Khám phá nhà máy Daikin trị giá 72 triệu USD thông minh nhất thế giới: 25 giây sản xuất 1 máy lạnh, quản lý bằng công nghệ IoT, chuyên chở linh kiện bằng xe tự hành…
Do nhà máy tại Việt Nam là nhà máy mới nhất của Daikin, nên được kế thừa được những tinh hoa tốt đẹp nhất về công nghệ cũng như quản lý sản xuất của tập đoàn Nhật Bản có 95 năm tuổi này.
Khu công nghiệp Thăng Long II ở Hưng Yên đang là nơi đặt nhà máy tại Việt Nam của hơn 55 công ty lớn nhỏ trên khắp thế giới, trong đó có những cái tên sừng sỏ như Panasonic, Idemitsu, Nestle… Tuy nhiên, nói về sự tự hào về nơi làm việc của bản thân trong giới công nhân ở khu công nghiệp này, ít ai vượt qua được nhân viên của Daikin.
Bởi, họ không chỉ đang làm việc cho một doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành máy điều hòa của thế giới, mà còn vì nơi họ làm việc là nhà máy thông minh – hiện đại nhất thế giới của Daikin và có thể cả thế giới. Hiện tại, Daikin có 90 cứ điểm sản xuất trên toàn cầu.
Phòng trưng bày và giới thiệu về sản phẩm - sản xuất của nhà máy Daikin Việt Nam.
Mô hình trưng bày 1 sản phẩm của Daikin ở sảnh nhà máy.
Ông Ogami Noriyoshi – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Nhà máy Daikin Việt Nam, giải thích lý do vì sao tập đoàn này lại chọn đặt nhà máy tại Việt Nam dù đã có một nhà máy tại Thái Lan và Trung Quốc: "Thường thì các nhãn hàng khác thường đặt nhà máy sản xuất tại Malaysia và Trung Quốc rồi sau đó vận chuyển hàng đến bán các nước lân cận. Trước đây, chúng tôi cũng thường nhập hàng từ Thái Lan về để bán tại Việt Nam, do sản lượng tiêu thụ của thị trường ở đây vẫn còn thấp, nếu đặt nhà máy sẽ không mang lại nhiều lợi ích.
Tuy nhiên, ngoài vị trí chiến lược, chúng tôi cũng muốn đặt nhà máy sản xuất ở ngay những thị trường có sản lượng tiêu thụ lớn. Cách đây 3 năm, Ban lãnh đạo của Daikin dự đoán rằng, nhu cầu tiêu thụ máy điều hòa không khí của thị trường Việt sẽ lớn mạnh nhanh chóng, nên chúng tôi quyết định đặt thêm nhà máy tại đây".
Ông Ogami Noriyoshi – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Nhà máy Daikin Việt Nam
Khánh thành vào tháng 5/2018, nhà máy Daikin đầu tiên tại Việt Nam có diện tích 28.000m2 nằm trong khuôn viên rộng 219.100m2, với tổng số tiền đầu tư khoảng 72 triệu USD. Và quả thật, với những gì chúng tôi chứng kiến trong chuyến tham quan nhà máy này vừa qua, thì những gì mà nó sở hữu xứng đáng với từng xu mà Daikin bỏ ra. Thêm nữa, không phải tự dưng Daikin cho rằng, đây là nhà máy tiến tiên nhất của bản thân và sẽ là 'hình mẫu lý tưởng' cho những nhà máy tiếp theo sau của họ trên toàn cầu.
Daikin Việt Nam là nhà máy có tốc độ sản xuất ‘khủng’ nhất của Daikin trên toàn cầu với tốc độ 25 giây/1 máy
Cứ mỗi 25 giây một máy điều hòa không khí được hoàn thành tại nhà máy Daikin Việt Nam. Không chỉ lắp ráp, nhà máy Daikin Việt Nam còn sản xuất linh kiện sản phẩm. Tính tới thời điểm tháng 09/2019, 500.000 bộ điều hòa không khí đã được sản xuất tại nhà máy này.
Vậy tại sao tập đoàn này có thể làm điều ‘phi thường" đó?
Toàn cảnh bên trong công xưởng của nhà máy Daikin Việt Nam.
Với công nghệ hiện đại nhất nhì thế giới mà Daikin đang sở hữu, họ có thể sản xuất 1 chiếc máy điều hòa không khí như thế này chỉ mất 25 giây.
