Khi nào thì ‘Made in India’ có thể cạnh tranh với ‘Made in China’?
Cơ cấu dân số trẻ, giá lao động chỉ bằng một nửa so với Việt Nam, Trung Quốc, nhưng Ấn Độ vẫn bị coi là "nơi khó làm ăn nhất thế giới".
Theo "Báo cáo Môi trường Kinh doanh Toàn cầu 2020" do Ngân hàng Thế giới công bố, Ấn Độ tuy đang mong muốn trở thành “công xưởng của thế giới”, đưa “Made in India” cạnh tranh với “Made in China”, nhưng vẫn bị coi là một trong những quốc gia khó làm ăn nhất hành tinh.
Ấn Độ: “Tử thần” của các công ty nước ngoài
Ấn Độ có sự giám sát cực kỳ khắt khe với các công ty nước ngoài. Xiaomi của Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Mới đây, các nhà chức trách Ấn Độ đã cáo buộc Xiaomi chi nhánh Ấn Độ chuyển tiền bất hợp pháp cho các tổ chức nước ngoài dưới danh nghĩa “tiền bản quyền”, từ đó vi phạm Đạo luật kiểm soát ngoại hối của Ấn Độ. Có khả năng Ấn Độ sẽ tịch thu 4,8 tỉ NDT (15 nghìn tỉ VNĐ) của Xiaomi.
Phía Xiaomi khẳng định mình luôn tuân thủ các luật định có liên quan. Công ty phản bác rằng số tiền mà Xiaomi Ấn Độ trả là “dành cho bằng sáng chế cho phiên bản điện thoại di động tại Ấn Độ. 84% số tiền mà nhà chức trách thu giữ là phí bằng sáng chế trả cho Qualcomm chứ không phải một tổ chức “không xác định” nào khác”.
Ngoài Xiaomi, OPPO cũng từng bị cáo buộc trốn thuế 43,9 tỷ Rupee (12.600 tỉ VNĐ) vào tháng 7 năm 2022. Ấn Độ cho biết, OPPO đã sử dụng sai quy định miễn thuế khi nhập khẩu linh kiện điện thoại di động.
Không chỉ có công ty Trung Quốc, doanh nghiệp đến từ các nước khác cũng bị Ấn Độ theo dõi rất gắt gao.
Năm 2008, cục thuế Ấn Độ đã đưa ra "phiếu phạt" 7 tỷ Rupee cho Microsoft. Năm 2013, IBM Ấn Độ cũng bị cơ quan quản lý địa phương yêu cầu nộp khoản truy thu thuế 53,57 tỷ Rupee do “báo cáo sai doanh thu năm tài chính 2009”.
Theo dữ liệu do các quan chức Ấn Độ công bố, từ năm 2014 đến tháng 11 năm 2021, đã có 2.783 công ty nước ngoài đóng cửa hoạt động tại Ấn Độ, chiếm khoảng 1/6 tổng số công ty đa quốc gia ở nước này. Trong đó, có cả nhà sản xuất xe máy Mỹ Harley-Davidson và công ty ô tô Ford của Mỹ, v.v.
Do đó, Ấn Độ được gọi là “tử thần của các công ty nước ngoài”. Các luật lệ và quy định liên quan tới hoạt động kinh doanh của công ty nước ngoài có 30 chương và 500 điều. Gần như điều nào cũng dẫn tới phạt tiền, phạt tù và các hậu quả pháp lý khác. Đặc biệt, các cơ quan thực thi pháp luật Ấn Độ thường không chủ động thông báo cho các công ty để khắc phục mà cứ thế tiến hành "gửi vé phạt" luôn.
Khó làm ăn nhưng cũng khó bỏ
Mặc dù vậy, nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động vẫn coi Ấn Độ là thị trường quan trọng trong dài hạn.
Ấn Độ là nước đông dân và có cơ cấu dân số trẻ, đảm bảo khả năng tiêu dùng trong tương lai. Tổng doanh số của thị trường smartphone Ấn Độ tăng đều hàng năm.
Chi phí lao động của Ấn Độ cũng là ưu thế nổi bật. Nếu như mức lương lao động phổ thông ở Trung Quốc là vào khoảng 4.000 NDT (khoảng 13 triệu VNĐ), ở Việt Nam là khoảng 8 triệu đồng, thì ở Ấn Độ chỉ có khoảng 17.000 Rupee, tức gần 5 triệu VNĐ.
Tuy có được những lợi thế đó nhưng Ấn Độ lại chưa bao giờ thiết lập được chuỗi cung ứng điện thoại di động của riêng mình. Thị trường nội địa toàn là những cái tên nước ngoài chiếm ưu thế. Kể từ năm 2012, Samsung đã thay thế Nokia trở thành người dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ và đã thống trị thị trường trong 6 năm liên tiếp. Theo dữ liệu từ Phòng Thương mại Trung Quốc tại Ấn Độ, tính đến năm 2021, các công ty điện thoại di động Trung Quốc cũng đã thiết lập được ở đây hơn 200 nhà máy, hơn 500 công ty thương mại và tạo ra hơn 500.000 việc làm.
Tham vọng “Made in India”
Để giải quyết những tồn tại lâu nay của ngành sản xuất Ấn Độ, năm 2014, chính phủ Modi đã đề xuất kế hoạch “Made in India” nhằm nâng cao tỷ trọng ngành chế tạo trong GDP của Ấn Độ từ 15% lên đến 25%.
Chính sách đưa ra các mức thuế khác nhau cho mỗi giai đoạn sản xuất khác nhau nhằm thuyết phục các công ty nước ngoài chuyển dần dây chuyền về Ấn Độ, từ đó tạo ra một hệ sinh thái sản xuất hoàn chỉnh.
Cuối năm 2021, Ấn Độ phê duyệt một kế hoạch trị giá khoảng 10 tỷ USD để thu hút các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn trên toàn cầu xây dựng nhà máy tại Ấn Độ. Từ đó, đưa Ấn Độ trở thành trung tâm toàn cầu về thiết kế và sản xuất điện tử, cạnh tranh với Trung Quốc và Việt Nam.
Cách đây không lâu, chính phủ Ấn Độ còn yêu cầu các thương hiệu điện thoại Trung Quốc như Xiaomi, OPPO, v.v. phải bổ nhiệm người Ấn vào các vị trí quan trọng như CEO, COO, CFO và CTO. Với sự đa dạng trong thị trường Ấn Độ, việc thuê giám đốc điều hành người bản địa cũng là một cách đáng suy xét để thâm nhập thành công.
Tuy nhiên, trong một bài viết gần đây, Arvind Subramanian, cựu trưởng cố vấn kinh tế của chính phủ Ấn Độ kiêm nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Brown vẫn nhận định rằng Ấn Độ chưa thể đưa “Made in India” vượt lên “Made in China”, nếu chưa thể giải quyết được các vấn đề như “rủi ro đầu tư quá mức, hướng nội quá mức trong chính sách và mất cân đối kinh tế vĩ mô”.
Tham khảo từ: Net Ease