Khi người ta phũ phàng đáp lại lời tạm biệt của Auchan như cách "mót hoa" và "hôi bia" trên đường phố: Bao giờ mới hết?

27/05/2019 09:30 AM | Xã hội

Auchan đau đớn nhận ra mình đã có "những ngày thứ 6 đen tối" đúng nghĩa. Còn người tiêu dùng Việt, vì tiết kiệm được vài chục, vài trăm nghìn đồng mà đánh đổi nhiều thứ quan trọng hơn.

Auchan xả hàng giá rẻ như một lời tạm biệt, thế nhưng chúng ta đã làm gì với họ?

Đầu tháng 6 tới, Auchan - "Đại gia" bán lẻ Pháp chính thức rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Họ gửi lời "chào tạm biệt" tới người tiêu dùng, kèm chương trình xả hàng mua 1 tặng 1 với một số mặt hàng, hoặc giảm giá 25% - 30% với toàn bộ hàng hoá. Đáp lại lời chia tay thân thiện của Auchan, một bộ phận người Việt đã phũ phàng như muốn chuỗi bán lẽ này dứt khỏi Việt Nam càng nhanh càng tốt.

Auchan xả hàng giá rẻ như một lời tạm biệt, thế nhưng chúng ta đã làm gì với họ?

Cơn thanh lý "sốc" mà Auchan tạo ra vô tình gây nên một loạt cảnh tượng hỗn loạn mà bản thân họ cũng không thể lường trước được. Nhân viên Auchan nhịn ăn phục vụ khách hàng rồi bất lực và thậm chí đã "muốn khóc" nhìn hàng người vừa mua, vừa ăn, vừa phá hoại hàng hóa trong siêu thị.

Khi người ta phũ phàng đáp lại lời tạm biệt của Auchan như cách mót hoa và hôi bia trên đường phố: Bao giờ mới hết? - Ảnh 1.

Sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam, Auchan gửi lời chào tạm biệt và cảm ơn sự ủng hộ của khách hàng trong suốt thời gian vừa qua. Ảnh: Facebook.


Ngày thường Auchan được đánh giá là ít khách, hẩm hiu, bởi xuất phát điểm quá muộn màng khi mà ở Việt Nam đã có quá nhiều cái tên "sừng sỏ" khác. Nhưng trước thềm đóng cửa, Auchan tự cho mình sống dậy những thời khắc huy hoàng nếu có trước đây: các quầy hàng tấp nập, kẻ mua người bán không xuể, hàng hoá bay vèo,... nhưng lại trong một hoàn cảnh không mấy vui vẻ cho cam.

Phải chăng tâm lý của một số người xưa giờ vẫn thế: Được "giá" là bất chấp chen lấn xô đẩy gom đồ, cắn miếng táo, bóc hộp bánh, hút miếng sữa, vứt rác lại rồi quay mông ra về vì... "đằng nào siêu thị cũng đóng cửa"? Dù Auchan đã phải huy động nhân viên bắc loa kêu gào thảm thiết: "Chúng tôi tha thiết, tha thiết mong quý khách không mua thì để hàng lên quầy kệ, đừng để dưới đất hoặc nhét dưới gầm kệ. Có 2 máy check giá, bà con vui lòng kiểm tra, hoặc nhìn trên màn hình tính tiền, khi đã xuất hoá đơn rồi không được đổi trả".

Nhưng rốt cuộc, không ai chịu nghe.

Nhưng đứng trước lời chào thân thiện của Auchan, chúng ta đã phá tan hoang chuỗi siêu thị của họ.

Tất nhiên những thứ vừa bị phá hoại đều không được thanh toán, Auchan tự chịu toàn bộ tổn thất. Thứ còn lại sau cùng là những chai dầu gội, sữa tắm, nước ngọt bị bóc mở nằm la liệt, vương vãi khắp nơi. Thậm chí, kẻ gian còn nhân cơ hội giả vờ mua hàng để trộm cắp hàng hoá. Một bà mẹ khác vì quá mải mê tranh giành đồ đã để con em đại tiện luôn ra sàn siêu thị. Chị ta sau đó đã bế con ra và mặc kệ những gì bé vừa để lại. Còn những người xung quanh cũng chẳng thèm quan tâm vì... đang mải đi gom hàng. Họ thậm chí còn dẫm đạp lên, gián tiếp đưa "bãi chiến trường" này theo bánh xe đẩy hàng kéo thành từng vệt khắp siêu thị, mùi xú uế bốc lên nồng nặc.

Trớ trêu thay, Auchan còn bị chính "các thượng đế" tố bán hàng giá cao hơn lúc chưa giảm. Nhưng trên thực tế, không hề có tình trạng chênh lệch giá bán, mọi chuyện xuất phát từ việc người tiêu dùng... nhầm lẫn giá và trọng lượng giữa các loại mặt hàng. Họ kéo tới chân siêu thị làm ầm lên, gào thật lớn, rồi ê chề ra về. Có ai ép họ mua đâu để rồi phải kêu than rằng bị siêu thị lừa đảo?

Trước đó giờ, cứ nghe tin giảm giá là người ta sống chết mua bằng được, không cần tìm hiểu giá cả, cũng chẳng quan tâm mình có nhu cầu sử dụng sản phẩm đó hay không. Khi đem về nhà thấy không cần thiết sử dụng lại đem ra siêu thị trả hàng, một số khác tới khi ra tính tiền thì vất lại một nửa với lý do là... không đủ tiền.

Auchan đau đớn nhận ra mình đã có "những ngày thứ 6 đen tối" đúng nghĩa. Còn người tiêu dùng Việt, vì tiết kiệm được vài chục, vài trăm nghìn đồng mà đánh đổi nhiều thứ quan trọng hơn. Đúng là, hàng hóa dần nhiều lên nhưng văn minh ít dần đi. Thật bất ngờ, thảm cảnh xảy ra ngay tại những khu đô thị hàng đầu với những cư dân có thu nhập cao ngất. 

Khi người ta phũ phàng đáp lại lời tạm biệt của Auchan như cách mót hoa và hôi bia trên đường phố: Bao giờ mới hết? - Ảnh 2.

Thậm chí một bà mẹ nào đó vì mải... tranh giành hàng hoá, đã để con mình tự đi đại tiện trên sàn siêu thị.


Dù đã cố gắng tăng cường nhân viên tại các siêu thị nhưng dường như Auchan vẫn không thể "dập tắt" phần nào sự hung hăng của khách hàng. Hiện Auchan vẫn chưa thống kê cụ thể về lượng hàng đã bán được cũng như số bị hư hỏng, thất thoát tại 15 cửa hàng còn lại. Họ buộc áp dụng biện pháp tạm đóng cửa khi đông khách để tránh tình trạng quá tải như những ngày vừa qua.

"Khi ý thức người mua hàng chưa cao thì lượng nhân viên siêu thị có tăng gấp 2, 3 lần cũng không xuể. Chúng tôi thấy buồn khi chứng kiến cảnh này", đại diện Auchan nói.

Sự việc này bất giác gợi nhớ hình ảnh người dân Nhật Bản xếp hàng trật tự nhận lương thực sau thảm họa kép kinh hoàng năm 2016. Vì sao trong cơn bấn loạn, người Nhật không chen lấn, xô đẩy? Vì sao trong không khí êm dịu, mát mẻ một bộ phận người tiêu dùng chúng ta lại nảy lòng tham?

Khi người ta phũ phàng đáp lại lời tạm biệt của Auchan như cách mót hoa và hôi bia trên đường phố: Bao giờ mới hết? - Ảnh 3.

Hình ảnh người Nhật Bản xếp hàng dài mấy tiếng đợi nhận đồ cứu trợ sau thảm hoạ kép 2016.


Cứ miễn phí, giảm giá là sẽ có giẫm đạp chen lấn: Bao giờ mới hết?

Đây không phải lần đầu tiên và chắc chắn chưa phải lần cuối cùng, một bộ phận người Việt thể hiện hành vi thiếu ý thức giữa chốn đông người.

Sáng 6/3/2019, trên đường Kim Mã (Hà Nội) hàng chục người dừng xe, bước lên dải phân cách thi nhau "mót" những chậu hoa trang trí vốn được dùng để phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều nhiều ngày trước. Chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, hàng trăm chậu hoa nguyên trạng đã bị lấy đi, nhiều người "tỉ mỉ" nhấc lên đặt xuống chọn lựa những chậu tươi, xanh tốt nhất. Số khác còn đánh hẳn xe ô tô, ngắm nghía hoa rồi đặt đầy sau cốp xe.

Công nhân cây xanh đã phải mất nhiều ngày công để trang trí, còn người dân chỉ mất mấy phút để phá huỷ. Họ thanh minh, rằng mang hoa về "trang hoàng" nhà cửa, trong khi đó lại giẫm bẹp, đạp nát bươm cả vườn hoa công cộng.

Hình ảnh "xấu xí" khi người dân thi nhau "mót" hoa trên đường Kim Mã sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Năm 2015, người dân lần đầu tiên chứng kiến cảnh "vỡ trận" kinh khủng tại Công viên nước Hồ Tây. Tháng 4/2015, công viên này đã mở cửa miễn phí vé vào trong vòng 2 tiếng từ 8-10h sáng của một ngày chủ nhật nắng nóng. Kết quả, hàng nghìn người từ khắp các nơi cùng đổ về dẫn đến tình trạng quá tải. Ban quản lý quyết định đóng cửa ngừng phục vụ khách. Và họ cũng không nghĩ được rằng, nam thanh nữ tú, người già trẻ em,... bất chấp trèo rào vào bên trong.

Kẻ gian lợi dụng đứng dưới rào thoải mái "dòm" nội y của mấy bạn nữ. Gia đình tay bế tay bồng chuyền con từ ngoài vào trong mặc kệ chúng kêu gào thảm thiết. Vài trăm người nhốn nháo chờ để được chơi trò chơi mạo hiểm.

Cứ thế họ thay phiên chà đạp lẫn nhau, chỉ vì cái vé miễn phí của công viên nước.

Khi người ta phũ phàng đáp lại lời tạm biệt của Auchan như cách mót hoa và hôi bia trên đường phố: Bao giờ mới hết? - Ảnh 4.

Sau khi ban quản lý buộc phải đóng cửa vì lượng người quá đông, nhiều người quyết tâm vào được bên trong nên tìm mọi cách trèo rào, bất chấp nguy hiểm.

Còn nhớ, 24/10/2013, khi đó một cửa hàng sushi mới khai trương trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) đã ra thông báo mở cửa tự do, ăn uống miễn phí. Nhân cơ hội, hàng nghìn người đổ về đây chen lấn, xô đẩy, thậm chí là giành giật, chỉ mong có được phần ăn.

Nhân viên cửa hàng còn cho biết có không ít khách hàng đến ăn cố ý gây mất trật tự và lấy thức ăn tràn lan, ăn một miếng mà lấy cả khay. Chỉ một miếng sushi mà khiến cả Hà Nội sáng hôm đó "chao đảo" đến khủng khiếp.

Khi người ta phũ phàng đáp lại lời tạm biệt của Auchan như cách mót hoa và hôi bia trên đường phố: Bao giờ mới hết? - Ảnh 5.

Hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy, chỉ mong giành giật một miếng sushi.

Đáng chú ý, hồi tháng 12/2013, một vụ việc "hôi của" gây chấn động dư luận xảy ra khi 1.300 thùng bia tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai bị người dân hô hào mang về làm của riêng. Nghĩ mà đau lòng, những hành động như thế có khác gì cướp ngày đâu. Đây là vụ việc điển hình những người tranh nhau nhặt đồ phải chịu xử lý thích đáng của pháp luật.

Theo đó, vào ngày 4/12/2013, lái xe Hồ Kim Hậu (quê Bình Định) điều khiển xe tải chở 1.360 thùng bia thì bất ngờ bị đổ ra đường do cua gấp. Nhiều người đang di chuyển trên đường thay vì giúp đỡ tài xế, đã nhanh chóng chạy tới "hôi bia". Hình ảnh tràn lan trên mạng xã hội thời điểm đó đã phản ánh hành vi cực xấu hổ của một bộ phận người dân: dùng xe ba gác, mang bao tải đi hôi bia, chất bia lên xe máy... bất chấp lái xe van xin, bật khóc. 

Bia cũng đã có người uống, xã hội cũng đã được một phen bàn tán xôn xao nhưng cuối cùng, cũng chỉ có anh tài xế là khổ. Trong số đám đông hung hãn đó, 2 người bị đề nghị truy tố hình sự, 12 người khác bị xử phạt hành chính.  

Khi người ta phũ phàng đáp lại lời tạm biệt của Auchan như cách mót hoa và hôi bia trên đường phố: Bao giờ mới hết? - Ảnh 6.

Vụ việc "hôi bia" chấn động dư luận năm 2013, 14 người trong số họ đã phải chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật.


Câu chuyện mới đây của Auchan cùng những hình ảnh "xấu xí" của người Việt chắc chắn chưa dừng lại, khi mà tâm lý "mình không nhanh sẽ có kẻ khác giành lấy" vẫn cứ mãi đeo bám. Khép lại tất cả, Auchan đã từng kỳ vọng về một lời chia tay sau cùng thật nồng hậu dành cho người tiêu dùng Việt, nhưng họ đã phải nhận về một cái kết quá ngoài sức chịu đựng.

Dù ở bất kỳ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhiều người Việt không ai chịu nhường ai, bởi "nhường thì thiệt". Miễn được việc mình, còn thiên hạ thì mặc kệ. Không biết từ bao lâu, xã hội vẫn luôn tồn tại một thứ quy tắc "ngầm" đáng sợ: Nếu kẻ khác chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, còn mình đứng yên, thì mình là kẻ khác biệt. Ai cũng biết hành động như vậy là không đẹp mắt, là vô văn hoá, nhưng sẽ là thiệt thòi nếu trong đám đông hung hãn ngoài kia, chỉ mình bạn dừng lại. Tâm lý đám đông không cho phép bạn hành động đi ngược lại "quy chuẩn lệch lạc" kia. Bạn chỉ còn cách phóng thật nhanh, nhanh và nhanh, hoà vào diễn biến vốn được biết là vô lý ngay trước mắt mình. 

Thật buồn, Auchan xả hàng, một bộ phận người Việt xả "rác văn hóa". Chúng ta, xin đừng hành xử xấu xí trước những thứ miễn phí và giảm giá nữa.

Theo Minh Nhân

Cùng chuyên mục
XEM