Khi những tượng đài nước Nhật bị hoen ố thanh danh
Nhiều doanh nghiệp “xương sống” của nước Nhật đều đã dính phải bê bối gian lận và quản trị doanh nghiệp. Người ta đặt câu hỏi thứ quái quỷ gì đang diễn ra trong các doanh nghiệp này?
Khi lòng trung thành cản trở quản trị doanh nghiệp hiệu quả
Những doanh nghiệp từng nổi tiếng như “tượng đài” của nước Nhật đều đã dính phải bê bối. Gần đây có thể kể đến Toshiba với bê bối gian lận số liệu tài chính lên đến 1,3 tỷ USD vào năm ngoái.
Còn mới chỉ trong tháng 4, giới kinh doanh thế giới choáng váng với thực trạng quản trị doanh nghiệp của Mitsubishi Motors khi mà bê bối gian lận mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế diễn ra suốt nhiều năm và thậm chí ảnh hưởng đến cả nhiều sản phẩm bán sang cho Nissan mà không bị phát hiện sớm hơn. Khi vụ việc của Mitsubishi Motors còn chưa qua đi, lại đến lượt Suzuki Motors dính bê bối gian dối về tiêu thụ nhiên liệu.
Gần đây nhất là vụ việc tại Toa, công ty xây dựng này mới đây đã thừa nhận công bố sai số liệu về vật liệu và cấu trúc chống động đất tại sân bay Haneda và nhiều sân bay khác trên khắp nước Nhật.
Trong nhiều những trường hợp như thế này, giới điều hành công ty thường đổ lỗi do văn hóa doanh nghiệp Nhật, khi mà dù một nhân viên phát hiện ra lãnh đạo sai phạm cũng không dám có ý kiến bởi quan niệm trung thành là tuyệt đối, kể cả họ có biết lãnh đạo làm sai cũng không dám lên tiếng.
Khi mà ông Thủ tướng Shinzo Abe muốn minh bạch quản trị doanh nghiệp thì chính lòng trung thành tuyệt đối này lại là một lực cản lớn bởi sẽ không một ai dám lên tiếng kể cả họ phát hiện sai phạm.
Trong bối cảnh hiện tại, thời điểm các chiến dịch của ông Abe đang phát huy hiệu quả giúp đưa ra ánh sáng nhiều hành vi gian dối của doanh nghiệp thì nhiều người đang hoài nghi rằng với văn hóa bao che cố hữu của doanh nghiệp, cơ chế của ông Abe liệu có đủ mạnh.
Bởi ví như ngay với vụ việc tại Mitsubishi Motors, dù có đến 3 người trong ban lãnh đạo của công ty đến từ bên ngoài nhưng thực chất những người đó lại có mối liên hệ chặt chẽ với tập đoàn mẹ. Chính vì vậy không có gì ngạc nhiên khi mà công ty thực ra không có sự độc lập về quản trị.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia chuyên về quản trị doanh nghiệp Nhật, sẽ còn rất nhiều năm nữa lãnh đạo doanh nghiệp Nhật mới chấp nhận tuyển dụng người ở bên ngoài vào các vị trí có quyền quyết định. Lý do rất đơn giản là bởi cổ đông Nhật không có truyền thống “đuổi cổ” ban lãnh đạo giống như Mỹ hay châu Âu.
Điểm lại một loạt những vụ bê bối của doanh nghiệp Nhật trong thời gian gần đây:
Tháng 3/2015, công ty Toyo Tire & Rubber thừa nhận công bố sai số liệu đối với sản phẩm cao su chống động đất được sử dụng trong 55 tòa nhà ở Nhật, con số này sau đó bị điều chỉnh lên đến 154
Tháng 9/2015, Toshiba thừa nhận thổi phồng lợi nhuận tới 1,3 tỷ USD trong 7 năm
Tháng 11/2015, Asahi Kasei Construction Materials công bố đã khai báo sai số liệu móng nhà với khoảng 360 tòa nhà công ty này xây dựng
Tháng 11/2015, công ty sản xuất túi khí Takata thừa nhận đã báo cáo sai số liệu với sản phẩm túi khí sau khi đối diện với cáo buộc từ phía Honda.
Và trong tháng 4, tháng 5/2016 là các bê bối của Mitsubishi Motors và Toa.
Chính phủ muốn làm sạch doanh nghiệp, mục tiêu có khả thi?
5 năm trước đây, chính phủ Nhật đã tuyên bố về một chiến dịch làm thanh sạch các doanh nghiệp nước này để mọi hoạt động của họ trở nên minh bạch và hiệu quả hơn.
Cho đến nay, tất cả những nỗ lực trên đã phát huy tác dụng, số lượng các vụ bê bối bị phát hiện trong 5 năm qua đã cao hơn hẳn, tuy nhiên khi số vụ việc bị phát hiện ngày một nhiều hơn, uy tín của giới doanh nghiệp Nhật nói chung không khỏi bị ảnh hưởng.
Theo số liệu của Tokyo Shoko Research, trong khoảng thời gian 5 năm tính từ khi bê bối về số liệu kế toán bị phát hiện tại Olympus, số lượng các vụ gian lận kế toán tại Nhật năm sau đều tăng gấp đôi năm trước. Đến năm tài khóa 2015 -2016, số lượng các vụ bê bối được công bố đã lên con số 58. Vụ việc tại Olympus đã bị giấu kín rất lâu cho đến khi có một quản lý người nước ngoài vào làm việc.
Việc một loạt các vụ việc bị phanh phui không khỏi khiến người ta hoài nghi về chuẩn mực kế toán và quy trình tuân thủ trong các công ty Nhật. Không ít chuyên gia khẳng định nó đồng thời bắt nguồn từ việc sau nhiều thập kỷ kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng nội địa ngày một giảm, doanh nghiệp làm ăn khó khăn vì thế buộc phải có nhiều biện pháp chống đỡ không đúng luật.
Nhiều người lo sợ sẽ còn thêm thông tin xấu được công bố ra thị trường và thậm chí chưa thể biết đâu mới là vụ việc tồi tệ nhất.
“Giới đầu tư hẳn đang rất lo sợ bởi mỗi khi thông tin xấu được công bố ra, cổ phiếu mất giá, doanh nghiệp làm ăn khó khăn hơn và túi tiền của cổ đông lại bị ảnh hưởng”, trưởng bộ phận tư vấn tại tổ chức nghiên cứu Custom Products Research, ông Michael Newman, nhận xét.
Cách đây hơn 1 năm, Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe đã công bố chương trình cải tổ quản trị doanh nghiệp, tức là đẩy cao nỗ lực hơn so với cách đây 5 năm. Tuy nhiên với tình hình những vụ bê bối doanh nghiệp bị phát hiện ngày một nhiều như thế này, sẽ còn lâu ông Abe mới có thể hiện thực hóa được mục tiêu của mình.
“Rõ ràng những gì đang xảy ra cho thấy không phải chỉ riêng một công ty không làm tốt việc quản trị doanh nghiệp, mà là rất nhiều doanh nghiệp cũng như vậy. Họ luôn thể hiện rằng họ quản trị tốt cho đến trước khi các cuộc điều tra được tiến hành độc lập”, giáo sư nổi tiếng chuyên nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp Nhật, ông Haruhiko Higuchi, khẳng định.