Khi nào Covid-19 chấm dứt và chúng ta có thể quay lại cuộc sống thường ngày?
"Chúng ta đang có vấn đề lớn khi chưa có một chiến lược tái xây dựng hậu dịch. Đây là vấn đề không chỉ của nước Anh mà còn là của thế giới", Giáo sư Mark Woolhouse của trường đại học Edinburgh chuyên về bệnh truyền nhiễm nhận định.
Cuộc sống của mọi người dân trên thế giới đang bị đảo lộn vì Covid-19. Những tụ điểm vốn đông người qua lại giờ đây vắng tanh. Thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân bị phá vỡ vì những lệnh cấm.
Tất nhiên, mọi người cần phải tuân theo các quy định của chính phủ để có thể chung tay dập dịch một cách sớm nhất, nhưng liệu sự đảo lộn này đến bao giờ mới chấm dứt?
Thủ tướng Anh Boris Johnson tin rằng họ có thể chấm dứt dịch trong vòng 12 tuần, nhưng ngay cả khi số ca nhiễm tại Anh suy giảm trong 3 tháng tới thì việc chống dịch vẫn chưa thể chấm dứt, đó là chưa kể số người dương tính với Covid-19 của nước này vẫn chưa hề tăng chậm lại.
Đầu tiên, các nhà khoa học chưa xác định chính xác được liệu virus Corona sẽ tồn tại được bao lâu trong cơ thể con người cũng như môi trường sống. Tiếp đó, chính phủ sẽ phải giải quyết dòng di cư mang mầm bệnh từ nhiều nơi trên thế giới.
Ngay cả khi tuyên bố hết dịch, hiểm họa tái nhiễm là vô cùng cao trong cộng đồng, đó là chưa kể đến hàng loạt thách thức từ kinh tế, giao thông cần được khôi phục khi người dân đã bị cách ly quá lâu. Chưa có một quốc gia nào trên thế giới có kế hoạch phòng tránh, đồng thời tái xây dựng nền kinh tế và xã hội như thế nào sau khi hết dịch.
"Chúng ta đang có vấn đề lớn khi chưa có một chiến lược tái xây dựng hậu dịch. Đây là vấn đề không chỉ của nước Anh mà còn là của thế giới", Giáo sư Mark Woolhouse của trường đại học Edinburgh chuyên về bệnh truyền nhiễm nhận định.
Rõ ràng, cuộc chiến Covid-19 sẽ được tính bằng năm chứ chẳng phải bằng tuần hay tháng bởi hậu quả mà nó đem lại là lâu dài.
Hiện nay, các nhà khoa học mới chỉ phát triển được một số phương pháp đối phó Covid-19 như nghiên cứu Vaccine, trông chờ vào sức đề kháng cộng đồng khi dịch lan đủ rộng hay tìm cách thay đổi thói quan sinh hoạt, tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, chẳng có phương án nào trên đây có thể nhanh chóng khiến mọi người quay trở lại cuộc sống như trước đây.
Vaccine: Ít nhất cần 12-18 tháng nữa
Một liều Vaccine có thể giúp cơ thể người tạo kháng thể và không bị ốm nếu tiếp xúc với virus một lần nữa. Nếu thế giới có thể tiêm chủng Vaccine cho khoảng 60% dân số thì Covid-19 sẽ chẳng còn đáng lo. Tất nhiên đây là điều khá khó khăn.
Người tình nguyện thử thuốc đầu tiên tại Mỹ mới được tiêm Vaccine. Xin được nhắc là quy trình này đã bị bỏ qua một số khâu thử trên động vật theo quy định do sự cấp thiết của tình hình, qua đó làm gia tăng tính rủi ro của Vaccine khi sử dụng.
Ngay cả như vậy, các bác sĩ cũng cho biết cần chờ tối thiếu 12-18 tháng để có thể sản xuất hàng loạt chứ chưa nói đến phổ biến rộng rãi trong xã hội. Cơ thể con người cần thời gian để tạo kháng thể và các chuyên gia cần theo dõi những phản ứng phụ trước khi xác nhận Vaccine an toàn, thế rồi câu chuyện bản quyền cùng khả năng đưa vào sản xuất hàng loạt khi chuỗi cung ứng trên thế giới đang bị đình trệ vì Covid-19.
"Chờ đợi Vaccine không nên được cho là một giải pháp giải quyết tình hình, chính phủ cần có những biện pháp khác để người dân có thể quay lại cuộc sống hàng ngày", Giáo sư Woolhouse cho biết.
Miễn dịch tự nhiên: Hãy đợi tối thiểu 2 năm
Một biện pháp nữa khá tàn nhẫn là để kệ dịch lây tự nhiên, khi số người yếu đã tử vong đủ nhiều và con người sản sinh được kháng thể tự nhiên thì Covid-19 sẽ tự biến mất.
Tại Anh, một số chuyên gia cho rằng khi các bệnh viện đã quá tải, chính phủ có thể để mặc dịch lây lan trước khi thực hiện một đợt cách ly rộng lần 2 nhằm thúc đẩy quá trình sản sinh kháng thể tự nhiên. Tất nhiên làm thế đồng nghĩa với việc khiến ngày càng nhiều người nhiễm.
Tuy nhiên, cách làm này có 2 điểm rủi ro. Thứ nhất, Covid-19 có thể biến thể khiến kháng thể tự nhiên không chống lại được các chủng mới. Thứ 2, quá trình sinh kháng thể tự nhiên có thể kéo dài hàng năm trời với lượng người lây nhiễm lớn, tạo nên những hệ lụy không lường.
"Chúng ta đang nói về một giải pháp mà các nhà hoạch định hy vọng một số lượng nhỏ người nhiễm bệnh sẽ tạo nên kháng thể tự nhiên để cứu cả cộng đồng, điều khó có thể xảy ra. Kể cả khi chúng ta thực hiện chính sách này thì cũng cần hơn 2 năm thì may ra cộng đồng mới tạo được kháng thể tự nhiên ở mức khiến mọi người quay lại cuộc sống bình thường được", Giáo sư Neil Ferguson của trường đại học hoàng gia London (ICL) nói.
Thay đổi thói quen: Chẳng biết khi nào dừng
Theo Giáo sư Woolhouse, phương án thứ 3 mà mọi người có thể dùng để chống Covid-19 là tạm thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Phương pháp này bao gồm những động thái cách ly, hạn chế đi lại như hiện nay hoặc tăng cường hoạt động xét nghiệm hàng loạt, chủ động cách ly những bệnh nhân có khả năng lây nhiễm cao.
Bằng những động thái này, thói quen sinh hoạt của người dân sẽ bị thay đổi nhưng chúng chỉ giúp kiềm chế lây lan dịch chứ không chấm dứt được Covid-19. Nếu tiếp tục những biện pháp này mà không có một phương án chủ động hiệu quả, tình hình dịch bệnh sẽ còn lây lan hoặc tiềm ẩn trong cộng đồng cho đến khi sản xuất hàng loạt được Vaccine hoặc kháng thể tự nhiên được sinh ra.
Nếu áp dụng phương án này thì thời gian dỡ bỏ lệnh cấm hay cách ly là không rõ ràng tùy từng nước cũng như tình hình. Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cách ly một số khu vực sau khi số ca nhiễm mới giảm mạnh, nhưng rủi ro tái nhiễm và đại dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn trong cộng đồng còn thói quen sinh hoạt của người dân thì chắc chắn không thể tùy ý như trước đây được nữa.