'Khẩu vị' lạ của nhà đầu tư Trung Quốc: Thờ ơ với Facebook, Apple, Amazon, chỉ thích rót tiền vào cổ phiếu các công ty bán... thịt lợn
Cổ phiếu của những hãng bán thịt lợn tại Trung Quốc có sức hấp dẫn hơn nhiều so với Facebook, Apple, Amazon...
Trong mùa dịch Covid-19, những cổ phiếu ngành công nghệ lên ngôi nhờ sự phát triển của thương mại điện tử và người tiêu dùng bị buộc phải ngồi nhà nhiều hơn. Thế nhưng điều đó không đúng lắm tại Trung Quốc.
Tại Mỹ, nhóm cổ phiếu 5 hãng công nghệ lớn nhất là FAANG (Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Google) chiếm tới 20% tổng giá trị của chỉ số S&P 500 Index và hầu như tác động lớn đến thị trường chứng khoán thì ở Trung Quốc, các doanh nghiệp thực phẩm mới là những ông lớn hiện nay.
Những doanh nghiệp thực phẩm lớn của Trung Quốc, gọi tắt là Big Food (hay còn có thêm Big Liquor cho cả các hãng đồ uống và rượu) thực sự thống lĩnh đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong mùa dịch.
Giá thực phẩm Trung Quốc liên tục biến động bất chấp sự can thiệp của chính phủ
Nguyên nhân thì vô cùng đơn giản, đại dịch khiến giá thực phẩm tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán, qua đó đẩy giá cổ phiếu của hàng loạt hãng thực phẩm đồ uống. Chỉ số tiêu dùng tại Trung Quốc (CSI) trong năm qua đã tăng 100% so với năm trước đó.
Lấy ví dụ Myyuan Foods Co, một công ty chăn nuôi lợn ở Trung Quốc đã có giá cổ phiếu tăng 88% trong năm vừa qua. Trong khi đó hãng sản xuất nước tương Foshan Haitian Flavoring & Food Co cùng có cổ phiếu tăng giá khiến tổng mức vốn hóa thị trường cao hơn cả tập đoàn dầu khí quốc doanh Trung Quốc CNOOC.
Bên cạnh đó, nếu nhìn vào top danh sách đầu tư các quỹ tương hỗ tại Trung Quốc thời gian vừa qua, những cái tên của các công ty đồ uống có cồn luôn xuất hiện.
Số liệu mới nhất tính đến cuối năm 2020 của CICC cho thấy không phải những cái tên công nghệ như Tencent hay Meituan mà chính những hãng rượu như Kweichow Moutai, Wuliangye Yibin và Luzhou Laojiao Co mới là sự lựa chọn hàng đầu của các quỹ tương hỗ.
Rõ ràng những doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống tại Trung Quốc mới là các hãng được hưởng lợi lớn nhất trong mùa dịch chứ không phải công ty công nghệ.
Thậm chí ngay cả những hãng công nghệ có cổ phiếu tăng giá mạnh trong năm vừa qua cũng kinh doanh thực phẩm. Ví dụ ứng dụng giao đồ ăn Meituan có cổ phiếu tăng tới 36% từ đầu năm đến nay, đẩy tổng giá trị vốn hóa của hãng này lên tới 300 tỷ USD.
Nguyên nhân chính là dịch vụ Meituan Select giúp người tiêu dùng mua thực phẩm với giá rẻ hơn trong mùa dịch, khiến các nhà đầu tư đặt kỳ vọng cao.
Có 6/10 công ty thực phẩm đồ uống có giá cổ phiếu đắt nhất thế giới thuộc về Trung Quốc
Theo nhận định của iResearch, doanh số bán thực phẩm tươi sống trực tuyến tại Trung Quốc sẽ tăng 100% lên mức 820 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 127 tỷ USD vào năm 2023.
Nhận thức được cơ hội đang tới, đối thủ của Meituan là Sequoia cũng đang xem xét phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ trong năm nay để tận dụng đà tăng giá.
Hấp dẫn hơn cả ngành ngân hàng
Sự bùng nổ kinh tế khiến người Trung Quốc có nhiều tiền hơn để hưởng thụ cuộc sống và ăn uống là một phần không thể thiếu. Trong 2 năm vừa qua, chính quyền Bắc Kinh luôn cố gắng giảm nhiệt tăng giá cho các mặt hàng ăn uống nhưng điều đó có vẻ khó khăn trước những tác động của dịch.
