Khi nào Việt Nam nên mở cửa thị trường du lịch quốc tế?

29/04/2021 21:24 PM | Kinh doanh

Theo quan điểm của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Việt Nam nên mở cửa dần thị trường du lịch quốc tế từ quý 3/2021 và mở nhiều hơn từ quý 4/2021.

Làn sóng Covid-19 bùng lên ở Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới khiến bài toán mở cửa thị trường du lịch quốc tế với Việt Nam trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.

Chia sẻ quan điểm của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ý khẳng định rằng TAB ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ về việc không hy sinh sức khỏe cộng đồng người dân Việt Nam để đổi lấy lợi ích kinh tế.

Song song với đó, TAB cũng đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan chú trọng xem xét làm thế nào để Việt Nam tái mở cửa biên giới một cách an toàn và bền vững.

"Chỉ mở cửa cho du lịch quốc tế khi chúng ta đã yên tâm. Điểm đến phải yên tâm rằng, du khách không mang mầm bệnh tới và du khách cũng phải yên tâm rằng họ không bị lây bệnh khi du lịch nước ngoài hoặc nếu rủi ro thì sẽ được chi trả bảo hiểm".

Vì sao Việt Nam cần chuẩn bị mở cửa cho du lịch quốc tế?

TAB khẳng định du lịch nói chung có vai trò quan trọng trong nền kinh tế việt Nam.

Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch đóng góp khoảng 9,2% GDP và sử dụng một lực lượng lao động rất lớn (khoảng 2,2 triệu lao động trực tiếp trong ngành du lịch), tạo ra doanh thu hơn 30 tỷ USD một năm.

Riêng với mảng du lịch quốc tế, lượng khách từ nước ngoài đóng góp hơn một nửa tổng doanh thu của ngành du lịch. Ví dụ trong năm 2019, Việt Nam thu 18,3 tỷ USD từ 18 triệu lượt khách quốc tế, trung bình 1,017 USD/khách. Trong khi đó, 85 triệu khách nội địa chỉ đem về 14,5 tỷ USD, tức là trung bình 171 USD/khách.

Đặc biệt, hiện nay, trong bối cảnh chương trình tiêm vaccine đại trà đang diễn ra ở nhiều nước, một số đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đã bắt đầu lập kế hoạch tái mở cửa biên giới theo cách an toàn nhằm hỗ trợ cho việc đi lại của các doanh nhân, chuyên gia và du khách nước ngoài.

"Thái Lan và Singapore, hai đối thủ nặng ký nhất của du lịch Việt Nam đã đưa ra rất nhiều chính sách, dự kiến mở cửa đón du khách quốc tế với những người có "hộ chiếu vắc-xin" hoặc "chứng chỉ tiêm chủng Covid-19". Nếu chậm chân một chút thôi, thì chúng ta sẽ khó có cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế", ông Chính nhìn nhận.

Khi nào Việt Nam nên mở cửa thị trường du lịch quốc tế? - Ảnh 1.

Theo đại diện của TAB, thời điểm mở cửa thị trường du lịch quốc tế sẽ phụ thuộc nhiều vào sự chuẩn bị và năng lực đón khách của Việt Nam trong bối cảnh Covid-19. Ngoài ra, cần tính đến chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Việt Nam và ở các nước thị trường quốc tế trọng điểm.

Vì mùa du lịch cho các nước ở thị trường gần (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…) thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9; mùa du lịch cho các nước ở thị trường xa (Châu Âu, Úc, Nga…) từ tháng 10 đến tháng 3 nên đại diện TAB gợi ý: "Tốt nhất là bắt đầu mở cửa dần từ quý 3/2021 và mở nhiều hơn từ quý 4/2021".

Để mở cửa cho du lịch quốc tế, Việt Nam cần chuẩn bị những gì?

Mở cửa thị trường du lịch quốc tế không phải là vấn đề đơn giản. Vì vậy TAB cho rằng để tìm được biện pháp đầy đủ, hiệu quả nhất, Việt Nam cần phải thành lập một nhóm hoặc tổ chức gồm nhiều chuyên gia từ các ngành khác nhau, từ Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao Du lịch… để bàn thảo và đưa ra tiêu chí mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

"Bất kỳ sự mở cửa cho du lịch như thế nào cũng cần phải an toàn và có lộ trình".

Theo tiến trình TAB vạch ra, Việt Nam nên thực hiện từng bước như sau:

+ Tiến hành đàm phán song phương với từng nước đã đạt được các tiêu chí về an toàn dịch bệnh.

+ Đưa ra các chính sách an toàn dịch bệnh như: Yêu cầu hộ chiếu Tiêm chủng; xét nghiệm PCR Covid trước chuyến bay và kiểm tra khi đến.

+ Chính phủ cũng nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho tất cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound). Bảo hiểm Covid-19 nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của du khách, công ty du lịch và chính quyền địa phương trong trường hợp hủy hoặc hoãn chuyến du lịch, cũng như kiểm tra, điều trị, sơ tán y tế và hồi hương ...

Đại diện TAB nhấn mạnh ngành du lịch cần xây dựng một quy trình đón và phục vụ khách du lịch an toàn trong mùa dịch bệnh. Đồng thời, khuyến cáo tất cả nhân viên của khách sạn, nhà hàng, cũng như những người làm việc trong lĩnh vực du lịch và các điểm di sản, các địa điểm du lịch khác được vào danh sách ưu tiên tiêm vắc-xin…

"Chúng tôi khẳng định hoàn toàn không coi hộ chiếu vắc-xin là giải pháp duy nhất và quan trọng nhất. Đây chỉ là một trong các giải pháp đảm bảo an toàn. Hiện nay WHO cũng chưa thừa nhận hộ chiếu vắc-xin. Vì vậy, chúng tôi không mong muốn Chính phủ Việt Nam xem hộ chiếu vắc-xin là biện pháp an toàn duy nhất mà phải có cái nhìn tổng thể", ông Chính nhấn mạnh.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM