Khi cứ 10 lọ nước hoa bán ra có đến 9 lọ xuất xứ nước ngoài, nước hoa Miss Saigon sống và chiến đấu ra sao?
Trong năm 2016, tổng doanh thu Miss Saigon giảm so với năm trước do không còn khoản thu đột biến từ bất động sản. Tuy nhiên, nhờ phát triển thêm tới 100 sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, doanh thu từ mỹ phẩm vẫn tiếp tục tăng trưởng 2 chữ số.
Nói đến nước hoa, người ta thường nghĩ ngay đến những cái tên nước ngoài như Chanel, Dior, Burberry... Nhưng có một thương hiệu Việt nay đang vẫn đang tỏa hương lặng lẽ, âm thầm cạnh tranh giữa các nhãn hiệu lừng danh thế giới. Đó là một công ty mỹ phẩm hiếm hoi của nước nhà sống và tăng trưởng suốt 40 năm - công ty Mỹ phẩm Sài Gòn và sản phẩm nước hoa Miss Sài Gòn.
Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn tiền thân là hãng nước hoa Imortel trước năm 1975. Sau năm 1975, Imortel được chuyển thành Phân xưởng Mỹ phẩm II, sau đó là Xí nghiệp Mỹ phẩm II và trở thành Xí nghiệp Mỹ phẩm Sài Gòn vào năm 1990 và năm 1999 thì cổ phần hóa.
Thương hiệu này được biết đến rộng rãi với hình ảnh đặc trưng là lọ nước hoa mang hình dáng thiếu nữ duyên dáng trong 3 loại trang phục: Miền Bắc là áo tứ thân và nón quai thao, miền Trung là áo dài và nón lá, miền Nam là áo bà ba. Tuy nhiên, giai đoạn trước năm 2000, nước hoa vẫn là mặt hàng xa xỉ nên chưa được đông đảo người tiêu dùng tìm đến.
Về sau, cuộc sống người dân trở nên khá giả hơn cũng là lúc các loại nước hoa ngoại tấn công thị trường Việt như Chanel, Dior, Kenzo... Với uy tín và chất lượng cao, các sản phẩm ngoại nhập dần chiếm lĩnh thị trường, khiến Miss Saigon rất khó để cạnh tranh.
Trước sự đổ bộ của các đối thủ, Miss Saigon chọn xuất khẩu là thị trường chính. Trước năm 2006, doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm hơn 60% tổng doanh thu của Mỹ phẩm Sài Gòn. Sau năm 2006, xuất khẩu chiếm 50% doanh thu.
Miss Sài Gòn hiện đã có mặt tại các khu vực như Đông Âu, Úc, Đài Loan, Philippines, Maylasia, Singapore, Campuchia, Lào, Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc… Trong đó Đông Nam Á là thị trường đóng góp nhiều doanh thu nhất.
Ngoài kênh xuất khẩu, Miss Saigon còn được phân phối qua 2 kênh khác. Đó là kênh bán hàng truyền thống, gồm các đại lý, chợ, cửa hàng, chiếm 30% doanh thu. Kênh thứ 2 là các tụ điểm gồm có siêu thị, nhà sách, bán hàng qua mạng và SC Perfume (là chuỗi cửa hàng riêng của công ty). Kênh này chiếm 20% doanh thu.
Năm 2013, SC Perfume xây dựng hệ thống bán hàng tiến ra thị trường miền Bắc. Công ty cũng tiến hành kiểm soát tốt lượng hàng tồn kho nhà phân phối, giảm bình quân tồn kho từ 2 tháng bán hàng xuống còn 3 tuần bán hàng.
Với chiến lược của mình, Miss Saigon vẫn sống tốt trước sự xâm lấn của các đối thủ ngoại. Giai đoạn 2010-2014, doanh thu Miss Saigon tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm. Sang năm 2015, cả doanh thu và lợi nhuận Miss Saigon lên cao kỷ lục nhờ hoạt động đầu tư bất động sản thu về 58,7 tỷ đồng, lãi 34,25 tỷ đồng.
Theo số liệu mới công bố, năm 2016 vừa qua, Miss Saigon vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan, doanh thu 276 tỷ đồng và lợi nhuận 24,9 tỷ đồng. Tổng doanh thu tuy giảm so với năm trước do không còn khoản thu từ bất động sản, nhưng thực tế, doanh thu bán mỹ phẩm vẫn tăng trưởng 2 chữ số, đạt 13%.
Năm 2017, Miss Saigon đặt mục tiêu doanh thu 310 tỷ đồng và lợi nhuận 28,4 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 12% và 14% so với năm trước.
Miss Saigon đánh giá, thị trường mỹ phẩm Việt Nam rất tiềm năng. Nếu như năm 2011, giá trị nhập khẩu mỹ phẩm Việt Nam chỉ ở mức 500 triệu USD thì đến năm 2016 vừa qua đã lên tới 1,1 tỷ USD và dự báo năm 2020 là 2,2 tỷ USD.
Chi tiêu bình quân cho mỹ phẩm của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ khoảng 4-5USSD/người/tháng, bằng 1/4 so với mức của Thái Lan khoảng 20 USD/người/tháng.
Mặc dù vậy, khó khăn của Miss Saigon, cũng như nhiều thương hiệu Việt khác, là người tiêu dùng trong nước có xu hướng ưa chuộng mỹ phẩm ngoại. Theo Miss Saigon, các thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài đang chiếm tới 90% thị phần tại Việt Nam.
Trước những khó khăn này, công ty tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm sao cho hương thơm bền lâu trên 12 giờ/ngày với tỉ lệ cồn thấp.
Trong năm qua, Miss Saigon đã phát triển hơn 100 sản phẩm mới, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị các sản phẩm cao cấp. Ngoài sản phẩm chủ lực là thương hiệu Miss Saigon, hiện nay công ty còn có nhiều dòng sản phẩm khác như nước hoa cho nam giới, dầu gội đầu bồ kết, nước hoa xịt phòng, sữa rửa tay...