Đầu tiên, bởi nhà máy này đang sở hữu 3 công nghệ tiên tiến nhất thế giới trong ngành sản xuất, mà rất hiếm nhà máy khác có được. Họ có hệ thống máy dập khác hoàn toàn so với máy dập của các nhà máy khác trên thế giới, với 1 máy tích hợp nhiều khuôn, 1 lần dập bằng 5 lần dập của các nhà máy khác.
Xe tự hành đang chở các bán thành phẩm đến các line khác nhau.
Nhà máy Daikin Việt Nam là nơi đầu tiên sử dụng máy AGV - máy tự động chạy để cung cấp linh kiện cho các line sản xuất. Đối với các nhà máy khác, nhân viên làm việc tại các line vẫn phải trực tiếp đi lấy linh kiện chứ không được vận chuyển tự động bằng máy AGV. Nhà máy này cũng là nơi đầu tiên sử dụng công nghệ IoT trong hệ thống sản xuất từ khi ra mắt, trong khi các nhà máy Daikin khác trên thế giới mới bắt đầu sử dụng công nghệ này.
Phác thảo sơ lược về dây chuyển sản xuất theo dạng module của nhà máy Daikin Việt Nam.
Thứ hai, Daikin có "hệ thống sản xuất PDS" – sản xuất hỗn hợp nhiều loại sản phẩm, với 3 tiêu chí: chỉ sản xuất sản phẩm cần thiết, khi cần thiết và với lượng cần thiết. Ngoài ra, họ còn áp dụng dây chuyền sản xuất theo dạn module tiêu chuẩn quốc tế, dễ tùy biến và dễ cải tiến. Với phương cách này, tùy vào nhu cầu của thị trường, họ có thể dễ dàng tăng thêm line sản xuất hoặc giảm bớt đi.
Công nhân đang được đào tạo trong Trung tâm đào tạo Dojo.
Cuối cùng là nhân công trình độ cao. Để đảm bảo công nhân có thể theo kịp tốc độ sản xuất của các module và dây chuyền, Daikin đã thành lập một trung tâm đào tạo ngay tại nhà máy, tên Dojo. Đây là nơi tiếp nhận đầu vào của Daikin, sau khi được đào tạo, nếu công nhân vượt qua được vòng sát hạch - tức là hoàn thành một công đoạn trong mức thời gian mà họ đưa ra, thì mới được nhận vào thử việc.
Để trở thành công nhân chính thức của Daikin như thế này, người lao động phải vượt qua được các bài kiểm tra của họ sau khi được đào tạo.
Những line ở khu vực đầu ra và gần đầu ra cần nhiều nhân công nhất.
Tùy vào từng vị trí, nhưng có thể nói, để trở thành nhân viên của Daikin, bạn cần phải đủ nhanh nhẹn và khéo tay. Hằng năm, nhà máy còn đề cử những nhân viên ưu tú tham gia các cuộc thi kỹ năng của Daikin toàn cầu để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.
Để sản xuất một chiếc máy điều hòa, Daikin cần những cánh tay robot để gắp các bộ phận lắp ghép ở giai đoạn đầu tiên....
.... và cả những người công nhân làm công việc gắn ốc vít như thế này ở giai đoạn gần cuối.
Cho tới thời điểm này, trung tâm đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế này còn hỗ trợ đào tạo cho hơn 1.600 kỹ thuật viên trên toàn quốc nhằm, góp phần nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật viên nghề điện lạnh ở Việt Nam.
Quản lý sản xuất bằng công nghệ IoT
Có thể nói, việc áp dụng một trong những công nghệ tiên tiến nhất thế giới ở thời điểm này – IoT, đã giúp nhà máy duy trì được tốc độ và năng lực sản xuất đứng đầu ngành tại Việt Nam.
Sơ đồ hệ thống IoT của nhà máy Daikin Việt Nam/
Ngoài việc dùng cảm biến, nhà máy Daikin Việt Nam còn dùng nhiều các công nghệ khác như FID, camera và từ camera, họ sẽ lấy các dữ liệu kiểm tra, dữ liệu sản xuất. Việc lấy dữ liệu trong hệ thống IoT xuất phát từ yêu cầu cần những thông tin và dữ liệu nào từ người quản lý dữ liệu, dựa vào đó sẽ cài đặt thêm các thiết bị vào dây chuyền cũng như máy móc để hỗ trợ cho việc lấy dữ liệu.
