Khi nhà giàu vung tiền… cướp vắc xin, mạng sống người nghèo bị bỏ mặc

06/02/2021 08:42 AM | Xã hội

Thứ những người giàu có đang tìm mọi cách để sở hữu thông qua việc quyên góp hay mối quan hệ với các CEO chính là vắc xin chống Covid-19.

Tại Florida, các thành viên hội đồng quản trị của một viện dưỡng lão đã đổ xô đến West Palm Beach để được tiêm những mũi vắc xin mà đáng lẽ, chúng được dành cho những người cao tuổi trong cơ sở của họ. Ở Philadelphia, CEO 22 tuổi của một công ty khởi nghiệp liên quan đến việc phân phối thuốc nhằm ứng phó với đại dịch đã lặng lẽ lấy những mũi tiêm chứa vắc xin để tiêm cho bạn bè mình. Tại Los Angeles, các bác sĩ chịu trách nhiệm hỗ trợ đặc biệt liên tiếp nhận được những cuộc gọi từ loạt người giàu có, những người đề nghị đưa ra các khoản quyên góp khổng lồ để đổi lại được tiêm phòng....

Niềm hy vọng xuất hiện khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép khẩn cấp cho vắc xin của Pfizer và Moderna đã sớm bị dập tắt khi người Mỹ phát hiện ra số người có chức quyền, các nhà tỷ phú từ thiện, các lãnh đạo bệnh viện… đang được tiêm vắc xin nhanh hơn so với phần còn lại của cả xã hội.

"Người giàu không muốn chờ đợi tới lượt mình. Vì vậy, họ thực hiện việc giành giật giống như tung tiền mua vé hạng sang trên những chuyến bay hay phòng khách sạn tốt nhất", R. Couri Hay, một nhà hoạt động xã hội ở New York với 25 năm kinh nghiệm, chia sẻ. "Người giàu xem vắc xin và xét nghiệm như một mặt hàng mà họ có thể mua".

Vắc xin chống Covid-19 đang được xem là cách tốt nhất để ngăn chặn đại dịch này. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng nó tác động không tương xứng đến những người thu nhập thấp và người da màu. Nó tiếp tục khoét sâu vào khoảng cách giàu nghèo ở nước Mỹ. Việc người nghèo bị giới nhà giàu tung tiền "cướp" những liều vắc xin đáng lẽ sẽ thuộc về họ cho thấy vấn đề càng nghiêm trọng.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Chính quyền Liên bang quyết định mỗi tiểu bang được nhận bao nhiêu liều vắc xin chống Covid-19 và gửi chúng đến các địa điểm đã được ủy quyền trước. Từ đó, các quan chức y tế tiểu bang và địa phương chịu trách nhiệm lập kế hoạch tiêm chủng bằng cách dựa vào những khuyến nghị ưu tiên mà Chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đưa ra.

Tuy nhiên, các bệnh viện, các viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc sức khỏe, vốn đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, đã không thể xử lý được khối lượng công việc khổng lồ này. Những người chịu trách nhiệm sắp xếp tiêm chủng và cả trung tâm cuộc gọi đều rơi vào tình trạng quá tải. Những thiếu sót này, cộng với các quy tắc ưu tiên của từng bang, đã dẫn tới tình trạng thừa ở một số nơi nhưng lại thiếu hụt ở một số nơi khác.

Về mặt lý thuyết, sự hỗn loạn trong quá trình triển khai tiêm phòng sẽ mang lại lợi ích cho bất cứ ai đủ hiểu biết để tận dụng nó. Keith Myers, giám đốc điều hành của Hệ thống Y tế MorseLife có trụ sở tại Palm Beach, Florida, đã gọi điện cho một số người có chức có quyền để hỏi xem họ có muốn tiêm vắc xin hay không. Công ty này chịu trách nhiệm tiêm vắc xin cho người dân và các nhân viên y tế.

Ở New Jersey, các giám đốc Trung tâm Y tế Hunterdon, các nhà tài trợ và gia đình của họ đã được tiêm phòng vào tháng 12 và tháng 1 trong khi những nhân viên y tế trên tuyến đầu và người già sống trong các viện dưỡng lão là nhóm duy nhất đủ điều kiện được tiêm phòng trong giai đoạn thiếu thốn vắc xin này.

Bác sĩ Marissa Levine, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Nam Florida, cho biết: "Chúng ta thấy những người có chức trách đưa ra quyết định của họ mà không bị kiểm soát bởi bất cứ khuôn khổ đạo đức nào. Đó là tình huống xấu nhất bởi những người có quyền lực hoặc quan hệ, có khả năng được tiêm vắc xin sớm hơn so với phần còn lại. Đó là cách bất bình đẳng nhất".

Arthur Caplan, một chuyên gia về đạo đức y tế, nói rằng ông tin nhiều người giàu có đang sử dụng địa vị của họ để hưởng lợi trước do sự thiếu hụt vắc xin mang tính hệ thống. Chính việc thiếu các quy định nhất quán giữa các bang tạo cơ hội cho sự tiêu cực và làm xói mòn niềm tin vào cả hệ thống.

Trong khi đó, các cộng đồng nghèo hơn và những người da màu không có nhiều cơ hội tiếp cận với vắc xin dù họ lại là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Theo thống kê chính thức, người da trắng ở New York nhận gần một nửa số vắc xin hiện có trong khi nhóm người da đen và người Latin chỉ nhận lần lượt là 11% và 15% tổng số liều.

Trong khi đó, người da màu và người gốc Latin ở New York có tỷ lệ nhập viện và tử vong cao hơn do Covid-19. Tỷ lệ này không chỉ xảy ra riêng ở New York mà còn là tình cảnh chung trên khắp nước Mỹ. Ngoài ra, giãn cách xã hội khiến nhóm người này, vốn chủ yếu làm những công việc lao động phổ thông, rơi vào tình trạng thất nghiệp nhiều hơn so với phần còn lại của nước Mỹ.

Một vụ việc đình dám được ghi nhận ở Philadelphia, nơi nhà chức trách thuê công ty khởi nghiệp Philly Fighting COVID làm nhà cung ứng vắc xin hàng loạt cho thành phố. Andrei Doroshin, một sinh viên 22 tuổi tốt nghiệp khoa học thần kinh của Đại học Drexel, chính là CEO của nó.

Tuy nhiên, bê bối nổ ra ngày 23/1 khi Katrina Lipinsky, một tình nguyện viên của công ty, nhìn thấy Doroshin mang theo một túi đầy vắc xin Pfizer rời khỏi cơ sở. Một tuần trước đó, các sinh viên đại học phát hiện những người bạn có mức độ ưu tiên thấp của họ nhận vắc xin. Rõ ràng, Doroshin đã vi phạm luật pháp khi tự ý phân phối vắc xin theo ý thích của mình.

Hàng loạt những vấn đề liên tiếp mà truyền thông Mỹ phát hiện cho thấy một vấn đề nghiêm trọng với chuỗi cung ứng vắc xin của nước này dù Chính quyền đã chi rất nhiều tiền để đảm bảo những người nằm trong diện nguy cơ cao sớm được tiêm chủng.

Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM