Khi thành phố đông tỷ phú bậc nhất TG ngày càng ‘lười’: Chỉ 8% nhân viên chịu đến văn phòng làm việc 5 ngày/tuần

12/11/2021 07:11 AM | Kinh doanh

48% người được khảo sát cho biết diễn biến phức tạp của đại dịch là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định quay lại văn phòng của họ.

Trong một khảo sát gần đây, chỉ có 28% nhân viên văn phòng ở thành phố New York (Mỹ) đã trở lại nơi làm việc.

Partnership for New York City – một tổ chức phi lợi nhuận có sự tham gia của gần 300 CEO của các công ty kinh doanh, đầu tư hàng đầu của New York, đã tiến hành khảo sát nhiều công ty lớn trong tháng trước để đánh giá tình trạng quay trở lại văn phòng của cư dân New York cũng như tác động của việc làm việc từ xa và nhu cầu về không gian văn phòng của thành phố trong tương lai.

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ 8% nhân viên làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần. Các công ty dự kiến rằng 49% người lao động sẽ quay trở lại làm việc ở văn phòng ít nhất 1 ngày trong tuần vào cuối tháng 1 năm sau, 57% người lao động đến văn phòng ít nhất 3 ngày/tuần và 21% sẽ làm việc hoàn toàn từ xa.

Trong số những nhân viên tham gia khảo sát, 48% cho biết diễn biến phức tạp như hiện nay của đại dịch Covid-19 là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định quay lại văn phòng của họ.

Khi thành phố đông tỷ phú bậc nhất TG ngày càng ‘lười’: Chỉ 8% nhân viên chịu đến văn phòng làm việc 5 ngày/tuần - Ảnh 1.

Công dân New York không phải là những người duy nhất có quan điểm này. Kathryn Wylde, chủ tịch kiêm CEO của Partnership for New York City cho biết xu hướng người lao động chọn làm việc tại nhà do đại dịch đang ngày càng phổ biến trên khắp thế giới,

"Không ít công ty hiện nay là công ty toàn cầu, có các chính sách làm việc linh động để đáp ứng nhu cầu hoạt động ở nhiều bang và nhiều quốc gia khác nhau. Đại dịch đã khiến việc làm việc từ xa phổ biến hơn và tôi nghĩ rằng đó sẽ là một sự thay đổi vĩnh viễn. Các công ty trên thế giới sẽ linh hoạt hơn nhiều", bà nói.

Theo khảo sát, lĩnh vực bất động sản có tỷ lệ nhân viên làm việc tại văn phòng hàng ngày cao nhất, đạt mức 77% tính đến cuối tháng 10. Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ tài chính và luật đứng thứ hai, với tỷ lệ thấp hơn hẳn, ở mức 27%.

Những công ty lớn có tỷ lệ nhân viên quay lại văn phòng chậm hơn. Ở những văn phòng có ít hơn 500 nhân viên, có 39% người lao động đã trở lại nơi làm việc vào các ngày trong tuần. Còn nhiều công ty lớn, với số lượng nhân viên hơn 5.000, tỷ lệ này chỉ là 28%.

Wylde chia sẻ thêm: "New York là một thành phố đắt đỏ để sống và thuê văn phòng. Tuy chịu không ít ảnh hưởng của đại dịch nhưng tôi tin là New York sẽ dần thích nghi với trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, sẽ mất vài năm thử thách để đạt được điều đó".

Trong một khảo sát khác, tính tới quý III/2021, tác động của đại dịch đến nền kinh tế Mỹ đã khiến số lượng người nghỉ việc đạt mức kỷ lục là 3,4 triệu người (tương đương 2,9% lực lượng lao động của Mỹ).

Đại dịch khiến không ít người bị sa thải hoặc phải chuyển sang nghề khác. Vì thế, ưu tiên kiếm việc làm của họ hiện nay đã thay đổi hoàn toàn sang hướng chọn một công việc ổn định, lương thấp nhưng có bảo hiểm y tế thay vì công việc hợp đồng có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.

Dịch bệnh cũng khiến nhu cầu chi tiêu của đa số người dân giảm xuống. Vì làm việc tại nhà hoặc nghỉ việc nên một bộ phận người Mỹ không còn cần mua quần áo, giày dép đi làm, không phải chi tiền ăn ở ngoài hay đổ xăng hàng tuần. Họ dùng gói trợ cấp thất nghiệp hoặc khoản hỗ trợ trong đại dịch để trả tiền thuê nhà và trang trải các chi phí hàng ngày.

Nguồn: Ins

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM