi chúng ta sẽ càng ngày càng dành nhiều thời gian hơn trên đó.
Vì vậy, một điều quan trọng là chúng ta phải nghĩ xem loại hình cuộc sống mà chúng ta trải nghiệm trong metaverse sẽ là gì? Chúng ta có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa ở trong đó hay không?
Một số người nghĩ rằng về bản chất metaverse chỉ là một ảo tưởng, một sản phẩm của chủ nghĩa thoát ly, nó không phải là một cái gì đó ngang hàng với cuộc sống "thực".
Nhưng nếu những gì tôi cho là đúng, rằng thực tế ảo cũng là một thực tại đích thực, thì về mặt nguyên tắc mà nói, ít nhất bạn cũng có thể sống một cuộc đời có ý nghĩa trong một thế giới ảo. Tôi nghĩ điều này thực sự rất quan trọng.
Điều này khiến tôi nghĩ đến vai trò của những thứ hư cấu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Thế giới loài người ngày nay chứa đựng rất nhiều thứ đã được chúng ta tạo dựng lên và có tính nhân quả - từ tiền bạc, đạo đức, luật pháp cho tới nhà nước - nhưng điều làm cho những thứ này trở thành hiện thực là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng.
Chúng có thật bởi vì chúng được chia sẻ, bởi vì tất cả chúng ta ngày nào cũng thức dậy và tin tưởng vào chúng. Vậy thì so với cây cối hay những ngọn núi, những thứ đó có ít "thực" hơn tí nào không? Hay chúng chỉ là một phạm trù khác của "thực tại"?
Tôi nghĩ hầu hết những thứ mà chúng ta coi là có thật đều có được ý nghĩa của chúng từ sự tương tác giữa tâm trí con người với thế giới bên ngoài. Tôi nghĩ có một thế giới ngoài kia độc lập với tâm trí, nhưng tâm trí của chúng ta thì chỉ đơn thuần đầu tư tất cả suy nghĩ của nó vào những gì nó nghĩ là có nghĩa.
Về cơ bản, tiền chỉ là một mớ giấy lộn, một nắm các mảnh kim loại hoặc các bản ghi mã máy tính, cho đến khi mọi người chọn gán cho nó một ý nghĩa và có thái độ nhất định đối với nó.
Chắc chắn, phần lớn môi trường xã hội mà chúng ta đang sống chỉ là sản phẩm từ thái độ tinh thần của chúng ta. Nhưng có một số thứ trên thế giới này hoàn toàn độc lập với tâm trí, ví dụ như các nguyên tử. Nhưng tôi không muốn nói tiền là một thứ gì đó ít thực hơn chỉ bởi nó là kết quả của tương tác này.
Điều này thực sự rất quan trọng khi chúng ta đề cập đến thực tế ảo. Bởi vì một khi bạn đã nhận ra vai trò của trí óc trong việc gán ý nghĩa và gán tính thực tế cho một thứ gì đó, thì bạn sẽ thấy mình cũng có thể gán ý nghĩa cho những đối tượng ảo giống như đối tượng thực.
Có thể đó chính là những gì hiện đang xảy ra với công nghệ blockchain hoặc NFT, hoặc một đối tượng kỹ thuật số mà bạn có thể nghĩ là hoàn toàn vô dụng cho đến khi, ồ, mọi người gán những ý nghĩa nghiêm túc cho chúng.
Được rồi, David, hãy chuyển sang vấn đề quan trọng: Nếu chúng ta đang sống trong một mô phỏng máy tính thì khả năng mô phỏng đó sẽ như thế nào?
Đó là một câu hỏi thú vị. Có nhiều loại mô phỏng khác nhau. Có loại gọi là mô phỏng hoàn hảo, nó làm việc tốt đến mức không ai có thể phân biệt được nó với thực tại vật lý. Nếu chúng ta đang ở trong một mô phỏng hoàn hảo, chúng ta sẽ không bao giờ biết được điều đó.
Nhưng nếu chúng ta ở trong một mô phỏng không hoàn hảo, thi thoảng sẽ có những trục trặc, chẳng hạn như một con mèo đen băng qua đường (một phân cảnh trong Matrix), mà nếu mô phỏng đó quá nặng thì chẳng bao lâu sau đó nó sẽ bị hỏng hóc.
Trong một mô phỏng, những người lập ra mô phỏng có thể giao tiếp với chúng ta. Nếu họ muốn, họ có thể cung cấp cho chúng ta những bằng chứng rất tốt. Họ có thể lấy Tòa nhà Empire State, lật ngược nó lên trời và nói vọng xuống: "Đây, hãy xem mã nguồn này và cách tôi đang thao tác với nó".
Vậy là những người tạo lập mô phỏng có thể cung cấp cho chúng ta bằng chứng cho thấy chúng ta đang ở trong một mô phỏng. Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ không bao giờ tự mình có được bằng chứng để nói rằng chúng ta đang không ở trong một mô phỏng. Bởi vì chúng ta luôn có xác suất đang ở trong một mô phỏng hoàn hảo.
Và nếu chúng ta biết rằng tất cả chỉ là mô phỏng, liệu điều đó có thực sự quan trọng không?
Theo quan điểm của tôi thì thực tại được mô phỏng cũng chính là thực tại. Có thể ngay lúc này chúng ta đang ở trong một thực tại mô phỏng như vậy rồi.
Giả sử điều đó đúng và một ngày chúng ta phát hiện ra nó, chúng ta chắc chắn sẽ bị sốc trong giây lát. Chúng ta sẽ mất một thời gian để làm quen với nó, nhưng rồi đến một thời điểm nào đó, cuộc sống vẫn sẽ phải tiếp diễn.
Tương tự như vậy, nếu điều đó đang diễn ra mà chúng ta không hề hay biết, thì tôi nghĩ sự ngu ngơ đó cũng chẳng thể cướp đi ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Cuộc sống của chúng ta vẫn có ý nghĩa như chính ý nghĩa mà nó vốn đang có.
Ông có nghĩ rằng rồi nhân loại sẽ đạt tới một thời điểm, khi mà họ mô phỏng được những thế giới ảo giống hệt thế giới vật lý, đến nỗi không thể phân biệt được hay không? Nếu điều đó xảy ra, ông nghĩ chúng ta còn cách thời điểm đó bao xa?
Tôi không nghĩ đó là một tương lai quá gần. Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng trong 20 năm tới, có lẽ công nghệ thực tế ảo sẽ phát triển được tới độ dùng được, nhưng không đến nỗi quá tuyệt.
Có thể trong 20 hoặc 30 năm nữa, chúng ta sẽ có được những thế giới ảo chất lượng cao thực sự. Chưa đến nỗi không thể phân biệt được giữa thực tế với thực tế ảo, nhưng ít nhất lúc này chúng cũng đánh lừa được thị giác và thính giác.
Một thử thách thực sự đối với công nghệ thực tế ảo là làm sao để mô phỏng được hiện thân của bạn, trải nghiệm cơ thể bạn, xúc giác, cảm giác di chuyển, cử động chân tay, những cảm giác mà bạn thấy khi ăn uống hay quan hệ tình dục trong thế giới ảo đó.
Đây rõ ràng là một thách thức lớn hơn nhiều, và điều đó có lẽ sẽ đòi hỏi nhiều công nghệ hơn là thực tế ảo tiêu chuẩn hoặc thực tế tăng cường, có thể chúng ta sẽ cần một thứ gì đó giống như giao diện não-máy tính.
Khi chúng ta đạt đến điểm mà máy tính có thể giao tiếp trực tiếp với các vùng não liên quan đến cơ thể và với sự khoái lạc, bạn có thể tưởng tượng ra những công nghệ cho phép mình sống lâu dài trong thế giới của thực tế ảo. Nhưng tôi không cho rằng những giao diện não-máy tính tiên tiến ấy sẽ có mặt ngay trong thế kỷ này.