Năm 2019, giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng mạnh do dịch tả lợn Châu Phi khiến hàng triệu con heo tại đây bị thiêu hủy, đồng thời đẩy giá nhiều loại mặt hàng tăng theo. Giá một quả táo trong tháng 5/2019 đắt hơn tới 20% so với 1 tháng trước đó.
Năm 2020, khi giá thịt lợn được bình ổn thì đại dịch diễn ra khiến hàng loạt mặt hàng rau xanh cháy hàng tại siêu thị.
Chính phủ Trung Quốc đổ lỗi do biến đổi khí hậu, thiên tai và đại dịch ảnh hưởng đến nguồn cung cũng như nhu cầu, thế nhưng 15% số hoa quả tại nước này vẫn bị vứt bỏ, cao gấp 3 lần so với những nước phát triển như Mỹ. Chính nguyên nhân trọng mặt mũi, bày vẽ nhiều món để tiếp khách cũng như tâm lý đầu cơ tích trữ lương thực mùa dịch đã thúc đẩy tình trạng bỏ phí thực phẩm.
Tuy nhiên với các hãng kinh doanh thực phẩm, điều này chỉ giúp họ tăng doanh số và các nhà đầu tư cũng nhận ra điều đó. Dịch bệnh hay gì thì 1,4 tỷ người Trung Quốc vẫn phải ăn uống và với hệ thống cung cầu kém hiệu quả hiện nay, giá các mặt hàng vẫn sẽ tăng.
Ngoài ra những hãng kinh doanh thực phẩm, đồ uống không phải sợ giảm phát ảnh hưởng bởi các mặt hàng của họ thường thuộc loại nhu yếu phẩm. Ngay cả những hãng rượu cũng luôn tăng giá tại Trung Quốc.
Ví dụ giá bán buôn của rượu Moutai tại đây đã tăng 20% kể từ tháng 1/2018 bất chấp biến động của thiên tai hay đại dịch.
Nghe có vẻ trớ trêu khi trái ngược lại, hầu hết các ngành của Trung Quốc trong 10 năm qua lại cố gắng giảm giá để cạnh tranh, đi cùng với đó là suy giảm lợi nhuận cho các doanh nghiệp.
Vào đầu năm 2012, Trung Quốc phải chứng kiến tình trạng giảm phát của các nhà sản xuất, kéo dài cho đến tận cuối năm 2016. Thế rồi đến năm 2019, nguy cơ giảm phát lại diễn ra một lần nữa khi chỉ số giá sản xuất (PPI) lại đi xuống.
Chính điều này đã khiến các cổ phiếu ngành thực phẩm luôn có tăng trưởng lợi nhuận tốt hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Hiện nay, 6/10 doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống có giá cổ phiếu đắt nhất nằm ở Trung Quốc. Theo Bloomberg, chỉ số P/E (Giá trên lợi nhuận) bình quân toàn ngành tại đây vào khoảng 33 lần.
Theo tờ Business Times, ngành thực phẩm và đồ uống tại Trung Quốc đã vượt qua ngân hàng trong chỉ số CSI 300 Index. Cổ phiếu của toàn ngành đã tăng bình quân 60% trong năm 2020.
Báo cáo của Haitong Securities cho thấy các quỹ tương hỗ đã chi bình quân 11,8% số tiền của họ cho các cổ phiếu ngành thực phẩm ăn uống, chỉ đứng thứ 2 sau ngành y tế trong mùa dịch.
Chỉ số PPI của Trung Quốc
Rõ ràng với dòng tiền ổn định, cổ phiếu của những hãng bán thịt lợn tại Trung Quốc trông thu hút hơn nhiều so với ngành công nghệ.
Ví dụ điển hình là hãng bán nước tương Foshan Haitian đã có doanh số tăng trưởng đều trên 10% kể từ năm 2012 trong khi lợi nhuận thì ngày một cao hơn. Một bản báo cáo của ngân hàng Bank of China đã phải thừa nhận mua cổ phiếu của Foshan chẳng khác nào mua trái phiếu với lãi suất 10-20% cả.