Thông qua hệ thống IoT, Daikin sẽ luôn dễ dàng biết được thực trạng sản xuất của nhà máy so với mục tiêu đã đề ra.
Công nghệ IoT kết nối mọi công đoạn sản xuất thông qua internet, giúp truyền tải và trao đổi thông tin, dữ liệu mà không cần sự tương tác giữa con người với con người hoặc con người với máy tính, nhanh chóng phát hiện vấn đề và xử lý kịp thời, giảm thiểu sự cố liên quan đến con người và nâng cao năng suất hoạt động.
Một màn hình thể hiện chi tiết các dữ liệu đang biến chuyển không ngừng trong nhà máy nhờ hệ thống IoT.
Ở các line sản xuất, đầu tiên để nâng cao chất lượng sản xuất sẽ phải thực hiện các cải tiến. Để thực hiện các cải tiến thì phải nắm bắt được hiện trạng tại line đó (đang làm việc như thế nào, đang gặp phải cái vấn đề gì…). Việc lấy dữ liệu bằng cách đứng và quan sát tại line đó rất tốn thời gian. Khi chuyển sang sử dụng hệ thống IoT sẽ lập tức có ngay các dữ liệu chính xác nhất tại line đó chỉ sau 1 lần nhìn.
Nhờ hệ thống IoT, việc kiểm tra - kiểm soát trong nhà máy cũng trở nên dễ dàng hơn.
Chưa hết, khi không sử dụng IoT mà có lỗi xảy ra, nhân viên phải đi điều tra rất nhiều mới thu thập được đủ dữ liệu. Khi áp dụng hệ thống IoT, chỉ cần mở máy lên sẽ có ngay dữ liệu về việc ai sản xuất, sản xuất ở đâu, sản xuất khi nào và đã qua các công đoạn nào, do đó khi có lỗi sẽ truy cứu được nguyên nhân nhanh hơn và thực hiện đối sách để giải quyết vấn đề nhanh hơn.
Đối với việc bảo dưỡng thiết bị: khi chưa có IoT, chỉ biết máy móc bị hỏng khi nó đã bị hỏng. Tuy nhiên, khi sử dụng IoT, nhờ các cảm biến và hệ thống được gắn trên line, mình có thể phát hiện được nhiệt độ của thiết bị đang ở mức nào, nhiệt độ đó có bất thường hay không, từ đó thực hiện bảo dưỡng trước khi thiết bị bị hư hỏng
Về tính lâu dài: từ dữ liệu của hệ thống IoT có thể cải tiến công nghệ sử dụng tại nhà máy hơn nữa.
Kế hoạch tương lai
Đến năm 2020, dòng máy thương mại giấu trần nối ống gió sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Tháng 4/2019, nhà máy Daikin Việt Nam được cấp chứng chỉ ISO 9001 về quản lý chất lượng bởi JQA (Hiệp hội chất lượng Nhật Bản). Vào tháng 4/2020, nhà máy dự kiến sẽ được cấp chứng chỉ ISO 14001 về quản lý môi trường bởi JQA.
Trước khi tung ra thị trường, những chiếc máy lạnh của Daikin phải trải qua 7 công đoạn kiểm tra khác nhau, ví dụ như kiểm tra an toàn đảm bảo các bản mạch....
...kiểm tra độ ồn khi vận hành đảm bảo âm thanh từ cánh đảo gió dàn lạnh không gây chú ý.
Hiện tại công suất nhà máy khoảng 500 triệu sản phẩm điều hòa dân dụng/năm và có thể mở rộng lên 1 triệu sản phẩm/năm. Đến năm 2020, để phục vụ cho việc mở rộng sản xuất qua dòng thương mại công suất lớn, Daikin sẽ tăng số lượng nhân sự, từ hơn 1.000 người ở thời điểm hiện tại lên 1.500 người.
Sản phẩm của nhà máy tại Hưng Yên vẫn đang hoàn toàn phục vụ cho nhu cầu trong nước, chưa xuất khẩu. Do hiện tại nhà máy Daikin tại Thái Lan đang phụ trách thị trường ASEAN, nên nếu sau này nhà máy tại Việt Nam dư sản phẩm để xuất khẩu, họ sẽ phải nghiên cứu rất kỹ lộ trình xuất ngoại cho "đứa con cưng" này.